Nợ công vẫn “nóng” nghị trường Quốc hội

01/11/2014 00:00

(TN&MT) - "Tích lũy nợ công ngày càng tăng và chưa biết khi nào chúng ta trút hết được gánh nợ nợ công này".

   
(TN&MT) - Ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Đại biểu lo lắng khi người dân đang phải gánh nợ ngày càng tăng
   
  Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, tại kỳ họp này, báo cáo về vấn đề nợ công là nhiều nhất, đầy đủ nhất so với tất cả các kỳ họp trước đây. Qua các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho thấy, tình hình nợ công khiến ĐBQH không yên tâm, dù Chính phủ đảm bảo rằng nợ công vẫn nằm dưới ngưỡng an toàn, dưới ngưỡng Quốc hội cho phép, rằng Chính phủ đã và đang triển khai nhiều biện pháp, nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt để giữ nợ công không vượt qua ngưỡng an toàn. 98% nợ công là đầu tư cho phát triển và điều này hoàn toàn phù hợp với chiến lược quản lý nợ công.
   
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM)
   
  Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn, thật khó yên tâm khi thấy dư nợ nợ công trong năm qua tăng nhanh về số tuyệt đối và tiến nhanh đến ngưỡng Quốc hội cho phép, chưa có dấu hiệu giảm đi. Không thể yên tâm khi nghĩa vụ trả nợ hàng năm tăng lên trong bối cảnh thu ngân sách hết sức khó khăn. Nên chúng ta chỉ có thể bố trí trên dưới 25% để trả nợ thấp hơn nghĩa vụ phải trả. Thực tế, nguồn trả nợ từ ngân sách cũng chỉ chiếm 14% trong tổng số 25%, phần còn lại là đảo nợ.
   
   “Tích lũy nợ công ngày càng tăng và chưa biết khi nào chúng ta trút hết được gánh nợ nợ công này. Chúng tôi cũng thấy lưu ý ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Kiên rằng kế hoạch của chúng ta là 65% nợ công là đến 2020 nhưng đến 2015 đã trên 64% rồi, còn những năm sau có tăng nữa không, trong khi rõ ràng nhu cầu ngành nào cũng muốn thêm tiền, địa phương, dự án, công trình nào cũng muốn thêm tiền… khi đó, nợ công chắc chắn sẽ còn rất căng thẳng. Chúng ta không thể không lo khi tính bình quân mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh nợ ngày càng tăng” – đại biểu Anh Sơn bày tỏ lo lắng.
   
  Đại biểu Anh Sơn cũng cho rằng, lõi quan nhất của nợ công không phải nó cao bao nhiêu, nhiều bao nhiêu, có thể hôm nay chúng ta định là 65% nhưng cũng có thể cao hơn nữa… không quan trọng. Quan trọng chúng ta sử dụng vốn đó như thế nào cho hiệu quả, tiết kiệm, làm sao đầu tư phải phát huy hiệu quả. Và nhất là không để lãng phí, thất thoát, đừng để người dân hàng ngày nhìn thấy chúng ta xử lý vốn vay, vốn huy động một cách lãng phí, vào túi những kẻ tham nhũng.
  Góp ý về việc phòng, chống tham nhũng, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo đại biểu tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, gây hại lớn đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, nhất là tham nhũng trong khu vực công.
   
  Nhiều công trình, dự án là hệ quả của những căn bệnh không có trong từ điển y học, đó là hoành tráng, thèm ngân sách. Nhiều công trình tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, nhưng hiệu quả và công năng sử dụng rất khiêm tốn, thậm chí có những công trình do “đẻ non”, “chín ép” nên vừa khai trương đã khai tử; bỏ hoang hóa, xuống cấp, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê làm các dịch vụ phi văn hóa, phi lợi ích công; người dân không được thụ hưởng như thuyết trình ban đầu của các chủ dự án thường nói rất hay ho là để phục vụ dân sinh.
   
  Chỉ có một số người quyết định đầu tư, chủ quản đầu tư, chủ thầu xây dựng, ban quản lý dự án, công trình là được hưởng lợi. Họ thích vẽ ra những dự án hoành tráng, vì công trình, dự án càng lớn thì phần trăm chảy vào túi cá nhân càng nhiều theo phép tính tỷ lệ thuận.
   
Cần giám sát nợ công
   
  Thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015, đa số ý kiến đại biểu cho rằng cần giám sát nợ công, quản chặt thu-chi và phân bổ hợp lý ngân sách.
   
  Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Chính phủ cần phải đánh giá thực chất, bổ sung đầy đủ các số liệu về nợ công. Việc sử dụng nguồn vốn vay này vẫn tồn tại tình trạng thất thoát, lãng phí. Báo cáo của Chính phủ nói là nợ công vẫn ở mức an toàn nhưng sức ép trả nợ là rất lớn. 
   
  Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị đánh giá đúng tình hình nợ công, bổ sung các khoản nợ chưa được tính, cân nhắc kỹ quyết định về các dự án lớn, ví dụ như dự án sân bay Long Thành. Đặc biệt, vai trò kiểm toán nhà nước trong quản lý nợ công phải được tăng cường.
   
  Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là dư luận xã hội mất niềm tin vào các khoản vay không quả, dàn trải, thất thoát. Vấn đề đặt ra là phải làm cho người dân tin các dự án được đấu thầu một cách minh bạch, hiệu quả chứ không phải tình trạng “chia” dự án.
  Cùng đó, nói đến an toàn nợ công phải tính đến an toàn của đồng tiền. Bởi vậy cần tính con số nợ công một cách đầy đủ, minh bạch, thống nhất để có lộ trình trả nợ một cách chặt chẽ. Không thể có một đồng mà lại tiêu tới đồng rưỡi, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) phân tích.
   
  Nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ còn xem nặng mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và chưa có giải pháp phù hợp đảm bảo tăng trưởng hợp lý, nhất là chưa đánh giá hết các tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
   
  Chính sách kinh tế có phần thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, việc làm, thu ngân sách, nợ xấu, tăng trưởng, làm giảm tổng cầu. Tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm, doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động mấy năm nay rất lớn mà tăng trưởng vẫn tăng cao hơn các năm trước. Do đó, nhiều đại biểu lo ngại về việc doanh nghiệp “giả chết” hay chuyển vốn trốn thuế. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để.
   
  Đại biểu Trần Văn Minh nhận xét nợ đọng thuế tăng cao do kinh tế còn khó khăn do vay ngân hàng với lãi suất cao nhưng hàng hóa lại tồn kho không tiêu thụ được nên không trả nợ được và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều doanh nghiệp chậm nộp thuế và bị tính lãi cao mà họ có khả năng trả trong khi vẫn bị lãi chồng lãi.
   
  Theo các đại biểu, hiện tỷ lệ bội chi ngân sách bình quân từ năm 2011-2014 khoảng 5% GDP, chưa bao gồm trái phiếu Chính phủ được cho là quá cao so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra đến cuối năm 2015 đạt dưới 4,5% GDP, trong đó đã bao gồm cả trái phiếu Chính phủ.
   
  Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng, cân đối ngân sách trong năm 2015 là một vấn đề khó khăn. Lý lẽ của Chính phủ chưa đủ thuyết phục. Thực tế, cân đối ngân sách khó khăn có một phần do điều hành thu, điều hành chi chưa tốt chứ không thể đổ lỗi cho năng suất lao động thấp.
   
  Hiện chế độ đãi ngộ dành cho người lao động vẫn đang cào bằng, không có sự đánh giá dựa trên hiệu quả của năng suất lao động thực tế. Do đó, việc tăng lương theo đúng lộ trình vẫn phải thực hiện và đó là trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ.

  Theo đại biểu Trần Du Lịch, cần đổi mới quy trình lập Ngân sách nhà nước, để Quốc hội thực sự là cơ quan có quyền lực.
   
  Hiện xu hướng chi thường xuyên hiện tăng so với tổng chi, nhất là chi thường xuyên cho sự nghiệp. Cùng đó, khoản vay nợ thường xuyên cũng tăng. Nếu cắt 10% chi thường xuyên thì cũng chẳng sao, đại biểu Trần Du Lịch khẳng định.

  Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lại ví von trong đại gia đình 90 triệu dân ở 63 tỉnh thành, địa phương nào cũng báo cáo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng khi yêu cầu đóng góp chung vào Ngân sách nhà nước thì lại kêu ngân sách địa phương hạn hẹp. Bởi vậy cần phải luật hóa và thể chế hóa các nguồn thu Ngân sách nhà nước, đại biểu này đề xuất.
   
  Mặc dù ghi nhận các quyết định thực thi chính sách tài khóa trong những năm qua đã đem lại kết quả tích cực nhưng đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng vẫn còn bộc lộ mặt bất cập như cơ cấu chi ngân sách bất hợp lý, cân đối ngân sách gặp nhiều khó khăn, bội chi ngân sách liên tục tăng dẫn đến dư nợ công tăng cao (dự kiến là 64% GDP vào cuối năm 2015).
   
Minh Trang
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ công vẫn “nóng” nghị trường Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO