Khó khăn là vậy, nhưng bà con nông dân vẫn phải cố gắng cầm cự, bám đất, bám ruộng, mua vật tư nông nghiệp như phân bón, hạt giống… để tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất thuế Giá trị gia tăng (GTGT) 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh phân bón không được khấu trừ, và doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5% - 8%.
Điều này dẫn đến giá phân bón đến tay bà con nông dân cũng bị tăng theo, kéo theo đó là chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên đáng kể, do phân bón là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 40 - 50% chi phí sản xuất.
Người nông dân phải chịu giá phân bón cao do bất cập từ Luật thuế 71 |
Việc từ chỗ thuộc diện áp dụng thuế GTGT thuế suất 5% chuyển sang đối tượng không chịu thuế GTGT nghe qua tưởng như sẽ có lợi cho doanh nghiệp (DN) và nông dân, nhưng thực ra không phải như vậy. Sự thay đổi chính sách thuế GTGT theo Luật 71/2014/QH13 đã không những không giúp nông dân hưởng lợi từ giá phân bón như mục tiêu đề ra ban đầu của chính sách này, mà còn gây ra hiệu ứng ngược hoàn toàn.
Không chỉ thế, Luật 71/2014/QH13 còn tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu tràn vào Việt Nam một cách đột biến. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014 (thời điểm trước khi Luật 71/2014/QH13 được áp dụng) chỉ là 3,7 triệu tấn thì đến năm 2017 con số này đã là hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn, riêng đạm urê tăng gần 2,5 lần.
Đâu là lý do của sự tăng vọt đột biến đó? Chính là từ chính sách thuế GTGT với hàng nội địa. Ở các nước khác, do thuế GTGT đối với mặt hàng xuất khẩu là 0% nên nhà sản xuất được hoàn thuế GTGT đối với toàn bộ chi phí đầu vào chịu thuế GTGT, và giá thành sản phẩm xuất khẩu của họ không bao gồm thuế GTGT của chi phí đầu vào.
Ngược lại, do mặt hàng phân bón ở Việt Nam không thuộc diện chịu thuế GTGT, do đó không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, nên giá thành đã bao gồm phần thuế GTGT đầu vào (trong đó có chi phí đầu tư công nghệ mới, hiện đại). Vì thế giá thành phân bón nhập khẩu tự dưng trở nên cạnh tranh hơn so với sản phẩm trong nước, và điều này có thể giải thích lý do của sự gia tăng đột biến phân bón nhập khẩu thời gian qua.
Hạn hán, mất mùa tại Nghi Lộc, Nghệ An (T7.2020) |
Với việc hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp nước ngoài càng có điều kiện hạ giá bán phân bón mạnh để cạnh tranh với phân bón nội địa. Thực tế là các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực, kể cả các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, đều được hậu thuẫn để chen chân vào thị trường Việt Nam, trong khi doanh nghiệp trong nước lại chịu bất công như trên. Ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ dần bị phân bón nhập khẩu chèn ép nếu như Luật 71 không sớm được sửa đổi.
Các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp đã nhiều lần đưa ra cảnh báo rằng chính sách thuế có nguy cơ đẩy ngành sản xuất phân bón Việt Nam đi thụt lùi, từ những doanh nghiệp sản xuất phân bón có công nghệ hiện đại dần dần thành các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất lạc hậu. Về dài hạn, nếu không có sự thay đổi thì họ buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh, mà đơn giản nhất là nhập khẩu phân bón về bán dựa trên thế mạnh của mình về hệ thống phân phối, thay vì đầu tư công nghệ hiện đại để tạo nên thế mạnh về sản xuất.
Cuối cùng là sản phẩm nông nghiệp và môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì lẽ các loại sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ lạc hậu giá rẻ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới môi trường và nông sản đầu ra, và đây chính là nguy cơ rất lớn cho ngành nông nghiệp nước nhà. Đó là chưa nói đến việc phụ thuộc vào nguồn cung phân bón từ nước ngoài sẽ khiến nền nông nghiệp và an ninh lương thực của nước nhà trở nên lệ thuộc và hết sức mong manh, điều mà Đảng và Nhà nước ta luôn ý thức rất sâu sắc.
Được biết, gần đây Bộ Tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xử lý vấn đề này, và đã có công văn gửi Bộ Công Thương thông báo Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT nhằm xử lý các bất cập nói trên. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là đến bao giờ thì các bất cập đó sẽ được giải quyết, vì cứ chậm một ngày là cả nông dân, doanh nghiệp và nền nông nghiệp trong nước đều chịu thiệt hại.