Ninh Bình: Nhiều "ông lớn" vi phạm về pháp luật đê điều

19/09/2017 00:00

(TN&MT) – Thời gian quan, Báo Tài nguyên và Môi trường có loạt bài phản ánh về các vi phạm pháp luật đê điều dọc các tuyến sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Vạc trên địa bàn các huyện Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn (Ninh Bình). Thậm chí, những doanh nghiệp đại gia, nhiều “ông lớn” cũng vi phạm về pháp luật đê điều.

Sau những loạt bài đầu tiên, phản ánh hàng loạt các bãi tập kết cát trái phép dọc tuyến sông Hoàng Long, sông Đáy, UBND tỉnh Ninh Bình có Công văn số 128/UBND – VP3 ngày 10/05/2017 về việc xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh.

Công văn nêu rõ: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 447/CT – TTg ngày 25/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch ngăn ngừa, xử lý kiên quyết các vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền; tổ chức ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đổ phế thải xây dựng, rác thải ra đê, bờ, bãi sông.

Xưởng dăm gỗ trái phép ngoài đê sông Hoàng Long của Công ty TNHH MTV Linh Nhung
Xưởng dăm gỗ trái phép ngoài đê sông Hoàng Long của Công ty TNHH MTV Linh Nhung

Đồng thời, chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNN thống kế, phân loại các vi phạm đề xuất phương án để xử lý dứt điểm các hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê và khả năng thoát lũ (đối với các vi phạm đơn giản, mới phát sinh xử lý xong trước 30/05/2017; đối với những vụ việc phức tạp còn tồn đọng kéo dài, tập trung xử lý xong trước 30/10/2017).

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không xử lý dứt điểm và đúng hạn các vụ vi phạm đê điều trên địa bàn. Trước ngày 25 hàng tháng tổng hợp kết quả xử lý báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở NN&PTNN.

UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ngành chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả xử lý các vi phạm về đê điều, ngăn ngừa các hành vi tái phạm.

Công ty TNHH Trường Thành xây dựng công trình trái phép trên hành lang bảo vệ đê điều
Công ty TNHH Trường Thành xây dựng công trình trái phép trên hành lang bảo vệ đê điều

Mới đây ngày 01/09/2017, UBND tỉnh Ninh Binh tiếp tục có Công văn số 306/UBND – VP về việc tăng cường xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều. Theo công văn này thì có 94 vụ vi phạm về pháp luật đê điều trên địa bàn toàn tỉnh và mới chỉ xử lý được 8/94 vụ. Trong đó, huyện Kim Sơn có 6 vụ, huyện Yên Mô 6 vụ, huyện Hoa Lư 7 vụ, TP. Ninh Bình 7 vụ, huyện Nho Quan 7 vụ, nhiều nhất là huyện Gia Viễn 22 vụ và huyện Yên Khánh 39 vụ.

Trong số 94 vụ vi về phạm pháp luật đê điều có 33 vụ là của các công ty, doanh nghiệp; trong đó có nhiều doanh nghiệp đại gia, nhiều “ông lớn” cũng vi phạm như: Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Tập đoàn Vissai Ninh Bình, Công ty Cổ phần Thai Group (tên cũ là Công ty Cổ phần Xuân Thành Group), Tập đoàn Phúc Lộc, Công ty Cổ phần kinh doanh than miền bắc Vinacomin…

Những núi cát khổng lồ ngay sát chân đê sông Đáy
Những núi cát khổng lồ ngay sát chân đê sông Đáy

Để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê, đảm bảo an toàn trong mùa mữa bão, UBND tỉnh Nnh Bình yêu cầu: UBND các huyện, thành phố: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 128/UBND – VP3 ngày 10/05/2017. Kiên quyết xử lý các vụ vi phạm còn tồn tại, không để phát sinh vi phạm mới hoặc tái vi phạm pháp luật để điều. Báo cáo cụ thể kết quả xử lý vi phạm (yêu cầu báo cáo rõ số lượng vụ đã xử lý, số vụ còn tồn tại; nêu rõ lý do, giải pháp, thời gian hoàn thành việc xử lý dứt điểm từng vụ vi phạm còn tồn tại). Gửi báo cáo về Sở NN&PTNN trước ngày 10/09/2017.

Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh
Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh

Sở NN&PTNN chủ động phối hợp với các huyện, thành phố và các ngành chức năng trong việc xử lý các hành vi vi phạm khu vực bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai; Tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm và tham mưu xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền; Theo dõi, đôn đốc UBND các huyện, thành phố thực hiện việc xử lý vi phạm pháp luật đê điều theo thẩm quyền. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố đề xuất cụ thể phương án xử lý vi phạm đối với từng vụ vi phạm vượt thẩm quyền. Báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/09/2017.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Bài & ảnh:Anh Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Nhiều "ông lớn" vi phạm về pháp luật đê điều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO