Nỗ lực của “Những người làm luật” ngành Tài nguyên và Môi trường

Phạm Oanh| 04/06/2020 17:23

TN&MT- Với nhiều nỗ lực và thành tích nổi bật trong hoạt động chuyên môn, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được công nhận tập thể điển hình tiên tiến ngành Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2016-2018. Đây là kết quả xứng đáng cho những đóng góp của Vụ, đặc biệt là trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, kiểm tra, pháp điển hóa hệ thống quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính…

Xây dựng, đôn đốc, thẩm định văn bản từng ngày, từng tuần

Trong 2 năm, 2016, 2017, Chương trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào khoảng 140 văn bản. Ngoài ra, Bộ phải xây dựng và ban hành 16 Thông tư nợ đọng từ các năm trước; hoàn thiện 07 nghị định đã trình từ năm 2016 để trình Chính phủ ban hành và 03 Thông tư ngoài chương trình.

Trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản trên, với các văn bản được Bộ giao chủ trì xây dựng, Vụ Pháp chế đã chủ động trình và ban hành đúng thời hạn.

Công tác rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Vụ Pháp chế.

Với các văn bản được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc bộ, Vụ Pháp chế thường xuyên bám sát, đôn đốc đơn vị thực hiện đúng tiến độ. Đồng thời, vụ cũng cử công chức của Vụ trực tiếp tham gia cùng với các đơn vị xây dựng các văn bản.

Trong công tác pháp chế, hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được giao đã khó, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đột xuất còn khó khăn hơn gấp bội. Chính lúc này, sự sát sao của lãnh đạo Vụ, tinh thần đoàn kết, nỗ lực hết mình của cán bộ, công chức, viên chức trong Vụ được phát huy.

Trong thời gian ngắn, Vụ đã gấp rút hoàn thành công tác lập dự kiến xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Hầu hết, các văn bản đã được trình, ban hành đúng tiến độ, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật thuộc trách nhiệm của Bộ.

Ngoài việc xây dựng, đôn đốc các đơn vị xây dựng văn bản pháp luật, Vụ Pháp chế đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong quá trình thẩm định; rà soát, trình Bộ trưởng kết quả rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; liên thông một số thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực của Bộ.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, hàng tháng, Vụ Pháp chế đều có văn bản đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Chương trình xây dựng văn bản pháp luật; báo cáo Lãnh đạo Bộ tại các cuộc họp giao ban tuần, tháng, Quý.

Hơn nữa, năm 2016, 2017 là năm có nhiều dự án Luật được xây dựng, mặc dù không phải do Bộ chủ trì nhưng có liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Vụ Pháp chế đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ trình lãnh đạo Bộ ý kiến góp ý đối với nhiều dự án Luật quan trọng như: Luật quy hoạch; Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Luật Đầu tư công; Luật Thủy sản; Luật Lâm nghiệp...

Gần 1000 văn bản được hệ thống hóa

Nhận thấy giá trị của việc hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vụ Pháp chế đã nhanh chóng, quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 3127/QĐ-BTNMT ngày 29/12/2016 của Bộ phê duyệt Kế hoạch rà soát, kiểm tra, xử lý, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường năm 2017.

Vụ Pháp chế thường xuyên chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ tổ chức lấy ý kiến góp ý các văn bản pháp luật của Bộ.

Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức của Vụ phải thu thập, rà soát, hệ thống hóa 938 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Từ đó cho ra được các danh sách như: 608 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực; 330 văn bản hết hiệu lực toàn bộ; 77 văn bản hết hiệu lực một phần và 66 văn bản quy phạm pháp luật cần đình chỉ việc thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bão bỏ hoặc ban hành mới.

Có thể nói, hoạt động nhằm sắp xếp, hoàn thiện các quy phạm pháp luật, chấn chỉnh thành hệ thống có sự thống nhất nội tại một khối lượng văn bản rất lớn như trên là nỗ lực rất lớn và đáng được ghi nhận của những người làm công tác pháp chế ở Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Song song với đó, trong năm 2017, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị trình Bộ trưởng ban hành 04 Quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến lĩnh vực biển và hải đảo; môi trường; đất đai và lĩnh vực chung; chủ trì, phối hợp với các đơn vị trình Bộ trưởng công bố TTHC liên quan đến lĩnh vực khoáng sản; tài nguyên nước và môi trường; chủ trì trình Bộ công bố Danh mục TTHC thực hiện và không thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ qua dịch vụ bưu chính công ích…

Đặc biệt, Vụ Pháp chế đã chủ trì nghiên cứu, rà soát, đánh giá và đề xuất phương án liên thông một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, góp phần không nhỏ vào hiệu quả công tác cải cách TTHC của Bộ. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 80% TTHC; bãi bỏ, đơn giản hóa trên 62% đăng ký kinh doanh…giúp nhà nước, doanh nghiệp và người dân tiết kiệm được khoảng hơn một nghìn tỷ/1 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực của “Những người làm luật” ngành Tài nguyên và Môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO