Nhiều người dân tại thôn Kỳ Vỹ, xã Ninh Nhất, TP. Ninh Bình cho biết: Lúc đầu mới triển khai dự án ai cũng phấn khởi mong mỏi về một dự án lớn sẽ đi vào hoạt động, thế nên dù là đất giành cho dự án toàn những“bờ xôi ruộng mật”, bà con cũng sẵn sàng nhường đất. Lúc đầu, xây dựng khá rầm rộ, thế nhưng từ khi xây xong phần thô khu nhà 10 tầng thì máy móc, thợ thuyền cứ rút dần đi, vài năm nay thì chẳng thấy động chạm gì nữa, toàn dự án thì cỏ dại mọc đầy. Giờ dự án chỉ thích hợp để chăn thả trâu bò.
Khu nhà 10 tầng của Dự án Trường đại học Hoa Lư mới chỉ hoàn thiện được phần thô rồi “đắp chiếu” suốt nhiều năm qua |
Hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách rót vào dự án giờ nằm phơi mưa, phơi nắng, hoang phế khiến người dân không khỏi xót xa. Đó là chưa kể hàng chục hecta đất bị bỏ hoang, không thể canh tác hoặc đưa vào sử dụng là vô cùng lãng phí.
Dự án “trọng điểm” đầu tư cho giáo dục của vùng đất Cố đô giờ chỉ là nơi để cỏ dại mọc um tùm và chăn thả gia súc |
Được biết dự án Trường đại học Hoa Lư gồm xây mới Trường đại học Hoa Lư có tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng (diện tích 15 ha), Khu ký túc xá sinh viên tập trung có tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng (diện tích 11,29 ha), thời gian khởi công năm 2011, hoàn thành năm 2016.
Cách Dự án Trường đại học Hoa Lư chừng hơn 100 m là dự án Khu ký túc xá sinh viên tập trung đầu tư trên 800 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2009, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ đáp ứng chỗ ở cho trên 7.000 sinh viên cũng cùng chung số phận hoang phế suốt cả thập kỷ |
Theo quan sát của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, dự án mới chỉ đầu tư được một số hạng mục như sân lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, khu ký túc xá thì mới chỉ xây thô 4 dãy nhà 5 tầng… Nhiều hạng mục bị bỏ hoang nhiều năm đã bắt đầu xuống cấp, cây cỏ dại mọc um tùm, hiện dự án nghìn tỷ này đang là bãi chứa đất đá thải “đổ trộm” của nhiều đối tượng trên địa bàn.
Nhiều hạng mục của dự án đã bị xuống cấp, gây nguy hiểm cho người dân nếu qua lại khu vực này |
Trả lời về vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Ninh Bình khoá XIV, ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Đến nay, dự án đã thi công với khối lượng đạt trên 200 tỷ đồng, số vốn bố trí là hơn 226 tỷ đồng. Do khó khăn về nguồn vốn nên dự án chưa thể tiếp tục triển khai. UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, thực hiện rà soát lại các hạng mục đầu tư, thực hiện giãn hoãn, cắt giảm các hạng mục chưa thực sự cần thiết, lựa chọn các hạng mục quan trọng, thiết yếu để tiếp tục tập trung đầu tư dứt điểm. Địa phương sẽ huy động các nguồn lực để hoàn thiện các hạng mục, đưa công trình vào bàn giao sử dụng, phát huy được hiệu quả đầu tư.
Do không được tiếp tục đầu tư, quản lý nên dự án đang là nơi khá "phù hợp" để các đối tượng đổ đất đá thải |
Về Khu ký túc xá tập trung "đắp chiếu" thì UBND tỉnh Ninh Bình đã có chủ trương để điều chỉnh công năng để xây dựng Bệnh viện Ung Bướu và Trường Cao đẳng Y tế tuy nhiên chưa thể thực hiện được do chưa bố trí được nguồn vốn. |
Thế nhưng, đến nay dự án đầu tư trọng điểm cho giáo dục này của Ninh Bình vẫn chỉ là mảnh đất um tùm cỏ dại và những khối bê tông hoang phế, khiến người dân không khỏi bức xúc, hoài nghi về việc “vẽ” dự án, thiếu tính khả thi, gây lãng phí nguồn ngân sách.