Rừng Động Châu – khe Nước Trong (Quảng Bình) |
Chưa trở thành khu bảo tồn thiên nhiên
Khu vực rừng Động Châu - khe Nước Trong (Kim Thủy, Lệ Thủy - Quảng Bình) có vị trí địa lý đặc biệt, là nơi bắt nguồn của hai lưu vực sông Kiến Giang ở phía Đông và sông Long Đại ở phía Tây, được giới chuyên môn xác định là một trong ít nơi trên đất nước ta đang sở hữu tính đa dạng sinh học độc đáo. Năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý cho tỉnh Quảng Bình thành lập một khu bảo tồn thiên nhiên tại đây nhằm bảo vệ hệ sinh thái rừng đất thấp với tính đa dạng sinh học độc đáo mang tầm quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, đến nay, do khó khăn về nguồn lực, tỉnh Quảng Bình vẫn chưa thành lập được khu bảo tồn.
Trong các loài đặc hữu, cơ quan chức năng ghi nhận với 5/7 loài chim ở vùng phân bố hẹp, trong đó có loài gà lôi lam mào trắng là loài bị đe dọa cực kỳ nguy cấp và cũng là loài đặc hữu của Việt Nam chỉ có vùng phân bố ở vùng đất thấp miền Trung từ Nghệ An vào đến Thừa Thiên Huế. Có 4 loài thú mới phát hiện cho khoa học gần đây ở Việt Nam là sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn.
Khu vực này còn có nhiều loài thú khác với tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu ở cấp độ khác nhau, như: tê tê Java, vượn đen má trắng, chà vá chân nâu, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn và gấu ngựa; 51 loài thực vật ghi trong Sách đỏ thế giới, Sách đỏ Việt Nam hoặc Nghị định 32 của Chính phủ. Đặc biệt có tới 6 trong tổng số 7 loài họ dầu bị đe dọa rất nguy cấp...
Bên cạnh đó, rừng vùng khe Nước Trong có diện tích thảm thực vật rừng ở đai thấp rất lớn (dưới 800m). Mặc dù rừng chịu sự tàn phá và khai thác trước đây, nhưng vẫn còn khoảng 40% rừng ít bị tác động, tầng tán vẫn còn nguyên vẹn.
. Rừng phòng hộ Động Châu |
Rừng khu vực khe Nước Trong trước đây thuộc Lâm trường Kiến Giang và Lâm trường Khe Giữa quản lý. Tháng 11/2006, UBND tỉnh Quảng Bình có quyết định thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu. Theo quy chế quản lý, đây là rừng được bảo vệ, không được phép khai thác gỗ và săn bắn các loài động vật quý hiếm.
Tuy nhiên, cũng giống như các khu rừng khác trên cả nước, vùng rừng Động Châu – khe Nước Trong đang đối mặt với nhiều mối đe dọa tài nguyên rừng, làm mất đi tính đa dạng sinh học.Trong đó, hoạt động khai thác gỗ, săn bẫy động vật hoang dã trái phép và lấn chiếm đất rừng hay chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang trồng rừng kinh tế diễn ra thường xuyên. Ngoài ra, vẫn còn những hoạt động có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc nguy cơ đến sự suy giảm của các loài động vật hoang dã bao gồm việc tìm kiếm trầm hương, tìm kiếm mật ong, đánh bắt cá bằng phương pháp hủy diệt...
Trước thực trạng này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình Phạm Hồng Thái cho biết: Thực tế vùng rừng Động Châu – khe Nước Trong đối mặt với nhiều mối đe dọa có thể làm mất đi tính đa dạng sinh học độc đáo của vùng này, từ năm 2011-2012, Chi cục Kiểm lâm, UBND tỉnh đã xúc tiến lập luận chứng khoa học và dự án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên khe Nước Trong. Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT đã đồng ý cho tỉnh thành lập khu bảo tồn thiên nhiên khe Nước Trong trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, vì nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên vẫn chưa thành lập được khu bảo tồn.
Cần quy chế thích hợp
Để bảo vệ và bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học độc đáo vùng rừng khe Nước Trong, lưu giữ lại một mẫu chuẩn của vùng rừng đất thấp Trung bộ, theo ông Phạm Hồng Thái, trước hết phải sớm triển khai kế hoạch quản lý, bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học toàn bộ khu vực, đồng thời tăng cường năng lực cho Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu về quản lý, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.
Qua đó, tỉnh Quảng Bình huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Tìm kiếm nguồn tài trợ để hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương sống gần rừng và đang phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Mặt khác tạo nguồn lực cho chương trình bảo tồn tiến tới chuyển đổi vùng rừng khe Nước Trong thành khu bảo tồn thiên nhiên trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
Loài linh trưởng đặc hữu tại khu vực Động Châu – khe Nước Trong |
Trong đó, những việc thiết thực cụ thể cần làm ngay là đẩy mạnh hoạt động truyền thông với sự tham gia của cộng đồng về bảo vệ rừng, động vật hoang dã và ý nghĩa bảo vệ môi trường, nguồn nước của rừng triển khai rộng rãi trong cộng đồng. Đồng thời, còn hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng và quy hoạch lại đất sản xuất cho các thôn bản Rum-Ho, An Bai, Trốc và Hà Lẹc (xã Kim Thủy), từ đó, thay đổi hành vi của cộng đồng người dân sống gần rừng nhằm giảm thiểu hoạt động khai thác gỗ và săn bẫy động vật hoang dã trái phép, đặc biệt là các loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thực thi pháp luật bảo vệ rừng; tổ chức cho những người dân tại địa phương ký cam kết không mua bán, vận chuyển trái phép tài nguyên rừng. Hoạt động tuần tra rừng và giám sát đa dạng sinh học cần được thực hiện giữa nhóm bảo vệ rừng cộng đồng, cán bộ hiện trường dự án và cán bộ bảo vệ rừng Động Châu.
Công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu cần được chú trọng để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học. Cung cấp trang thiết bị cần thiết và nâng cấp cơ sở hạ tầng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, đồng thời tiếp tục điều tra đa dạng sinh học nhằm bổ sung thêm thông tin cho các nhóm loài chủ chốt trong chương trình giám sát đa dạng sinh học và góp phần cho kế hoạch quản lý.
“Hiện tại, khu vực rừng Động Châu - khe Nước Trong đang được quản lý theo quy chế quản lý rừng phòng hộ. Vì vậy, để gìn giữ những giá trị bảo tồn của khu vực có hệ sinh thái rừng đất thấp với tính đa dạng sinh học độc đáo này cần phải có sự hỗ trợ về nguồn lực, pháp lý để thực thi pháp luật bảo vệ rừng và năng lực bảo tồn”-ông Phạm Hồng Thái cho hay
Quốc Toàn