Những ngày sau Tết Nguyên đán là thời điểm thích hợp nhất để nông dân xã Đặng Cương bắt đầu cải tạo vườn trồng hoa, cây cảnh, xới đất, loại bỏ những cây bị sâu bệnh, khả năng sinh trưởng kém.
Người dân chỉnh trang lại hệ thống thủy lợi dẫn nước tới các vùng sản xuất tập trung, bổ sung phân bón cho cây trồng.
Để không lãng phí, bỏ ra một số tiền nhỏ mà được chơi những gốc đào đẹp, người dân Hải Phòng từ lâu chọn thuê đào để chơi tết. Hết tết, từ ngày mùng 7 đến 15 tháng Giêng là thời điểm thu lại đào, các hộ trồng đào lại tất bật vào đào để kịp thời vụ. Người tỉa cành, người lên luống, người cuốc hố, người trồng, người làm cỏ, người tưới nước, người bón phân.
Ông Vũ Đức Tâm cho biết, mỗi năm gia đình ông trồng 60 gốc. Năm qua mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng gia đình ông vẫn bán được hết, trừ công và chi phí, gia đình ông thu về được 700 – 900 nghìn đồng mỗi gốc.
Trồng 180 gốc đào, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến bán được 160 gốc. Với 3 sào đất, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Chiến thu lãi được hơn 200 triệu đồng.
Để một cây đào có thế đẹp, cành phát triển khỏe mạnh đòi hỏi các chủ vườn phải chăm sóc cẩn thận, kỹ lưỡng trong suốt cả năm trời. Công việc này yêu cầu những người trồng đào phải có kinh nghiệm, kỹ thuật cao.
Từ lâu, làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương được coi là một trong những vựa qua lớn nhất Hải Phòng. Cây đào là cây chủ lực chính và đem lại thu nhập khá cho người dân nơi đây, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương.