(TN&MT) - Tự phân chia ranh giới đánh bắt trên biển khu vực từ tỉnh Kiên Giang kéo dài đến Hòn Đá Bạc, thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là luật bất thành văn của các ngư dân khai thác ven bờ nhiều năm qua. Những chủ phương tiện này xem đó là “đất của mình” và “bất khả xâm phạm”. Thế nhưng, “luật lậu” này hiện nay đã bị phá vỡ khi số phương tiện tăng nhanh, nguồn lợi ngày một giảm,… và câu chuyện tranh chấp vùng khai thác trên biển đã trở nên căng như dây đàn.
Các ngư dân ở ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây bức xúc vì nạn tranh giành bãi trên biển. |
Tranh nhau “xẻ thịt” biển
Chuyện phân chia lãnh thổ trên biển xảy ra bắt đầu từ các chủ phương tiện đến từ tỉnh Kiên Giang. Vào nhiều năm về trước những phương tiện có công suất nhỏ hành nghề lưới ghẹ, ốc mực... đánh bắt có hiệu quả tại một sô khu vực trên biển và từ đó họ coi đây là vùng đánh bắt “truyền thống” của mình rồi từ vùng đành bắt “truyền thống” dần dân họ coi như là nơi khai thác của riêng mình và đánh dấu bào hiệu “quyên sở hữu”. Những phương tiện khác không thể vào khu vực đã được đánh dấu thế là họ cũng chọn bãi lân cận rồi đánh bắt và tiếp tục đánh dấu, cứ thế không lâu sau vùng biển gần bờ từ tỉnh Kiên Giang đến Hòn Đá Bạc của Cà Mau đã được ngư dân hai tỉnh phân chia ra thành từng bãi giống như việc người ta phân lô bán nền tại các khu dân cư ở các đô thị! Đây chỉ là những thỏa thuận ngầm mà bất cứ ngư dân nào hành nghề trên vùng biển này cũng phải tuân thủ như là một luật bất thành văn.
Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu phát sinh khi số lượng tàu, thuyền đánh bắt ngày một nhiều nhưng ngư trường đã được phân chia hết. Để kiếm cơm ngày hai bữa thế là những ngư dân đi sau vào các bãi đã được đánh dấu để khai thác dẫn đến phát sinh mâu thuẫn giữa các chủ tàu cá với nhau. Mâu thuẫn còn xảy ra khi mà các chủ bãi không cho các phương tiện lưới kéo (cào) vào với lý do đó là “đó là bãi của mình” và thậm chí giữ các chủ bãi gần nhau cũng bất hòa vì lấn khu vực khai thác của nhau. Việc “phá luật” này đã dẫn đến cuộc chiến không hồi kết đã và đang diễn ra giữa các chủ phương tiện hành nghề trên vùng biển gần bờ từ Kiên Giang đến Cà Mau, nguy cơ có thể trở thành vấn nạn về an ninh trên biển nếu các ngành chức năng không có biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả và các chủ phương tiện dùng “luật” của riêng mình để giải quyết.
Ông Huỳnh Quốc Nam trên chiếc tàu cá của mình: Dàn lô kéo ốc bị tàu của ông Lê Thanh Toàn đâm gãy đã được sửa lại với chi phí hàng chục triệu đồng. |
Lo ngại ấy là hoàn toàn có cơ sở khi mới đây đã xảy ra cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa ngư dân Cà Mau và Kiên Giang trên vùng biển Khánh Hội, xã Khánh Hội, huyện U Minh do tranh chấp ngư trường khai thác.
Ông Trương Văn Sâm, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, hành nghề ốc mực cho biết: “Cách đây gần 2 tháng khi ghe ốc mực của ngư dân Cà Mau đang thả ốc mực trong bãi của mình thì ghe cào của Kiên Giang chạy tới khai thác. Ghe Kiên Giang yêu cầu chủ ghe ốc phải lấy ốc lên, không lấy kịp thì ghe cào cố tình chạy thẳng vào làm đức dàn ốc. Sự việc dẫn đến phản ứng của va chạm giữa hai bênh thì liền lúc ấy nhiều ghe cào khác của Kiên Giang cùng kéo đến đuổi theo để đâm và gây sự đánh nhau với nghe ốc mực. Khi nhận được tin, các chủ phương tiện khác của Cà Mau đánh bắt gần khu vực đó chạy ra tiếp ứng, lúc này ghe cào của Kiên Giang mới chịu rút lui”.
Cũng theo ông Sâm thì vụ việc xảy ra vào ban đêm nên khi ghe cào của Kiên Giang tắt đèn bỏ chạy, các tàu cá của Cà Mau không biết đường đuổi theo kịp chứ nếu không đã xảy ra một cuộc hỗn chiến giữa hai bên. Đây có lẽ là một cuộc va chạm có chủ đích từ đầu bởi khi sự cố xảy ra đã có rất nhiều tàu cá của hai bênh cùng kéo đến để “ăn thua đủ với nhau”.
Mạnh “làm Vua”
Thời gian gần đây giữa các chủ bãi cũng bắt đầu phát sinh tranh chấp về việc khai thác chồng lấn và thậm chí là chiếm bãi của nhau. Người có nhiều phương tiện nhưng bãi khai thác không đủ thế là họ “mở rộng địa bàn” qua các bãi lân cận.
Ông Huỳnh Quốc Nam, ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, là chủ phương tiện tàu mang biển số CM-91231-TS, làm nghề ốc mức trên biển tọa độ 18.500 lên 22; 38.800 vô 40.500- là một trong những nạn nhân của tình trạng trên cho biết: “Bãi tôi đánh từ năm 2013, nhưng đến ngày 14/08/2015 khi ra tới biển kéo mực thì phát hiện ghe mang biển số BT-7782-TS đánh chồng lên ốc trong khu vực đó. Khi phát hiện thì phương tiện này không dừng lại mà chạy đâm thẳng vào ghe. Vụ việc trên tôi đã trình báo với Trạm kiểm soát Biên phòng Đá Bạc nhưng chưa giải quyết thì đến ngày 19/10/2015 ghe mang biển số CM. 91724-TS do anh Lê Thanh Toàn điều khiển phương tiện, tiếp tục đánh chồng lên ốc tôi đang đánh. Đến ngày 24/10/2015 thì ghe mang biển số BT-7782-TS tiếp tục đánh chồng lên ốc tôi đang đánh và dùng ghe chạy đâm thẳng vào ghe tôi làm gãy dàn lô kéo ốc. Các phương tiện này đều là của gia đình ông Toàn, họ không cho tôi kéo ốc lên”. Sự cố trên đã gây thiệt hại cho ông Huỳnh Quốc Nam hàng trăm triệu đồng tiền đầu tư dàn ốc mực cũng như tiền sửa chữa phương tiện. Cho đến nay ông Nam cũng không thể vào “bãi” của mình để đánh bắt do mỗi lần ra là bị ghe của gia đình ông Toàn làm khó dễ thậm chí là đâm vào.
Ông Huỳnh Quốc Nam trên chiếc tàu cá của mình: Dàn lô kéo ốc bị tàu của ông Lê Thanh Toàn đâm gãy đã được ông Nam làm lại với chi phí hàng chục triệu đồng. Hiện sự việc vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết. |
Không chỉ ông Nam mà nhiều chủ tàu cá hành nghề ở khu vực này cũng bức xúc với hành vi của đội tàu cá gia đình ông Lê Thanh Toàn. Chị Tiêu Thúy Liễu, ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Tôi đã đánh dấu và đánh bắt trên bãi này hơn 3 năm nay nhưng mấy tháng nay gia đình ông Lê Thanh Toàn (ông Toàn là người cùng địa phương) mua thêm nhiều tàu mới rồi cho đánh chồng và lấy bãi của gia đình tuôi. Tôi chỉ có 2 ghe ốc mực 1 chiếc 70CV một chiếc 90CV, mấy tháng nay không làm ăn gì được”. Các chủ tàu bị ông Toàn chiếm bãi cũng cho biết là họ đã cùng nhau nhiều lần thương lương với ông Lê Thanh Toàn nhưng không được kết quả gì, mà giờ các bãi trên đã bị đội tàu của gia đình ông Toàn chiếm hết, không ai ra đó đánh bắt được, thậm chí họ còn không cho người ta kéo ốc lên.
Khi mà ngành chức năng vẫn chưa thể giải quyết tình trạng tranh chấp trên thì không còn cách nào khác các chủ phương tiện họ lại tự nghĩ thêm ra một hình thức khác nhẹ nhàng hơn, mang tính thỏa hiệp hơn đó là cho thuê và thuê lại bãi! Hiện nay nhiều chủ tàu có công suất nhỏ khai thác lưới ghẹ, khai thác mực bằng vỏ ốc đã chiếm lĩnh khu vực trên biển để khai thác hải sản, không cho lưới kéo (cào) vào khai thác. Nếu phương tiện nào muốn khai thác trên khu vực của họ chiếm lĩnh thì phải trả tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng/phương tiện/đêm tùy theo khu vực lớn nhỏ.
Bài & ảnh: Nguyễn Phú