Nữ Giám đốc và “khát vọng” đưa nước sạch về quê

Kiên Cường| 04/08/2022 17:32

(TN&MT) - Với bản lĩnh, nghị lực phi thường từ cô thợ cấy sinh ra nơi vùng đất “chiêm khê, mùa thối”, chị Đinh Thị Hồng sớm nuôi “khát vọng” đưa nước sạch về vùng quê xa xôi, hẻo lánh của huyện Lương Tài, Thuận Thành (Bắc Ninh). Vượt qua chặng đường gian nan, thử thách đi lên từ bờ tre, gốc rạ…

khởi nghiệp bằng xe đạp thồ cút kít với chữ “tâm” của người con quê lúa, chị đã trở thành nữ Giám đốc doanh nghiệp và thực hiện thành công ước mơ đưa nước sạch về tận thôn cùng, ngõ xóm cho người dân.

Nuôi ước mơ từ “bờ tre, gốc rạ”

Về thăm hai nhà máy nước sạch Quảng Phú và An Thịnh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) chúng tôi như lạc vào công viên xanh, với đủ các loại hoa và cây trái đang vào mùa đơm bông, kết quả. Một không gian lý tưởng trong ngày hè oi nực, không nghĩ rằng đây lại là hai nhà máy nước sạch cung cấp cho 13 xã vùng sâu xa, hẻo lánh của hai huyện: Lương Tài, Thuận Thành.

95-2-.jpg

Cán bộ phòng xét nghiệm của Công ty kiểm tra chất lượng nước.

Điều làm chúng tôi bất ngờ hơn, “người đứng mũi, chịu sào” của hai nhà máy nước sạch lớn này là chị Đinh Thị Hồng, xuất thân từ cô thợ cấy của làng Thanh Gia, xã Quảng Phú. Khi ngồi tiếp chuyện với chị, người phụ nữ xinh đẹp toát lên vẻ thông minh, nhanh nhẹn và lời nói dứt khoát, luôn nở nụ cười duyên của người Kinh Bắc. Tò mò, chúng tôi muốn chị kể cho nghe về cuộc đời, khởi nghiệp và lý do nào chị đến với ngành nước, thành công hôm nay, mà trên đường khi hỏi đến nhà máy này, người dân ai cũng biết và hết lời ca ngợi: Người phụ nữ tài ba, trong tâm và việc làm luôn hướng đến điều thiện, chia sẻ, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn cộng đồng… nhưng chị Hồng đã thẳng thừng, gạt phắt: “Chị bình thường thôi em ạ! Cũng chỉ vì mong muốn cho người dân ở quê, các vùng lân cận được dùng nguồn nước sạch, tránh được các loại bệnh tật truyền nhiễm do nước bẩn, ô nhiễm gây ra chị ấp ủ và quyết tâm làm.

Để có được thành quả nhà máy nước hôm nay là cả quá trình khó khăn, gian nan vất vả không kể được nhưng cứ làm, quyết tâm như lời Bác dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” là thành công. Mặc dù, hiện nay nhà máy đi vào hoạt động ổ định, nhưng không phải đã hết lo, chị chỉ là nông dân nên chỉ muốn việc làm, cách làm mang lại lợi ích nhất cho người dân. Người nông dân như chị, quê hương chị bao năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vất vả, lam lũ, chịu thương chịu khó… như ngấm vào máu rồi”.

Khi ngồi trò chuyện với ông Cao Sỹ Thự - Bí thư Chi bộ Công ty, chúng tôi càng thêm khâm phục chặng đường khởi nghiệp của chị Đinh Thị Hồng. Trong căn phòng khách của nhà máy, kín tường Giấy khen của các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh Bắc Ninh khen tặng Công ty, ông Thự nói: “Tôi vốn là đảng viên, Cựu chiến binh, cán bộ nghỉ hưu nhưng khâm phục tính cách, con người cô Hồng nên tôi ra để giúp cho Công ty. Là người cùng thôn nên tôi hiểu rất rõ cuộc sống gia đình cô Hồng, vất vả gian nan... Sinh ra lớn lên vùng quê nghèo từ bé đã phải chăn trâu, cắt cỏ rồi làm đủ các việc đồng áng… do nhà nghèo lên chỉ học được đến lớp 6, cô Hồng đã phải nghỉ học ở nhà để phụ giúp cha mẹ. Tròn 20 tuổi lấy chồng, vợ chồng cô Hồng được gia đình cho chiếc xe đạp thồ làm của hồi môn. Đây là tài sản khởi nghiệp đã theo chân vợ chồng Hồng - Quang trên khắp các nẻo đường hàng xay, hàng xáo; buôn thóc, bán gạo ở các tỉnh: Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương… Với một thập kỷ “thắt lưng, buộc bụng” chắt chiu, gom góp từng đồng, vợ chồng Hồng - Quang đã có chút vốn và chuyển nghề mua hàng tại cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn về bán. Lại thêm gần 10 năm bám biên vật lộn, buôn bán để có được đồng vốn nuôi dưỡng ước mơ trở về quê hương, lập nghiệp trên chính mảnh đất thuần nông.

Năm 2006, vợ chồng Hồng - Quang đã kết thúc chặng đường gần 20 năm ngược xuôi trên khắp nẻo đường, về quê thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Quang. Cũng từ đây, khát vọng của cô thợ cấy mang về cho quê hương những gì tốt đẹp nhất đã trở thành hiện thực. Trong đó, hàng vạn người dân của 13 xã, hai huyện Lương Tài, Thuận Thành như được “thay da, đổi thịt” nhờ sử dụng nguồn nước sạch thay thế nước ao hồ, giếng khoan phèn mặn… nguyên nhân chính của các dịch bệnh. “Nước sạch bao đời người dân nghèo vùng quê chúng tôi hằng mơ, một ngày vặn vòi có được dòng nước trong mát như dân thị thành” - ông Thự nói.

Nước về vùng “chiêm khê, mùa thối”

Mở Công ty mang tên Phú Quang (gắn tên xã Quảng Phú), doanh nghiệp của nữ Giám đốc Đinh Thị Hồng mang ý nghĩa “nhân văn” mong muốn xây dựng cho quê hương ngày thêm giàu đẹp. Thế rồi niềm ước mơ như được chắp cánh, khi Nhà nước xây dựng nông thôn mới, với bộ tiêu chí có nội dung nước sạch, tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 53/2010/QĐ -UBND ngày 20/5/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Được sự động viên của gia đình, chồng con và nhất là niềm tin yêu của người dân thôn quê tha thiết mong đợi, chị Hồng đã quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch An Thịnh, huyện Lương Tài. Dự án ban đầu chỉ khiêm tốn với công suất 1.800m3/ngày phục vụ nhân dân 2 xã An Thịnh và Mĩ Hương, lấy nước mặt từ sông Thái Bình qua hệ thống xử lý công nghệ cao: nước thô - bể trộn - keo tụ - tạo bong - lắng đứng - lọc - khử trùng - nước sạch. Trong quá trình thi công nhà máy, chị Hồng luôn trăn trở, lo lắng làm thế nào để nước đạt chuẩn sạch cho người dân, đảm bảo sức khỏe là hàng đầu. Khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động năm 2012, chất lượng nước qua kiểm định của cơ quan chức năng đã đạt chuẩn “sạch” chị Hồng mới thở phào nhẹ nhõm như trút được “gánh nặng” bởi giữ trọn niềm tin của người dân quê trao gửi.

95-1-.jpg

Nhà máy nước xanh - sạch - đẹp như bức tranh thủy mặc.

Được sự tin tưởng của người dân, chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Quang triển khai giai đoạn 2 mở rộng quy mô nhà máy lên đến 8.800m3/ngày và lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước, trạm bơm tăng áp cho các cụm xã An Thịnh, Mĩ Hương, Trung Kênh, Lai Hạ, Trừng Xá và Trung Chính. Năm 2013, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Quang lại vinh dự, được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Dự án xây dựng hệ thống cấp nước nông thôn xã Quảng Phú, quy mô 10.700m3/ngày cung cấp nước cho các xã của huyện Thuận Thành, như: An Bình, Trạm Lộ, Ninh Xá, Nghĩa Đạo…

Tròn 10 năm khi Nhà máy nước đầu tiên của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Quang, do chị Đinh Thị Hồng làm Giám đốc đi vào hoạt động, đã tạo công ăn việc làm cho trên 40 lao động địa phương, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng, chế độ Bảo hiểm xã hội đúng theo quy định. Công ty có đầy đủ các tổ chức, như: Chi bộ đảng, Công đoàn… đây là điều hiếm gặp ở một doanh nghiệp tư nhân. Chính vì tổ chức bài bản, quy củ Công ty được công nhận là “cơ quan văn hóa” với hàng loạt Giấy khen, Bằng khen của huyện, tỉnh Bắc Ninh.

Để có được thành công trên cả niềm mong đợi, Giám đốc Đinh Thị Hồng tỏa sáng phẩm chất của người phụ nữ Kinh Bắc. Chị không những “giỏi làm kinh tế, đảm việc nhà” mà còn có lòng thiện tâm, hàng năm đều giành phần thu nhập chia sẻ cho hoàn cảnh khó khăn, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Đại dịch Covid-19, chị đã cho nghiên cứu làm hàng nghìn chai nước sát khuẩn (trị giá hàng tỉ đồng tặng miễn phí cho dân). Bên chị Hồng, tôi vỡ lẽ ra nhiều điều, nhưng câu nói của chị khiến tôi tâm đắc nhất: “Có Tâm ắt sẽ thành công”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ Giám đốc và “khát vọng” đưa nước sạch về quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO