Xã hội

Ninh Bình thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững

Bảo Hà 14/11/2023 - 21:27

Thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững đã được các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. Đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn bà Lê Thị Lựu - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

202c935d-505f-451b-beb4-44c76c8edf20.jpg
Bà Lê Thị Lựu - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã Hội.

Pv: Thưa bà, với những thành tích mà tỉnh Ninh Bình đạt được thời gian qua trong công tác giảm nghèo bền vững, xin bà cho biết ý nghĩa của Chương trình đối với người dân trên địa bàn tỉnh?

Bà Lê Thị Lựu: Với Chương trình giảm nghèo bền vững đã giúp cho tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 3,07% năm 2021 đến nay còn 2,01%, dự kiến xuống khoảng 1,08% vào cuối năm 2025 (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2021-2025); 100% xã, thôn đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững và ra khỏi danh sách xã đặc thù, xã đặc biệt khó khăn. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trong công tác giảm nghèo được nâng lên. Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo đã được tăng cường.

Các chính sách giảm nghèo được các ngành, địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, nhiều địa phương có cách làm hiệu quả. Hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ các điều kiện để cải thiện thu nhập thông qua chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để đảm bảo cuộc sống theo hướng toàn diện. Hộ thoát nghèo bền vững tiếp tục được động viên, tiếp sức, hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Pv: Bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà tỉnh Ninh Bình đã áp dụng thực hiện thành công?

Bà Lê Thị Lựu: Để có được những thành công trong công tác giảm nghèo, tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả bằng những chương trình, kế hoạch, giải pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn, được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực hưởng ứng tham gia. Về cách thức thực hiện, công tác tuyên truyền về giảm nghèo ở Ninh Bình được tiến hành với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú đã làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo. Trong đó, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức tốt việc tuyên truyền, giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu, các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao... giúp người dân có thể vận dụng, học tập làm theo.

bd58ff2747e690b8c9f7.png
Ninh Bình hỗ trợ tạo sinh kế, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống.

Tỉnh Ninh Bình cũng đã thực hiện tốt nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, đặc biệt chú trọng triển khai, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2021 – 2023. Cụ thể, tỉnh bố trí vốn thực hiện Chương trình với số tiền 74,165 tỷ đồng thực hiện 5/7 dự án thuộc Chương trình (gồm đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ PTSX-cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá Chương trình).

Cũng với đó, tỉnh huy động tốt nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, chú trọng việc tạo nguồn vốn giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2021 đến nay, đã có trên 43 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với tổng số tiền trên 1.500 triệu đồng nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ cho các đối tượng được tỉnh quan tâm ban hành như: người cao tuổi, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ nghèo bảo trợ xã hội tại cộng đồng phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù riêng để hỗ trợ nhóm hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, nhóm hộ nghèo có khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hàng năm trên 50 tỷ đồng.

Pv: Để duy trì và tiếp tục phát huy những thành tích trên đây cũng như khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian qua, tới đây, tỉnh Ninh Bình có định hướng và giải pháp gì, thưa Bà?

Bà Lê Thị Lựu: Để khắc phục những hạn chế trong công tác giảm nghèo và góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, thời gian tới Ninh Bình cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

7cf7f24e-9e42-49d8-aa9b-74b0f8f0a314.jpg
Hỗ trợ nâng cao trình độ về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất cho người lao động và hộ nghèo

Ninh Bình tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững. Với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, để phục vụ lợi ích chung của xã hội và điều tiết cho người nghèo; phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Ninh Bình, đặc biệt là về du lịch, dịch vụ. Gắn mục tiêu giảm nghèo từng năm, từng giai đoạn cụ thể với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hộ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở giúp cho người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

Ngoài ra, huy động các nguồn lực của xã hội để giảm nghèo Giảm nghèo là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài đòi hỏi các nguồn lực vật chất và tinh thần rất to lớn. Để thực hiện tốt giải pháp này, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân và các doanh nghiệp (trong nước và nước ngoài) đóng góp ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo ”, “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” của Tỉnh. Có chính sách định hướng hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề phù hợp với người lao động ở các vùng nghèo, khu vực nghèo, góp phần tham gia thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để người nghèo, hộ nghèo có thể tự vươn lên thoát nghèo. Người nghèo là những người hạn chế về trình độ học vấn, thiếu vốn sản xuất kinh doanh họ rất khó tiếp cận và nắm bắt các cơ hội trong điều kiện kinh tế thị trường để có thể tự mình vươn lên thoát nghèo. Do đó, cần tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo tiếp cận nguồn lực phát triển kinh tế.

Đặc biệt đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo. Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo là gốc rễ để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững đối với nhóm hộ còn sức và khả năng lao động. Do vậy, cần phát triển đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng công cuộc giảm nghèo. Mở rộng đào tạo nghề, nâng cao trình độ về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất cho người lao động và hộ nghèo.

Trân trọng cảm ơn bà !

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO