Nông nghiệp Vĩnh Phúc - hướng đi bền vững sau sau 25 năm tái lập tỉnh

Việt Hùng - Phạm Thiệu| 23/12/2021 16:13

(TN&MT) - Một trong những điểm nhấn quan trọng trong bức tranh nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc là đưa sản xuất phát triển toàn diện với sự chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa, từng bước gắn sản xuất với chế biến và thị trường.

Những quyết sách đúng đắn

Sau khi tái lập tỉnh vào năm 1997, Vĩnh Phúc được biết đến là tỉnh nghèo, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt gần 100 tỷ đồng. Lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới trên 52% trong cơ cấu kinh tế song diện tích đất cách tác nhỏ hẹp; cơ sở hạ tầng yếu kém, máy móc rất ít và chủ yếu làm đất bằng sức kéo gia súc; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ lẻ, không đủ điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung và gắn với nhu cầu thị trường.

Đứng trước những khó khăn, thách thức Ban thường vụ Tỉnh ủy đã hành động kịp thời giúp chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững. Đầu tiên phải kể đến Nghị quyết số 10 và Đề án số 2103 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001 - 2005 với tập trung ưu tiên đầu tư 6 cây và 3 con; UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai các dự án cụ thể, ban hành các chính sách miễn 100% thủy lợi phí vụ đông, giảm 50% thủy lợi phí vụ chiêm và vụ mùa…

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh tập trung hiện đại hóa nông nghiệp một cách mạnh mẽ

Nhờ đó, năm 2005, lần đầu tiên năng suất lúa của tỉnh đã vượt mốc 50 tạ/ha, đưa Vĩnh Phúc là một trong những địa phương dẫn đầu miền Bắc về sản xuất 3 vụ ổn định trong năm, trong đó, vụ Đông là vụ sản xuất hàng hóa. Đời sống nông dân được nâng lên, không còn hộ đói, giảm hộ nghèo từ 2 - 3%/năm, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành gần 90 nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng việc thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể và phê duyệt hàng trăm danh mục đầu tư. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các cơ chế, chính sách đều được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ, triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả.Với quan điểm lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng để có điều kiện đầu tư trở lại phục vụ nông nghiệp, năm 2006, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 03 với phương châm “giảm đóng góp, tăng đầu tư, phát triển nông thôn toàn diện”. Thực hiện Nghị quyết này, tỉnh đã dành gần 316 tỷ đồng từ ngân sách cho các chương trình miễn thủy lợi; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa; đầu tư hạ tầng khu sản xuất chăn nuôi tập trung.

Vĩnh Phúc luôn chú trọng xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, đa dạng với cơ cấu ngành nghề hợp lý, gắn liền với thị trường. Từ những chủ trương sát đúng, sáng tạo và khoa học cùng sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của người dân, nông nghiệp Vĩnh Phúc đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ sau một phần tư thế kỷ đầy nỗ lực.

Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn được hình thành

Sau 25 năm tái lập tỉnh, nông nghiệp Vĩnh Phúc đã khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế của tỉnh với giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 1997 - 2021 tăng 5,1%/năm; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 155 triệu đồng/ha/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với năm 1997; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 50 triệu đồng/người.

Những thành tựu nổi bật sau 25 năm nỗ lực

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong bức tranh nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc là đưa sản xuất phát triển toàn diện với sự chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa, từng bước gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Cùng với áp dụng cơ giới hóa ở hầu hết các khâu trong sản xuất, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, gieo trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 - 4 lần so với cây trồng truyền thống; nhiều giống lúa mới được đưa vào sản xuất giúp năng suất lúa tăng từ 34,2 tạ/ha năm 1997 lên 60 tạ/ha năm 2021. Vĩnh Phúc bước đầu đã có những sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu đặc trưng riêng như: Thanh long ruột đỏ, ớt quả, dưa chuột, su su, chuối tiêu hồng; một số nông sản của tỉnh đã vươn ra thị trường thế giới.

Trong chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn như: Chăn nuôi lợn ở Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm ở Tam Dương, Tam Đảo; chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo... Nếu như năm 1997, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn tỉnh đạt 22.600 tấn thì đến năm 2021 đã đạt trên 119.500 tấn.

Vĩnh Phúc cũng có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện dồn thửa đổi ruộng, tích tụ ruộng đất. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện dồn thửa đổi ruộng được gần 2.000 ha tại 5/9 huyện, thành phố. Sau dồn thửa đổi ruộng, đồng đất đã được cải tạo, kiến thiết lại thuận lợi cho công tác áp dụng cơ giới hoá, khoa học kỹ thuật hiện đại, giúp giải phóng sức lao động, là điều kiện để chuyển lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác, nâng cao thu nhập cho người dân.

Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, nhiều nông dân Vĩnh Phúc đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia; chủ động tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền với chuyển đổi số.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc cho biết, đến nay, tỉnh đã hình thành nhiều vùng, hợp tác xã sản xuất rau quả, chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGAP. Thông qua ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp nông dân không phải ghi chép nhật ký sản xuất thủ công như trước đây mà chỉ cần kiểm tra theo số liệu được cập nhật đầy đủ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh chờ ngày sản xuất và thu hoạch theo đúng quy trình.

Không chỉ tự động hóa trong quy trình sản xuất, khâu marketing, tiêu thụ sản phẩm cũng đã được số hóa để theo dõi và giao dịch. Khi đến kỳ thu hoạch, thiết bị sẽ thông báo, hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký kết thu mua; doanh nghiệp thu mua chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất, mọi thông tin về sản phẩm từ giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ. Phương thức này có thể kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng, loại bỏ khâu trung gian giúp giá bán nông sản ổn định, ít bị thao túng; thay vì trông thời tiết, nông dân thời công nghệ số sẽ trông dữ liệu, mua dữ liệu để lên kế hoạch gieo trồng cho phù hợp với mùa vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp Vĩnh Phúc - hướng đi bền vững sau sau 25 năm tái lập tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO