Nối Trường Sa gần lại
Trường Sa - hai tiếng thiêng liêng. Mỗi khi nghĩ đến, cất tiếng gọi tên, đều chất chứa biết bao cảm xúc trong lòng mỗi người con đất Việt. Được đặt chân lên địa danh lịch sử đó, được chứng kiến cuộc sống sinh hoạt nơi đây, trong tôi trào lên sự ngưỡng mộ, cảm phục trước tinh thần bất khuất hiên ngang, ngày đêm bảo vệ vững chắc “cột mốc chủ quyền” đất nước, gìn giữ hòa bình cho Tổ quốc thân yêu của quân và dân Trường Sa.
Những ngày không quên
Ở đây, mỗi hòn đảo, rặng san hô, nhà giàn, tán cây xanh mát bình yên… đều mang dáng hình của Tổ quốc và hồn thiêng của biết bao thế hệ đi trước đã chiến đấu hy sinh để bảo vệ, giữ gìn.
Với cả Đoàn công tác nói chung và với cá nhân tôi, những ngày được sống cùng quân, dân trên Quần đảo Trường Sa là trải nghiệm đầy cảm xúc trong đời, không bao giờ quên. Về đến Hà Nội, những kỷ niệm về hành trình trên biển, thăm Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Đông A, Trường Sa và Nhà giàn DK1/12 (Tư Chính) vẫn bồi hồi. Giữa muôn trùng sóng gió, các chiến sĩ Hải quân, những chàng trai tuổi mới mười tám, đôi mươi vượt qua những gian khó để ngày đêm chắc tay súng giữ vững chủ quyển biển đảo.
Ngoài đảo xa, vẫn lấp lánh những ánh mắt trẻ thơ đang tập viết những nét chữ đầu đời như các bạn cùng trang lứa trong đất liền. Các em lớn lên trong tình yêu thương dạy dỗ của cha mẹ, thầy giáo và các chú bộ đội Hải quân. Ở đây, những phòng khám được trang bị đầy đủ để các y bác sĩ sẵn sàng cứu chữa cho người dân, chiến sĩ trên đảo. Thậm chí, những y bác sĩ giỏi nhất của Bệnh viện quân y 175 được tăng cường ra đây và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, làm yên tâm quân, dân trên đảo và ngư dân khi đi qua.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại Học Giao thông Vận tải chia sẻ: “Cả hải trình dài trên biển, được chứng kiến thực tế, ngắm các khu đặc quyền kinh tế, đoàn tàu của ngư dân đánh cá, các tàu vận tải quốc tế đi qua… mới thấy biển của ta rộng lớn và giàu đẹp biết nhường nào. Từ đất liền ra hải đảo đi lại xa xôi, sóng, gió, thời tiết khắc nghiệt... tôi mới thấu hiểu hơn sự gian truân vất vả của các chiến sĩ Hải quân là rất lớn. Tôi mong muốn các sinh viên của Trường Đại học Giao thông Vận tải có điều kiện đến đây, chứng kiến những đồng niên trang lứa của mình đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc để khi trở về, phấn đấu học tập, xây dựng đất nước ngày càng phát triển hơn. Mong rằng, nhân dân cả nước tiếp tục ủng hộ Trường Sa nhiều hơn nữa, để Trường Sa không còn xa”.
Qua chuyến thăm của Đoàn công tác số 3/2023 đã giúp cho đoàn đại biểu, các thành viên tham gia Đoàn công tác nhận thức sâu hơn, rõ hơn về biển, đảo; minh chứng thực tiễn sống động, khó khăn gian khổ, vinh dự trách nhiệm lớn lao, sự cống hiến hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; chuyến đi là bài học thực tế quý giá. Các thành viên trong đoàn đều cảm nhận “Mang ra tình cảm, mang về niềm tin; “chủ quyền thiêng liêng, niềm tin và trách nhiệm”.
Ngôi nhà lớn KN491 và 15 “người hùng thầm lặng”
KN491 là tàu Kiểm ngư 491 thuộc Cục Kiểm ngư Việt Nam, trong suốt hải trình từ ngày 10 đến ngày 15/4, KN491 là ngôi nhà thứ 2 của hơn 200 thành viên Đoàn công tác. Từ đây, biết bao nhiêu tình cảm gắn bó, chia sẻ, động viên nhau, từ xa lạ đến gần gũi thân quen và rồi đến ngày chia tay, ai ai cũng lưu luyến.
Tuy nhiên, lưu luyến nhất, thân thương nhất là 15 “chiến sĩ thầm lặng” thuộc tổ bếp phục vụ những bữa ăn cho cả Đoàn công tác. Mỗi ngày, họ chỉ dành khoảng 2 giờ đồng hồ để ngủ, còn tất cả thời gian còn lại trong ngày là chuẩn bị cho hơn 200 thành viên trên tàu luôn có được 4 bữa ăn đầy đủ nhất, đúng giờ nhất, đảm bảo sức khỏe công tác.
Họ còn rất trẻ, là những người lính thực thụ ở các đơn vị tác chiến, khi có đoàn công tác, họ được điều động sang phục vụ ở tổ bếp hỗ trợ cho chuyến đi. Ở họ, hình ảnh mà tất cả các thành viên Đoàn luôn chứng kiến khi tiếp xúc là những giọt mồ hôi thấm đẫm áo và nụ cười rạng rỡ luôn thường trực trên môi.
“Lính chúng em, bám trời, vượt biển, được lên tàu là hạnh phúc, là vinh dự. Mỗi người một nhiệm vụ. Vì yêu cầu nhiệm vụ nên em xin phép không nhắc đến đơn vị của em. Tăng cường cho chuyến công tác này của các anh chị, chúng em còn thấy vui vì được nghe các anh chị trêu đùa, kể cho nhiều câu chuyện trên đất liền và càng thêm vững tin hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ” - “Anh nuôi” tên Định, quê Thanh Hóa vừa lau mồ hôi vừa thoăn thoắt thái thịt và cười tươi rói, chia sẻ.
Liên tục trong chuyến hải trình, chị Hà - Ban Định chế tài chính, Ngân hàng Agribank cùng các anh chị em trong đoàn đã “xắn tay hỗ trợ cùng các chiến sĩ trong tổ bếp. Chị Hà chia sẻ: “Nhìn thấy các bạn cực quá nên mình phải “xông” vào hỗ trợ chứ. Sóng gió lênh đênh thế này mà lúc nào cũng cơm dẻo canh ngọt cho Đoàn thì thật sự là khâm phục các bạn ấy vô cùng. Không hiểu có phải vì sóng dồi hay vì thương các “anh nuôi” không mà bữa cơm trên tàu đối với mình rất ngon miệng”.
Giữa biển khơi Tổ quốc, Đoàn đã đi qua các điểm đảo ghi những dấu ấn bất khuất của lịch sử đất nước, để lại biết bao cảm xúc thiêng liêng. Cũng trên hải trình ấy, những khẩu lệnh: “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu!”, “Toàn tàu chú ý…”, “Đã đến giờ ăn…”, “Đã hết giờ nghỉ…” sẽ mãi là những thanh âm lưu luyến với các thành viên trong Đoàn công tác. Và 15 chiến sĩ tổ bếp của KN491 sẽ mãi mãi trong ký ức mỗi thành viên của Đoàn như một kỷ niệm đẹp, nhiều cảm xúc.
Thương nhớ Trường Sa
Đôi mắt của nhà báo Quỳnh Vinh (Báo Công an Nhân dân) đỏ hoe. Tôi và cô cùng xuống cano để ghi lại Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma. Buổi lễ được tổ chức ngắn gọn, trang nghiêm đúng tại khu vực biển Cô Lin - Gạc Ma.
Sau phút tưởng niệm, mỗi người lặng lẽ thắp hương, thả hạc giấy và hoa cúc xuống biển để tưởng nhớ hương hồn các liệt sĩ. Trong bóng chiều trên biển quê hương, như một sự tình cờ không thể lý giải, vòng hoa, hoa cúc vàng, hoa đăng, hạc giấy từ từ kết thành hình tam giác và trôi thẳng về phía Gạc Ma trong ánh mắt lưu luyến của tất cả mọi người tham dự. Trong giây phút thiêng liêng ấy, thế hệ trẻ chúng tôi thấm thía hơn bao giờ hết về chủ quyền lãnh thổ, về chân lý: Biển này là của ta, đất trời này là của ta… Chủ quyền ấy đã được cha ông hy sinh, kiến tạo từ ngàn đời và bây giờ phải tự hào mà giữ vững.
Cả một hải trình dài, Quần đảo Trường Sa đã được chúng tôi thu vào tâm tưởng. Trường Sa thân yêu, “Quần đảo tím hiên ngang/Thiên hùng ca ngời sáng”. Nơi đây có cầu tàu vững chắc, có cổng chào hiên ngang, có những ngôi chùa linh thiêng, có Đài tưởng niệm Liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, có bệnh xá cấp độ 2, có hội trường, nhà khách, khu nhà ở sinh hoạt, vườn rau, sân thể thao, âu tàu, nhà dân…
Để rồi, ở các điểm đến, cứ mỗi lần chia tay cán bộ chiến sĩ, là mỗi lần lưu luyến, nhớ thương... Riêng đối với điểm đảo Trường Sa Lớn, mọi người đều có cảm xúc giống nhau, bởi đây gần như là điểm cuối cùng để kết thúc chuyến công tác trước khi trở lại đất liền. Rất nhiều nụ cười chào tạm biệt nhau, nhưng cũng rất nhiều giọt nước mắt đã rơi trong phút chia tay đầy luyến nhớ.
Những chiến sĩ, công dân đảo xếp hàng dài trên bến cảng, Đoàn công tác đứng chật hành lang trên các tầng của boong tàu, tất cả cùng gọi nhau, cùng hát và cùng khóc. Từ những cánh tay nhỏ xíu của những em bé “sinh ra ở Trường Sa” vẫy chào tạm biệt, đến những giọt nước mắt lăn dài trên má người trở về đất liền đầy lưu luyến. Hai bên gần ngay trước mắt mà chẳng biết khi nào gặp lại. Chỉ biết, khi tàu rời Trường Sa, Trường Sa càng nhỏ dần trong tầm mắt thì nỗi nhớ, tình cảm tha thiết, bâng khuâng lại càng lớn thêm lên.