Theo báo cáo tại buổi họp báo, năm 2016, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nổ lực của chính quyền và nhân dân, Đà Nẵng đã có những bước đột phá đáng kể. Kinh tế tiếp tục duy trì ở đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,04% so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực và ổn định.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi họp báo |
Tại cuộc họp, nhiều thông tin dư luận đang nóng trong thời gian qua được các cơ quan báo chí đưa ra, trong đó vấn đề ô nhiễm môi trường tại các dự án liên quan đến nhà máy thép, sân golf Bà Nà, chất lượng nguồn nước và bảo vệ rừng đặc dụng Nam Hải Vân cũng như rừng bán đảo Sơn Trà được bàn luận nhiều nhất.
Liên quan đến các thông tin về việc xây dựng hầm qua sông Hàn được lãnh đạo thành phố cũng như các cơ quan báo chí quan tâm đặc biệt. Trong đó phần lớn ý kiến cho rằng, dự án xây hầm qua sông Hàn không được dư luận đồng tình nhưng thành phố vẫn quyết làm. Nhiều cơ quan báo chí cho rằng, chưa có công trình nào nhận ý kiến phản đối của 2 Chủ tịch thành phố tiền nhiệm. Trong đó ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng chỉ cần số vốn hơn 1.000 tỷ đồng để nâng cấp cầu Thuận Phước sẽ đáp ứng được nhu cầu về giao thông. Ngoài ra, có thể tăng diện tích cầu sông Hàn.
Trả lời vấn đề này, ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở GTVT cho hay, về quy hoạch chung công trình này đảm bảo tất cả các yếu tố. Khi hình thành sẽ giải tỏa được sức ép giao thông cho cầu sông Hàn. Đồng thời khi di dời ga tàu lửa cũ sẽ hình thành tại đây khu dân cư mới, và tạo ra trục giao thông cần thiết để phát triển giao thông ở quận Sơn Trà. Ông Trung cho biết thêm, từ tháng 10/2015 đến tháng 6/2016, đơn vị này đã mời các giáo sư đầu ngành để tổ chức hội thảo và nhận được nhiều phản hồi, tổng hợp báo cáo lên thành phố. Sau đó lãnh đạo thành phố cho nghiên cứu tiếp và đến tháng 7/2016 cho tổ chức cuộc thi công trình vượt sông Hàn.
Việc hai nhà máy thép gây ô nhiễm đã gây bức xúc trong dư luận suốt thời gian qua |
Đến tháng 9.2016 có 7 phương án chọn xây cầu và 2 phương án chọn xây hầm. "Tuy nhiên tất cả các phương án đều chưa đáp ứng yêu cầu. Thành phố ra quyết định cho phép nghiên cứu phương án xây dựng hầm, nhưng đến nay vẫn chưa quyết định phương án nào. Thành phố đang tiếp tục nghiên cứu thêm", ông Trung nói.
Liên quan đến các ý kiến chỉ cần nâng cấp cầu Thuận Phước hoặc tăng diện tích cầu sông Hàn sẽ vừa đáp ứng nhu cầu giao thông của thành phố vừa tiết kiệm chi phí, ông Trung khẳng định, không thể nâng cấp cầu Thuận Phước vì cầu này không đáp ứng về kỹ thuật để nâng cấp. Còn mở rộng cầu sông Hàn về mặt diện tích thì được nhưng về kết cấu sẽ làm ảnh hưởng chất lượng của cây cầu này. Ngoài ra, nếu mở rộng sẽ kéo theo lượng lưu thông tăng lên gây tắc nghẽn.
Trước việc xây dựng hầm vượt qua sông Hàn gây nhiều tranh cãi, ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng cho rằng, dự án này chuẩn bị rất kỹ. Chưa có công trình nào mà Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng phải họp tới 3 phiên và sắp tới sẽ có phiên họp thứ 4. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, phần lớn thành viên Ban Thường vụ chọn phương án xây hầm. Tuy nhiên, khi nào làm, thời gian khởi công chưa có.
"Nói chúng tôi vội vã là chưa chính xác. Còn về thẩm quyền chúng tôi có quyền quyết định. Chúng tôi không ngồi trên dư luận, bỏ qua dư luận nhưng chúng tôi có quyền đưa ra quyết định. Chúng tôi chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Mọi người hãy xem công trình có ảnh hưởng lợi ích người dân, có ảnh hưởng môi trường... xem chúng tôi có vì lợi ích chung hay không? Tôi và anh Thơ không có lợi ích riêng khi xây dựng công trình này", ông Nguyễn Xuân Anh khẳng định.
Cũng tại buổi họp báo sáng nay, liên quan đến việc hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc đặt tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang gây ô nhiễm môi trường mà trước đó Báo Điện tử TN&MT có loạt bài phản ánh. Nhiều cơ quan báo chí và dư luận đặt câu hỏi, liệu nhà máy thép đặt gần khu dân cư và việc ô nhiễm kéo dài trong nhiều năm qua, nếu cứ áp dụng những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm như thời gian qua có khả thi?
Và đỉnh điểm của việc ô nhiễm môi trường từ hai nhà máy thép là hàng trăm người dân ở xã Hòa Liên đã vây cổng hai nhà máy thép mới đây |
Ông Lê Quang Nam - Giám đốc Sở TN&MT lý giải, đây là hai nhà máy thép lớn và đã hoạt động trong thời gian dài, việc gây ô nhiễm môi trường của hai nhà máy nói trên đã được lãnh đạo thành phố chỉ đạo ráo riết, khắc phục nhiều lần. Tuy nhiên, do việc đặt nhà máy sát khu dân cư dẫn đến việc gây ô nhiễm chưa được giải quyết một cách triệt để, khiên dư luận bức xúc.
Ông Nam cũng chio biết, về lâu dài, nhất định phải di dời hai nhà máy thép này ra khỏi khu dân cư. Hiện tại, thành phố đang cho tạm đình chỉ hoạt động của hai nhà máy, tiến hành kiểm tra mức độ ô nhiễm. “Chúng tôi cũng đang chỉ đạo giao hai nhà máy phải caỉ tạo phương án ô nhiễm cũng như công nghệ và phải có báo cáo trong quý 1/2017”, ông Lê Quang Nam nói.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định: Không có chuyện đánh đổi môi trường, ngân sách, nhân công lao động để cho nhà máy thép hoạt động. Dân cư ngày càng đông, quá trình xây dựng nhà ở ngày càng nhiều, vấn đề bảo đảm môi trường phải được đặt lên hàng đầu.
Hiện đã cho dừng hoạt động sản xuất và cho tiến hành kiểm tra các chỉ số ô nhiễm. Cho thành lập luôn Tổ giám sát môi trường túc trực 24/24 để đảm bảo tuyệt đối môi trường cũng như vấn đề an ninh trật tự tại đây. Tuy nhiên, cũng theo ông Huỳnh Đức Thơ, trước đây đã có giải tỏa, di dời dân, và chúng tôi sẽ tiếp tục di dời giải tỏa, song giải tỏa rồi mà vẫn có hiện tượng nhà trái phép mọc lên. Ông Thơ chỉ đạo các cơ quan, ban ngành nghiêm ngặt và xử lý các trường hợp xây dựng trái phép trong khu vực này.
Bài và ảnh: Xuân Lam