Các vết đất khô cằn giống như các vòng tròn đồng tâm trong các bức tranh chấm của thổ dân nói về một thần thoại cổ xưa, đàn bò đói xếp hàng trông giống như một bức tranh trừu tượng và bóng đen trải dài trên mặt đất một hình ảnh siêu thực.
Tuy nhiên, đối với người nông dân tên Ash Whitney, không có vẻ đẹp như vậy, chỉ có máu, mồ hôi và nước mắt khi ông vật lộn để nuôi gia súc, cắt những cành cây Kurrajong khô héo trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất.
Whitney có nhà cửa và tài sản ở thị trấn Gunnedah nằm trên đồng bằng Liverpool, một khu vực màu mỡ nhưng hiện đang khô cằn và nhận được lượng mưa trung bình thấp nhất trong gần 30 năm qua. "Tôi đã ở đây từ nhỏ, và tôi cảm thấy đợt hạn hán lần này sẽ xảy ra trong một khoảng thời gian", Whitney tuyệt vọng.
Hạn hán tồi tệ nhất đã càn quét các khu vực của miền Đông nước Úc, khiến nông dân phải vật lộn để đối phó và nhiều người trong số họ đã đặt câu hỏi về tương lai.
Tom Wollaston, người nông dân chăn nuôi gia súc, 70 tuổi lo sợ hạn hán sẽ gây ảnh hưởng đến con cái của ông - những người sẽ tiếp nhận 2.300 ha (5.683 mẫu Anh) tài sản khi Tom giao lại sự nghiệp cho con cái của ông.
“Tôi dường như không thể làm bất cứ điều gì khác ngoài việc cho gia súc ăn, và hạn hán dường như luôn đi trước tôi một bước. Chúng ta sẽ chiến đấu với hạn hán, nhưng nó thực sự gây căng thẳng cho tất cả mọi người" – Wollaston cho biết.
Margo, vợ ông Wollaston cho rằng hạn hán có tác động rất tiêu cực không chỉ đối với gia đình bà mà đối với toàn bộ cộng đồng nông dân xung quanh thị trấn Tamworth gần đó ở phía Tây Bắc bang New South Wales (NSW).
“Tôi thấy hạn hán gần giống bệnh ung thư - nó ăn dần ăn mòn và gây khô cằn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Tôi cố gắng hết sức để giữ nhà cửa và khu vườn”.
May McKeown, 79 tuổi, và con trai Jimmie của bà sống trên một ngôi nhà gần thị trấn Walgett ở phía Tây Bắc NSW vô cùng lo lắng về tương lai gần như không có mưa kể từ năm 2010.
"Ông nội của tôi đã định cư trên mảnh đất này vào năm 1901, và ông không bao giờ phải chuyển gia súc khỏi các bãi cỏ ở đó”, bà May McKeown vừa nói vừa chỉ tay về phía Tây.
"Nhưng chúng tôi đã phải chuyển tất cả đàn gia súc này đến gần nhà hơn để chúng tôi có thể dễ dàng cho chúng ăn" – bà nói thêm.
Trong những năm gần đây, trang trại đã kiếm được ít thu nhập và chỉ vài tháng nữa, cỏ khô sẽ hết, khi đó giá cỏ khô tăng lên sẽ khiến gia đình bà May McKeown gặp khó khăn về tài chính trong khi gia đình bà chưa bao giờ phải đối mặt trong hơn 100 năm qua.
Một phần tư sản xuất nông nghiệp của Úc theo giá trị được trồng ở NSW và chính quyền bang này đã tài trợ khẩn cấp hơn 1 tỷ đô Úc cho nông dân. Chính quyền đã công bố khoản tài trợ mới đây nhất là 500 triệu đô Úc vào ngày 30/7.
Cơ quan Khí tượng (BoM) Úc cho biết các khu vực của Úc đã trải qua mùa hè nóng thứ hai (từ tháng 12/2017 – 2/2018) và vừa trải qua một trong những mùa thu khô nhất và nóng nhất (từ tháng 3-5/2018).
Theo Bộ các ngành Công nghiệp Cơ bản, tình trạng khô hạn đã khiến hơn 95% diện tích của bang NSW bị hạn hán.