Ninh Bình hỗ trợ người thu gom rác gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19

Khải Minh| 19/08/2021 12:01

(TN&MT) - Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 46/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn; trong đó có người lao động làm việc trong lĩnh vực thu gom rác, phế liệu.

Theo quy định tại Nghị quyết số 46, đối tượng được nhận hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, làm việc trong lĩnh vực, công việc: thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe thô sơ chở hàng hóa, chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, châm cứu), lĩnh vực làm đẹp (cắt tóc, gội đầu); bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định.

Ảnh minh hoạ

Người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục tư thục (không phải giáo viên); làm công việc thuộc một số ngành nghề phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, gặp khó khăn khi phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19 từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021. Với mức hỗ trợ 1 lần là 1.500.000 đồng/người. Nguồn kinh phí được trích từ ngân sách của tỉnh Ninh Bình và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết, nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả, nên thời gian qua, Ninh Bình vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19. Nhờ đó, sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến các doanh nghiệp và người lao động không lớn. Hiện nay, chưa có doanh nghiệp nào phải tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh. Số lao động phải nghỉ việc không đáng kể, chủ yếu tập trung ở các cơ sở giáo dục tư thục và ngành du lịch.

Tuy nhiên, số lượng đối tượng là lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lại khá nhiều, nhất là các lao động tự do hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, các ngành chức năng và các địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện rà soát, lập danh sách, thẩm định những người thuộc đối tượng nhận hỗ trợ. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để rà soát tỉ mỉ, cẩn trọng, chính xác nhưng cũng hết sức khẩn trương, phấn đấu đưa dòng tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, giúp người lao động ổn định cuộc sống.

Theo số liệu báo cáo sơ bộ, toàn tỉnh có trên 9 nghìn lao động tự do bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đủ các điều kiện nhận hỗ trợ. Tính đến ngày 17/8, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, thẩm định ban đầu trên 1.100 hồ sơ của các lao động tự do, từ các huyện, thành phố gửi lên.

Hiện nay, các cơ quan liên quan đang tập trung thẩm định để trình UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt hỗ trợ trong thời gian sớm nhất với phương châm: hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tới đâu sẽ thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện chi trả tới đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình hỗ trợ người thu gom rác gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO