Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, chính quyền và người dân xã Đồng Rui đã có nhiều giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị của rừng ngập mặn.
Lá phổi xanh của địa phương…
Rừng ngập mặn Đồng Rui hiện phát triển gần 2.178ha, chiếm 42,8,% diện tích đất tự nhiên của xã. Công tác bảo vệ rừng ngập mặn luôn được xã Đồng Rui quan tâm. Ông Đoàn Văn Tuyến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui, cho biết: Được tuyên truyền vận động thường xuyên, người dân trong xã luôn có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái rừng ngập mặn. Đến nay hầu như không còn hiện tượng người dân chặt cây, phá rừng. Hằng năm, xã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tổ chức trồng rừng ngập mặn tại những bãi triều hoang hóa, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.
Bên cạnh có vai trò quan trọng bảo vệ tuyến đê biển, bảo vệ môi trường, rừng ngập mặn Đồng Rui còn là nơi sinh sống của nhiều nguồn hải sản quý như ngán, sá sùng, tôm, cua... Từ khi được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, nguồn lợi hải sản ở rừng ngập mặn Đồng Rui ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Nhờ đó, nhiều hộ dân ở đây có thu nhập ổn định bằng nghề đánh bắt hải sản dưới cánh rừng ngập mặn.
Chị Nguyễn Thị Nhàn (thôn 4, xã Đồng Rui) chia sẻ: "Thời điểm nông nhàn, tôi thường đi bắt hải sản trong rừng ngập mặn. Qua tuyên truyền, hướng dẫn, người dân thôn không bắt những con hải sản còn nhỏ hoặc đang thời kỳ sinh sản để chúng sinh sôi nảy nở; trong quá trình khai thác, không đào, cuốc vào rễ của cây rừng".
Nhờ có những cánh rừng ngập mặn, người dân xã đã phát triển nhiều mô hình kinh tế, như nuôi trồng thủy sản, nuôi vịt biển lấy trứng, nuôi ong. Đồng Rui hiện có trên 300ha nuôi trồng thủy sản, với 60 doanh nghiệp, hộ nuôi, chủ yếu là nuôi tôm. Năm 2018 được đánh giá là một năm khởi sắc của xã trong phát triển kinh tế thủy sản, với tổng sản lượng đạt 819,8 tấn; trong đó khai thác 462,8 tấn, nuôi trồng 357 tấn; tổng giá trị sản xuất ngư nghiệp đạt hơn 30 tỷ đồng, tăng mạnh so với những năm trước.
Mô hình nuôi vịt biển lấy trứng từ vài ba hộ ban đầu, đến nay, xã có trên 40 hộ nuôi khoảng 17.000 con vịt biển. Sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui được huyện Tiên Yên xây dựng thương hiệu, trở thành sản phẩm OCOP 4 sao.
… Nỗ lực gìn giữ
Để bảo vệ và khai thác bền vững giá trị của rừng ngập mặn, trong định hướng phát triển, huyện Tiên Yên đã và đang thu hút các nhà đầu tư để xây dựng Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Đồng Rui. Trong đó, huyện sẽ phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng - Những sản phẩm hứa hẹn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Tạ Vĩnh Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Yên, cho biết: Tại rừng ngập mặt Đồng Rui, bên cạnh tham quan, tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương, du khách có thể tham gia các hoạt động, trải nghiệm đánh bắt cá cùng ngư dân, tắm biển tại khu vực bãi cát Mũi Lòng Vàng. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư phát triển du lịch thời gian tới.
Với sự chung tay gìn giữ, bảo vệ của người dân và chính quyền địa phương, diện tích rừng ngập mặn Đồng Rui ngày càng được mở rộng để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn hiện nay; trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách đối với các sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế xanh, bền vững của huyện.