Xã hội

Ninh Bình: Tận dụng đất hoang đồi núi phát triển kinh tế vùng DTTS

Tuyết Chinh 30/07/2021 15:23

(TN&MT) - Những năm qua, nhiều diện tích đất hoang vùng đồi núi đã được bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phú Long (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) tận dụng và khai thác để trồng cây na dai đem lại giá trị kinh tế cao, nhờ đó đời sống đồng bào ngày càng khởi sắc.

Từ vùng đất đá cằn cỗi…

Phú Long là một xã vùng cao của huyện miền núi Nho Quan với địa hình nhiều thung lũng, núi đá, vùng rừng núi rậm rạp. Toàn xã có 1.802 hộ và 6.526 khẩu, trong đó có 2.291 người dân tộc Mường, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp.

anh-2_dtts.jpg
Người nông dân học hỏi kỹ thuật ngắt lá, tỉa cành; thụ phấn chủ động cho cây na để có thể thu hoạch 2 vụ/năm.

Ông Bùi Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 200 ha diện tích đất đá lộ đầu khó canh tác. Trước đây bà con chủ yếu trồng ngô, sắn… hiệu quả kinh tế rất kém. Cách đây hơn chục năm về trước, việc trồng cây na dai đã bắt đầu nhen nhóm tại một số hộ dân trong xã nhưng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ và chỉ trồng một vụ chính trong năm. Đất không phụ lòng người, từ những năm đầu trồng thử nghiệm cây na trên mảnh đất khô cằn đã cho thấy hiệu quả kinh tế đạt được khác xa so với các giống cây trồng trước kia.

Từ những diện tích nhỏ ban đầu, đến nay toàn xã Phú Long có khoảng 100 hộ trồng na dai, với tổng diện tích khoảng 125 ha. Sau nhiều năm canh tác, kỹ thuật trồng na của bà con cũng ngày càng được nâng lên, quả na to, mẫu mã đẹp, năng suất na tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, nhờ bí quyết ép vườn na cho quả liên tục, năng suất quả na tăng gấp đôi so với thông thường, đạt 10 tấn quả/ha, thu nhập của bà con khởi sắc, tăng lên gấp đôi. Đây chính là chìa khóa giúp bà con nơi đây thành công với mô hình trồng na trái vụ, đem lại kinh tế cao hơn so với tất cả các loại cây ăn quả khác.

Thực tế cho thấy, đất Phú Long phù hợp với cây na dai. Tuy nhiên, theo cách trồng truyền thống, na chỉ cho thu hoạch một vụ trong năm. Vì vậy, nhiều hộ nông dân đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, ngắt lá, tỉa cành; thụ phấn chủ động cho cây na để có thể thu hoạch 2 vụ/năm. Những quả na trái vụ đã và đang giúp người trồng na Phú Long tăng thêm thu nhập.

Với giá bán tại vườn luôn ổn định từ 20.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại, 1 ha trồng cho thu nhập trung bình khoảng 250 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi ha đất trồng na bà con ở đây lãi gần 150 triệu đồng/năm.

“Phủ xanh” bằng những triền na

Những năm qua, các thành viên Tổ hợp tác trồng na xã Phú Long đã chủ động áp dụng phương thức sản xuất sạch, thân thiện môi trường. Điển hình như trong khâu canh tác, các hộ loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Việc sử dụng phân bón hữu cơ luôn được các hộ tính toán kỹ lưỡng về liều lượng, thời gian cách ly, để vừa đảm bảo nhu cầu sinh trưởng của cây, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tránh tình trạng thoái hóa đất.

anh-1_dtts.jpg
Vườn na phủ xanh vùng đất hoang đồi núi ở Phú Long

Bên cạnh những cây trồng chủ lực của xã Phú Long như dứa, mía, cây na trái vụ đang dần khẳng định là một trong những cây trồng thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nhiều hộ dân ở địa phương đã chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng na.

Ông Đinh Đức Thọ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nho Quan đánh giá, những năm qua, diện tích đất hoang đồi núi ở Nho Quan nói chung, xã Phú Long nói riêng đã được đưa vào cải tạo và sử dụng khá hiệu quả. Diện tích đất hoang đồi núi thường gắn với đất rừng sản xuất đã giao cho các hộ, chủ yếu nằm ở một số xã của huyện như: Cúc Phương, Thạch Bình, Phú Long… Để sử dụng và khai thác hiệu quả diện tích đất này, huyện cũng đã triển khai trồng cây lâm nghiệp, thảo dược...

“Địa phương cũng đang nghiên cứu một số giống cây phù hợp với thổ những, điều kiện khí hậu để trồng ở những diện tích đất hoang đồi núi còn lại, tận dụng và khai thác hiệu quả tài nguyên đất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Thọ khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Tận dụng đất hoang đồi núi phát triển kinh tế vùng DTTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO