Nỗ lực hơn nữa trong bảo đảm an ninh môi trường

22/08/2017 00:00

(TN&MT) - Bảo đảm an ninh môi trường không còn xa lạ với nhiều nước trên thế giới. Tuy vậy, tại Việt Nam khi môi trường đang đứng trước rất nhiều những “đe dọa”, vấn đề này mới được nhắc đến bởi nó được xem là những nguyên nhân kéo lùi sự phát triển kinh tế, “ngòi nổ” của những xung đột như đói nghèo. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường

PV:  Thưa Phó Tổng cục trưởng, ông đánh giá thế nào về thực trạng an ninh môi trường của Việt Nam hiện nay?

Ông Hoàng Dương Tùng: An ninh môi trường là một khái niệm phi truyền thống, cùng với các vấn đề khác như an ninh môi trường, an ninh sức khỏe đã và đang được nhiều nước trên thế giới chú ý. Tại Việt Nam, một trong những ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh môi trường hiện nay đó là biến đổi khí hậu đang ngày một rõ nét. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm tại một số khu vực trọng điểm, ô nhiễm đại dương, ô nhiễm xuyên biên giới, suy giảm đa dạng sinh học, khai thác khoáng sản quá mức đang là các tác nhân ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh môi trường tại nước ta.

PV: Vậy thưa ông, thách thức lớn nhất đối với an ninh môi trường hiện nay ở Việt Nam là gì?

Ông Hoàng Dương Tùng: Như chúng ta đã biết, thời gian qua, Việt Nam gặp rất nhiều sự cố về môi trường , mỗi lần xảy ra sự cố đều có tác động không nhỏ, làm mất cân bằng về an ninh môi trường. Đây chính là những thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Đơn cử như sự cố ô nhiễm biển miền Trung gây ra tổn thất lớn đối với môi trường. Để giải quyết vấn đề này, hơn 1 năm qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc xử lý.

Hiện các nhà khoa học đã và đang đưa ra nhiều giải pháp để phòng ngừa và xử lý các sự cố môi trường nhanh nhất. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng tập trung nâng cao năng lực của các địa phương trong việc ứng phó với sự cố nhằm khắc phục tình trạng mỗi khi sự cố xảy ra, các địa phương chờ đợi lực lượng từ Trung ương về xử lý khiến việc giải quyết sự cố bị chậm trễ. Để làm được như vậy thì các địa phương, cơ sở sản xuất cũng phải ban hành các kế hoạch, tập duyệt ứng phó với mỗi sự cố để phát hiện ngăn chặn theo phương châm 4 tại chỗ.

PV:  Được biết, trong năm 2015, ông đã tham gia Hội nghị quốc tế về an ninh môi trường tại Đài Loan (Trung Quốc), vậy trong Hội nghị đó chúng ta đã đề cập tới những vấn đề gì?

Ông Hoàng Dương Tùng: Tại hội nghị này, những vấn đề phi truyền thống đã được đề cập cùng với an ninh khác như quân sự, vấn đề biển Đông. Tại hội này lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã phát biểu khai mạc chứng tỏ tầm quan trọng của vấn đề này rất cần cho đất nước. Trong đó, nêu ra những giải pháp làm thế nào để có thể cân bằng được an ninh môi trường với các lĩnh vực khác. Tham dự Hội nghị đó, Việt Nam đã đề cập tới những mối đe dọa an ninh môi trường ngoài biên giới. Ví dụ như vấn đề ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới.

Thời gian qua, một số nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc được xây dựng gần Việt Nam là vấn đề đáng lo ngại. Đây thực sự là thách thức ô nhiễm xuyên biên giới đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa tới môi trường nước ta. Bên cạnh đó, các hành vi “xâm lược sinh thái” đang diễn biến rất phức tạp và rất khó kiểm soát. Các tổ chức tội phạm về môi trường trong nước móc nối với một số cán bộ, các ngành chức năng, lợi dụng sơ hở, thiếu sót, bất cập trong hệ thống pháp luật và yếu kém trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, thực hiện nhiều hành vi tiếp tay cho các cuộc “xâm lược sinh thái” của nước ngoài, như nhập khẩu phế liệu công nghiệp, biến nước ta thành bãi rác công nghiệp của thế giới; nhập nông sản có hóa chất độc hại gây hại sức khỏe cộng đồng; du nhập các loài sinh vật lạ làm mất cân bằng sinh thái và hủy hoại môi sinh…

Môi trường đang đứng trước rất nhiều những
Môi trường đang đứng trước rất nhiều những "đe dọa". Ảnh: MH

PV: Trước những nguy cơ đang dần hiện hữu tác động tới an ninh môi trường, vấn đề này đã được quy định như thế nào trong các văn bản luật hiện hành, thưa ông?

Ông Hoàng Dương Tùng: Hiện nay, tại Việt Nam vấn đề Việt Nam đã có những tiếp cận ban đầu với khái niệm “an ninh môi trường”. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, an ninh môi trường là việc bảo đảm không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia. Bên cạnh đó, trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác chúng ta đã xây dựng đều có các điều khoản nhằm bảo vệ môi trường một cách tốt hơn, ví dụ như vấn đề ô nhiễm lưu vực sông, ô nhiễm xuyên biên giới, các điểm nóng đã được giải quyết. Tuy vậy, vừa rồi chúng ta cũng nhận thấy có nhiều bất cập, chính vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ TN&MT  rà soát, sửa đổi lại nhằm bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Đồng thời, Bộ TN&MT cũng tập trung nghiên cứu xác định các chỉ số an ninh môi trường, đề xuất khung chính sách và giải pháp quản lý, ứng phó làm nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề an ninh môi trường của các nước trên thế giới cũng như Việt Nam. Ngoài ra còn xây dựng bộ tiêu chí và xác định được các chỉ số an ninh môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam; từ đó đề xuất khung chính sách, giải pháp và cơ chế ứng phó, đảm bảo an ninh môi trường Việt Nam.

PV:  Với những điều ông vừa phân tích có thể thấy, an ninh môi trường hiện là vấn đề bức xúc, tác động trực tiếp tới an ninh quốc gia, đến phát triển bền vững. Vậy theo ông giải pháp nào để bảo đảm an ninh môi trường?

Ông Hoàng Dương Tùng: Với tính chất phức tạp của an ninh môi trường, sắp tới, chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc tiếp cận, xử lý và vận dụng vào thực tiễn nội hàm an ninh môi trường ở tất cả các mặt, trước hết là tổ chức thực hiện tốt các chiến lược môi trường đã ban hành, tuyên truyền sâu rộng luật pháp, truyền thôngrộng rãi những nguy cơ mất an ninh môi trường... Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế từ đó có những chia sẻ, phối hợp, cùng nỗ lực bảo đảm an ninh môi trường, từng bước xử lý thỏa đáng những vấn đề an ninh môi trường trong tranh chấp tài nguyên và các dịch vụ sinh thái, khắc phục thiên tai và sự cố, quản lý chặt chẽ ô nhiễm xuyên biên giới. Cần cùng nhau thực sự quan tâm tới vấn đề tị nạn môi trường và khắc phục các trào lưu môi trường cực đoan thường dễ xảy ra và chúng ta cần tiếp tục xây dựng và hòan thiện thể chế quản trị an ninh môi trường theo kinh nghiệm các nước.

PV:  Trân trọng cảm ơn ông !

Thụy Anh (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực hơn nữa trong bảo đảm an ninh môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO