Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội nghị tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu phi do ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Báo cáo tại hội nghị, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết: ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên tại Ninh Bình vào tháng 3/2019 tại xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, sau đó lan rộng trên địa bàn tỉnh.
Ninh Bình tăng cường công tác kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi. |
Tính đến hết tháng 12/2019, toàn tỉnh có 142 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố có lợn bị bệnh, tổng số lợn phải tiêu hủy là gần 108.700 con. Dịch tiếp tục kéo dài sang đầu năm 2020 và đến 22/5/2020 đã được khống chế trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, từ ngày 17/8/2020 dịch bệnh lại tái phát trở lại với số lợn phải tiêu hủy bằng khoảng 14% so với năm 2019.
Đánh giá về nguyên nhân để dịch bệnh kéo dài và lan rộng, ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố đều nhận định là do thời gian qua, một số địa phương còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Việc tiêu hủy lợn không đúng quy định, quy trình kỹ thuật. Công tác kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ còn nhiều hạn chế.
Hơn nữa, hiện nay, giá lợn trên thị trường đang rất cao nên khi lợn có biểu hiện ốm, bệnh, một số người chăn nuôi không báo cáo với chính quyền, cơ quan chuyên môn mà tự điều trị, bán chạy lợn.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời nêu lên những kinh nghiệm cũng như khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch. Các địa phương đề nghị, tỉnh tăng cường hỗ trợ hóa chất, kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương lập tức kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Các xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm kê chính xác số lượng đàn lợn tại các hộ chăn nuôi.
Về công tác tiêu hủy, phải làm chặt chẽ, đúng quy trình, có sơ đồ nơi tiêu hủy để theo dõi, để xử lý, bảo vệ môi trường sau này đồng thời tránh tình trạng vi phạm, trục lợi chính sách.
Ông Phạm Quang Ngọc cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Sở Tài chính kịp thời nghiên cứu xây dựng định mức hỗ trợ tiêu hủy, làm căn cứ cho các cấp thanh quyết toán.