Giai đoạn hiện nay, cụm từ BĐKH được nhắc đến nhiều hơn với các loại hình, biểu hiện của thời tiết cực đoan. Điển hình của khu vực Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng là hiện tượng rét đậm, rét hại, lũ ống, lũ quét…gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Đầu năm 2016, người dân Tuần Giáo (Điện Biên) chứng kiến đợt rét kỷ lục, băng giá xuất hiện |
Theo thống kê riêng của ngành nông nghiệp Điện Biên trong giai đoạn từ năm 2012 - 2016, toàn tỉnh có trên 5.600ha ruộng lúa bị sạt lở, bồi lấp, rửa trôi; 302ha ruộng lúa mất trắng vì ngập lụt; trên 1.200ha ruộng lúa bị thiệt hại trên 70%; 287ha lúa nương bị sạt lở; 170ha ngô mất trắng; 410ha rau màu ngập úng; 142ha cà phê bị bồi lấp; trên 12.000 cây cao su đổ, gãy; 500ha nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; 4.100 con gia súc bị chết do thiên tai...cùng hàng trăm công trình thủy lợi và hàng trăm kilômet kênh mương bị cuốn trôi, vùi lấp, tổng thiệt hại ước tính 1.333 tỷ đồng. BĐKH cũng làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch hại, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng trong sản xuất, tăng nguy cơ rủi ro đối với nông nghiệp, đặc biệt là các khu vực phát triển trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh, như: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo.
Điển hình nhất vào đầu năm 2016 tại huyện Tuần Giáo – vùng trọng điểm phát triển các cây nông nghiệp đặc trưng như thảo quả, táo mèo, sa nhân…đã phải hứng chịu trận rét đậm, rét hại lịch sử, nhiệt độ xuống đến 00C khiến băng tuyết xuất hiện và gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.
Mưa đá xuất hiện đầu tháng 2/2017 tại T.X Mường Lay |
Anh Mùa Sua Thào, Trưởng bản Ten Hon, xã Tênh Phông (Tuần Giáo) cho biết: Do đặc thù khí hậu mát mẻ, thuận lợi để phát triển cây thảo quả, nên bà con đã tập trung trồng và chăm sóc trên 24ha. Năng suất bình quân hàng năm đạt 4 tạ quả khô/ha, thu nhập được từ 12- 15 triệu đồng. Nhiều năm thảo quả được mùa, cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa. Tuy nhiên, đợt rét đậm đầu năm 2016, băng đóng quá dày đã làm táp ngọn và gãy cành toàn bộ diện tích. Chưa kịp khắc phục thiệt hại do rét thì trung tuần tháng 4 năm ấy lại gặp cháy rừng, diện tích thảo quả của bản đã cháy sạch…Mỗi vụ thu hoạch thu từ 60 - 100 triệu đồng từ thảo quả, nhưng giờ đây các hộ đã mất nguồn thu chính.
Gần đây nhất, trận giá rét xảy ra vào trung tuần tháng 11, cũng đã tác động không nhỏ đến lợi ích kinh tế của người trồng cà phê huyện Mường Ảng (Điện Biên). Năm nay, mặc dù được giá là bội thu, nhưng đôi khi thời tiết “đỏng đảnh” lúc mưa phùn, lúc giá rét, ẩm nóng thất thường khiến người trồng cà phê cũng lao đao theo. Nếu thời điểm đầu vụ, thời tiết thuận lợi, cà phê tươi bán được giá khoảng 7.500 đồng/kg. Nhưng khi thời điểm trời chuyển mưa phùn, giá rét một số đại lý sơ chế đã dừng thu mua với lý do cà phê mua về không thể phơi sấy và chỉ thu mua với giá khoảng 6.500 đồng/kg. Cà phê chín, vừa phải thuê nhân công thu hái giá cao, vừa bị tư thương ép giá, người nông dân bị thiệt hại đáng kể. Nhưng nếu không hái thì những quả chín gặp mưa rất nhanh bị nẫu, hỏng và rụng. Nên mặc dù được đánh giá vụ cà phê được mùa, song vào đúng thời điểm thu hoạch rộ thì gặp tình trạng thời tiết cực đoan, nên ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và giá thành kinh tế.
Trao đổi với ông Trịnh Quốc Cường, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên cho biết: Giải pháp trước mắt, để ứng phó và hạn chế thiệt hại do BĐKH gây ra, ngành Nông nghiệp tỉnh chú trọng làm tốt công tác dự báo về: Khí tượng, thủy văn và dự báo sâu, dịch bệnh gây hại. Sau đó, dựa trên kết quả dự báo, ngành xây dựng lịch thời vụ và kế hoạch bảo vệ mùa vụ, có các văn bản chỉ đạo sản xuất cho các địa phương thực hiện. Các huyện, thị xã, thành phố căn cứ đặc điểm tình hình địa phương để triển khai sản xuất đảm bảo đúng thời vụ, cơ cấu giống và tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, nhất là chuẩn bị các phương án dự phòng hỗ trợ người dân khi thiên tai xảy ra.
Đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng là giải pháp hiệ quả ứng phó với BĐKH. Trong ảnh: Người dân Điện Biên tham gia bảo vệ rừng |
Dự báo hiện là giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó với các loại hình thời tiết cực đoan. Bởi vậy, đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016, hàng nghìn héc ta lúa đông xuân chết rét trên phạm vi toàn tỉnh. Song nhờ chủ động nguồn giống dự phòng, các địa phương đã hỗ trợ kịp thời cho người dân để gieo cấy lại, khắc phục thiệt hại. Kết quả năng suất, sản lượng lúa vẫn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao.
Cùng với các chính sách hỗ trợ người dân ứng phó với BĐKH, tỉnh Điện Biên còn quan tâm hỗ trợ về chi phí giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đơn vị chuyên môn thường xuyên thử nghiệm các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu, dịch bệnh tốt và phù hợp với điều kiện địa phương để bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Trong kỹ thuật sản xuất, ngành đã ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap...
Ngoài ra, vấn đề tổ chức sản xuất ứng phó với BĐKH cũng đã được ngành nông nghiệp tính đến. Đó là tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bước đầu hình thành các mô hình liên kết sản xuất, từng bước xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng... Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đất lúa 1 vụ sang trồng ngô, rau màu; quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn theo hướng VietGap tại huyện Điện Biên (chiếm 80% trong tổng số trên 4.100ha đất trồng rau toàn tỉnh). Nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho người dân tại các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn. Đồng thời nghiên cứu, nuôi thử nghiệm các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá tầm, cá hồi nuôi theo phương pháp lồng bè tại huyện Điện Biên và Tuần Giáo.
Đối với các địa phương có đặc thù địa hình dốc, để giảm thiểu những thiệt hại do BĐKH gây ra, ngành nông nghiệp đã quan tâm và triển khai những giải pháp phù hợp nhằm phát triển bền vững để canh tác trên đất dốc như: nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất. Một trong những giải pháp quan trọng trong ứng phó với BĐKH được tỉnh và ngành Nông nghiệp tập trung triển khai đó là tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp. Trong đó tập trung vào trồng rừng, nâng cao độ che phủ rừng và chất lượng rừng; khuyến khích phát triển, tái sinh rừng tự nhiên, thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Hoàng Châu - Nam Hương