Nỗi lo quản lý tro xỉ, tro bay từ nhà máy nhiệt điện

09/07/2015 00:00

(TN&MT) - Theo dự báo chỉ trong vòng 10 năm tới, tổng công suất các nhà máy điện than tăng gấp 8,5 lần và sau 20 năm tăng gấp 17,6 lần. Đến năm 2030, cả nước sẽ có thêm gần 80 nhà máy nhiệt điện than khắp cả nước. Từ vụ ô nhiễm tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, sẽ là một hiểm họa lớn nếu không các nhà máy nhiệt điện thực hiện giải pháp công nghệ xử lý trong xỉ và các mối nguy hại tới môi trường.

Tro xỉ, tro bay thiếu kiểm soát

Theo quy hoạch các nhà máy nhiệt điện, nhu cầu than để làm ra 36.000 MW công suất các nhà máy nhiệt điện năm 2020 là 67 triệu tấn than/năm; và để làm ra 75.000 MW công suất các nhà máy nhiệt điện năm 2030 là 171 triệu tấn than/năm.

Tổng lượng tro xỉ, gồm xỉ (hay tro đáy) và tro bay, trung bình từ 25 - 60% so với than nhiên liệu, tùy thuộc vào chất lượng than và hiệu quả đốt cháy (công nghệ). Tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, người ta đốt than cám 6a có độ tro trung bình đến 37,5%, chỉ thấp hơn so với loại than cám 6b là loại có chất lượng kém nhất trong 11 loại than cám theo TCVN 8910:2011. Lựa chọn này có lẽ là do giá thành rẻ, nhưng ngược lại phải tăng chi phí để quản lý tro xỉ cũng như vận hành các hệ thống xử lý khí thải. Thế giới đang hướng đến sử dụng than sạch, có độ tro thấp hơn 3%, nhưng Việt Nam vẫn đang sử dụng than có độ tro cao gấp hơn 12 lần than sạch!

Về nguyên tắc, tro xỉ có thể được sử dụng như là phụ gia sản xuất xi măng, sản xuất bê tông, gạch không nung và các loại vật liệu xây dựng khác. Tuy nhiên, do trong tro xỉ còn chứa lượng lớn than chưa kịp cháy hoặc cháy chưa triệt để (than dư), có thể lên đến 20 - 30%, nên để tái sử dụng tro xỉ cần phải qua công đoạn tuyển để tách lượng than này ra, như vậy lại cần phải đầu tư thêm dây chuyền công nghệ tuyển than từ tro xỉ.

Dây chuyền xử lý tro xỉ thải của nhà máy nhiệt điện chạy than. Ảnh: MH
Dây chuyền xử lý tro xỉ thải của nhà máy nhiệt điện chạy than. Ảnh: MH

Hiện nay, công nghệ tuyển than dư từ tro xỉ chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam và do vậy việc tái sử dụng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Rõ ràng, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề môi trường từ việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Đó là phải quản lý các bãi chứa tro xỉ với diện tích trên 28.000 héc ta hay 280 ki lô mét vuông cho đến năm 2030 (giả sử chiều sâu bãi chứa là hai mét), phân bố dọc theo chiều dài đất nước qua các trung tâm điện lực lớn từ miền Bắc, miền Trung cho đến đồng bằng sông Cửu Long.

Nghĩa là, nếu không có giải pháp tái sử dụng tro xỉ hợp lý từ các nhà máy nhiệt điện than, chúng ta cần tiêu tốn một diện tích tương đương 39% diện tích quốc đảo Singapore chỉ riêng cho việc tồn chứa tro xỉ cho đến năm 2030, và không loại trừ khả năng các bãi chứa xỉ này xung đột với nhu cầu sử dụng đất cho phát triển đô thị và canh tác nông nghiệp!

Và mối nguy hại cho môi trường

Theo các nhà khoa học, thành phần hóa học của tro xỉ tồn chứa nhiều kim loại nặng như asen (thạch tín, As), chì (Pb), kẽm (Zn), nikel (Ni), đồng (Cu), mangan (Mn), cadmi (Cd), crom (Cr) và selen (Se) ở dạng vết. Asen đã được chứng minh là gây ung thư da, ung thư bàng quang và ung thư phổi, trong khi chì gây thiệt hại đến hệ thần kinh.

Mặc dù tro xỉ được xem là chất thải không nguy hại, nhưng việc tồn tại lâu dài tại các bãi chứa với số lượng lớn sẽ gây ra nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. Một điều đáng chú ý nữa là việc thải tro xỉ dạng ướt mặc dù hạn chế được bụi nhưng lại gây tác động môi trường nghiêm trọng hơn việc thải tro xỉ dạng khô, do sự thẩm thấu của các thành phần kim loại nặng ra môi trường.

 Trong thành phần khí thải từ ống khói nhà máy nhiệt điện than, ngoài khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính mà chúng ta đã biết, còn tồn tại ít nhất hai loại khí gây mưa axit, đó là SO2 và NO2. Mặc dù các nhà máy nhiệt điện đều lắp đặt hệ thống khử lưu huỳnh và xử lý nitơ, nhưng dù công nghệ có hiện đại bao nhiêu, không có nghĩa là 100% các loại SO2 và NO2 được xử lý triệt để, dẫn đến việc phát tán ra môi trường.

Đề tài “Đánh giá hiện trạng mưa axit ở Việt Nam” do Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường thực hiện năm 2014 cho thấy hiện nay, mưa axit chiếm tới 30 - 50% số lần mưa tại Việt Nam. Địa phương có tần suất mưa axit cao tới 50% là Việt Trì, nơi công nghiệp phát triển, tiếp đó là các tỉnh thành công nghiệp lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh... cũng có tần suất mưa axit đang tăng dần.

Mưa axit sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường đất và nước thông qua việc rửa trôi chất dinh dưỡng trên mặt đất và mang các kim loại nặng xuống các nguồn nước mặt: Sông, suối, ao, hồ... Như trên đã đề cập, các kim loại nặng trong tro xỉ tại các bãi chứa sẽ bị thẩm thấu ra môi trường trong điều kiện axit, và chính mưa axit có đóng góp từ khí thải của các nhà máy nhiệt điện sẽ thúc đẩy quá trình này diễn biến nhanh hơn.

Ngành điện đang tiếp tục quy hoạch trung tâm nhiệt điện than lớn tại đồng bằng sông Cửu Long, Sông Hậu, Kiên Lương... Chúng ta có đảm bảo chắc chắn rằng các trung tâm nhiệt điện than này không gây tác động tiêu cực đến môi trường trong khi việc quản lý và xử lý chất thải, khí thải từ các nhà máy dạng này đang còn khá lạc hậu và nhiều lỗ hổng như hiện nay?

Minh Thư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo quản lý tro xỉ, tro bay từ nhà máy nhiệt điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO