Môi trường

Nỗ lực tìm kiếm sản phẩm thay thế

Hoàng Ngân - Hà Vy - Khánh Ly (lược ghi) 18/01/2024 - 07:49

(TN&MT) - Hiện nay, rất nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho nhựa dùng một lần đã xuất hiện, được người tiêu dùng đón nhận.

Giảm dần sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) có hiệu lực vào tháng 1/2024 buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm với các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 3257/QĐ-BTNMT ngày 7/11/2023 về tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa thân thiện với môi trường, nhằm mục đích khuyến khích sản xuất và tiêu thụ bền vững; nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam trên thị trường. Đặc biệt là nhằm giảm thiểu chất thải rắn, tiết kiệm tài nguyên thông qua việc tái chế, tái sử dụng bao bì nhựa; giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ việc sản xuất, xử lý bao bì nhựa sau tiêu dùng.

Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Theo đó, từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cmx50cm. Sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Với mục tiêu giảm dần những sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi với sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường như: ưu đãi về nguồn vốn, về công nghệ, về giao đất, thuê đất, về thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cùng với đó, người tiêu dùng ngày càng ý thức hơn về tác động của nhựa đối với môi trường và sức khỏe. Theo khảo sát của Vietnam Report, tính bền vững của bao bì cũng ngày càng được người tiêu dùng quan tâm hơn. Cụ thể, có 57,4% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho bao bì thân thiện với môi trường nếu giá cả không quá chênh lệch so với sản phẩm thông thường; 41,1% người tiêu dùng luôn ưu tiên lựa chọn dù giá cao hơn. Điều này tạo cơ hội cho các sản phẩm thay thế nhựa phát triển.

Đa dạng các sản phẩm thay thế nhựa

Ông Nguyễn Lê Thăng Long - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường cho biết: Hiện nay tại thị trường Việt Nam có khá nhiều loại túi thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy sinh học. Thực tế tại nhiều siêu thị hiện nay cho thấy, các sản phẩm dùng một lần như bát, đĩa, khay, cốc được làm từ xơ tre, bột sắn, hộp đựng làm từ bã mía; ống hút nhựa được thay bằng ống hút sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên như giấy, gạo, tre. Các giải pháp khác như màng phủ nông nghiệp, màng phủ sáp ong, nhãn dán hoa quả, bao bì tan trong nước cũng được sử dụng khá phổ biến.

8a.jpg
Đa dạng các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần

"Việt Nam có nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào, cùng với đó, Việt Nam xây dựng khung chính sách, định hướng phát triển quốc gia bền vững và được hiện thực hóa một cách rõ rệt. Điều này tạo ra thị trường năng động, nhiều tiềm năng để phát triển, chuyển đổi sang sản phẩm thân thiện môi trường", ông Long nhận định.

Mặc dù Việt Nam đã có các chính sách, pháp luật liên quan về sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần, tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Khoa - chuyên gia của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm thay thế còn khó tiếp cận, thiếu rõ ràng. Còn nhiều vướng mắc, bất cập trong áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông cũng như phí đóng góp (EPR) của nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần. Ngoài ra, chi phí sản xuất sản phẩm thay thế cao nên khó cạnh tranh và mức độ sẵn sàng tiếp nhận từ phía người tiêu dùng cũng chưa cao do trở ngại về giá thành, độ tiện dụng và kênh phân phối.

Để thúc đẩy các sản phẩm thay thế nhựa, ông Nguyễn Minh Khoa đề xuất Việt Nam nên hạn chế và tiến tới cấm sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần theo lộ trình mà Chính phủ đã đặt ra. Tăng thuế, phí nhằm hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, xác định lượng tái chế tối thiểu bắt buộc đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như quy định về quy chuẩn nhận diện các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Khuyến khích, thúc đẩy các hành động tự nguyện hạn chế sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Đồng thời, cần có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận với các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Hướng dẫn cụ thể về tiếp cận nguồn vốn, thuế, phí và các ưu đãi hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tiêu dùng xanh và sản xuất bền vững; hỗ trợ xây dựng mạng lưới, khởi nghiệp đổi mới; các hoạt động quảng bá, tiếp thị trong và ngoài nước. Việt Nam cam kết phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát thải ròng bằng “0”. Chính vì vậy, đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc thực vật thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và quốc gia.



Cần đầu tư, nghiên cứu vào ngành sản xuất thay thế nhựa

PGS.TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp:

Tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp thay thế vật liệu nhựa

8trinh.jpg

Hiện nay, nguồn phát sinh chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp thường gồm các vật như: màng bảo vệ; túi ươm cây con; bao bì (bao bì hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đựng sản phẩm), bảo vệ sản phẩm (bao trái, bao hoa), khay mạ, sàn nuôi, máng ăn uống; hệ thống tưới, xử lý chất thải. Tuy nhiên, hiện nay, bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom hết, hệ thống thu gom chưa đầy đủ. Màng phủ hầu như không được thu gom; cây ăn quả sử dụng ngày càng nhiều nhựa, chủ yếu để bọc quả.

Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, Nhà nước cần tăng thuế nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật có tính đến phí xử lý vỏ/vật liệu đựng thuốc; tạo cơ chế để doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thuốc bảo vệ thực vật mở rộng phong trào đổi bao bì lấy sản phẩm; có chính sách hạn chế sử dụng bao bì nhựa và đặc biệt là bao bì dùng một lần.

Bên cạnh đó, cần ứng dụng vật liệu phân hủy sinh học thay thế dần vật liệu nhựa trong sản xuất; thực hiện các quy trình canh tác trong nông nghiệp nhằm giảm chất thải nhựa, tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp thay thế vật liệu nhựa; xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong ngành nông nghiệp; đồng thời thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam:

Ứng dụng công nghệ giảm thiểu rác thải nhựa

8chi.jpg

Thời gian tới, Việt Nam cần cải tiến, thay đổi các quá trình sản xuất công nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa các chất thải nhựa. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần khuyến khích phát triển công nghệ thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm mới thân thiện môi trường, khắc phục nhược điểm chậm phân hủy của nhựa thải.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phát triển các công nghệ thu hồi và tái chế chất thải nhựa, nghĩa là sử dụng chất thải nhựa thành nguyên liệu sản xuất cho các sản phẩm khác, giảm thiểu chất thải phát sinh ra môi trường.

Thực tế, chúng ta đã có nhiều giải pháp để tái chế các loại nhựa khác nhau, như tái chế bằng phương pháp cơ học với nhựa đồng nhất, với chất thải chứa nhựa lẫn trong nhiều loại chất thải sinh hoạt khác. Sản phẩm tái chế cơ học được sử dụng tiếp làm nguyên liệu cho các sản phẩm nhựa dân dụng như ghế băng, hàng rào, trò chơi, bao bì, đồ chứa, phương tiện sử dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản do tính bền, nhẹ, dễ gia công, cắt nối. Trong khi đó, giải pháp tái chế hóa học giúp phân hủy hóa học để chuyển đổi từ loại nhựa này sang loại nhựa khác, ví dụ: từ chai nhựa PP phế liệu trở thành nguyên liệu để sản xuất chai PET; từ nhựa PET thành nguyên liệu cho sản xuất vải và màng mỏng...

Ngoài ra, nhựa cũng có thể được sử dụng để đốt và cung cấp năng lượng dưới dạng nhiệt. Phương pháp nhiệt đốt cháy tiêu hủy các chất thải nhựa làm giảm đáng kể thể tích khối lượng chất thải nhựa. Tuy nhiên, việc đốt này lại phát sinh các khí ô nhiễm như CO2, SO2, NOx, kể cả Dioxin, fura, nên cần có biện pháp kiểm soát khí thải. Với phương pháp tái chế khí hóa, nhựa có thể chuyển đổi thành khí để sử dụng làm nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp hóa chất.

Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam:

Thúc đẩy xu hướng đầu tư nghiên cứu sản phẩm nhựa thân thiện môi trường

8lam.jpg

Ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp thiết yếu không thể thiếu đối với sản xuất và tiêu dùng và là 1 trong 10 ngành được Nhà nước ưu tiên phát triển bởi có tỉ lệ tăng trưởng cao trên 10% qua các năm và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Trong cơ cấu ngành nhựa, doanh nghiệp sản xuất nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38%.

Trong 5 năm tới, sản xuất và tiêu thụ nhựa của Việt Nam và thế giới được dự báo vẫn sẽ tăng do nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như đóng gói, ô tô, điện tử, y tế, và nông nghiệp vẫn đang tăng lên. Tuy nhiên, ngày càng nhiều đơn vị hướng đến tìm kiếm các sản phẩm thân thiện với môi trường như nhựa tái chế, nhựa sinh học, nhựa tái sử dụng để làm bao bì, đóng gói.

Việc chuyển đổi cộng với mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt sẽ thúc đẩy ngành nhựa thế giới và Việt Nam tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới về nhựa, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ cho ngành nhựa nhằm thúc đẩy sản xuất, đầu tư và xuất khẩu; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất nhựa thực hiện các quy định về môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm ngành nhựa để bảo vệ nhà sản xuất Việt Nam và người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực tìm kiếm sản phẩm thay thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO