Ninh Bình: Doanh nghiệp vi phạm vẫn được tỉnh xin chuyển mục đích hàng chục hécta rừng

Anh Tú| 20/11/2020 17:01

(TN&MT) - Công ty TNHH Duyên Hà có nhà máy xi măng Duyên Hà tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) trong 2 năm 2018, 2019 liên tục có hành vi khai thác đá vôi ngoài ranh giới mỏ, làm sạt lở, vùi lấp hàng chục nghìn mét rừng phòng hộ.Thế nhưng vẫn được UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển mục đích sử dụng hơn 38 ha rừng tự nhiên để khai thác đá vôi.

Theo đó UBND tỉnh Ninh Bình có Tờ trình số 131/TTr – UBND ngày 30/10/2020 đề nghị chuyển mục đích sử dụng 38,17 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Duyên Hà. 

Theo đó, ngày 16/11/2020 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 7944/BNN – TCLN về việc chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Trong đó nêu rõ: Tại điểm b khoản 3 Điều 41a bổ sung (khoản 2 Điều 1) Nghị định số 83/2020/NĐ – CP ngày 15/07/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ – CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định: “…Không chuyển rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản…”.

Do vậy, dự án không đúng với tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác theo quy định tại Nghị định số 83/2020/NĐ – CP của Chính phủ.

Công ty TNHH Duyên Hà đơn vị xảy ra nhiều vi phạm như khai thác đá ra ngoài diện tích mỏ, khai thác vào rừng, sạt lở, vùi lấp rừng phòng hộ nhưng vẫn được chính quyền địa phương "ưu ái"

Trước đó, như Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh thì ngày 12/10/2018 Hạt Kiểm lâm Tam Điệp phối hợp cùng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tp. Tam Điệp, các phòng chức năng của UBND Tp. Tam Điệp và UBND phường Tân Bình cùng đại diện Công ty TNHH Duyên Hà – Nhà máy xi măng Duyên Hà kiểm tra về việc khai thác đất đá thuộc rừng phòng hộ trên núi đá.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại các lô rừng 44b, 59a, 48, 61a, 71b, 72aa, 58a, 59b, 70a, 78, 80a khoảnh 1; lô 3a, 6a khoảnh 2 và lô 4a, 3a, 4aa khoảnh 7, Bản đồ theo dõi diễn biến rừng phường Tân Bình lập năm 2017, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tp. Tam Điệp quản lý giáp ranh với diện tích mỏ đá của nhà máy xi măng Duyên Hà.

Kết quả, tổng diện tích khai thác vào rừng tự nhiên phòng hộ và khai thác làm sạt lở mất rừng tự nhiên phòng hộ 41.518 m2. Trong đó, diện tích khai thác vào rừng tự nhiên phòng hộ 21.710 m2 (có 2.820 m2 đã kiểm tra lần đầu và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính vào tháng 5/2018 - PV), còn lại 18.890 m2 diện tích rừng tự nhiên phòng hộ đã bị khai thác ngoài ranh giới mỏ thuộc các lô 44b, 59a, 48, 61a khoảnh 1; lô 3a, 4a khoảnh 7 và lô 3a khoảnh 2.

Một góc mỏ đá mà xung quanh là rừng phòng hộ của xi măng Duyên Hà

Diện tích rừng tự nhiên phòng hộ bị sạt lở do khai thác 19.808 m2 thuộc 2 vị trí là 14.038 m2 thuộc lô 59b, 58a, 70a, 78, 80 khoảnh 1; lô 6a khoảnh 2 và 5.770 m2 thuộc lô 4aa khoảnh 7, lô 71b, 72aa khoảnh 1.

Như vậy, nếu tính cả lần kiểm tra đo đếm lần 2 diện tích rừng phòng hộ bị vùi lấp vào ngày 25/12/2019 có diện tích 12.574 m2 thì tổng diện tích rừng phòng hộ đã bị khai thác ngoài ranh giới mỏ và diện tích rừng phòng hộ bị vùi lấp do Công ty TNHH Duyên Hà khai thác đá lên đến 54.092 m2.

Một công ty mới chỉ được cấp phép khai thác chưa đầy 5 năm nhưng đã ngang nhiên khai thác ra ngoài ranh giới mỏ, trong quá trình khai thác đá đã làm sạt lở, vùi lấp hàng chục nghìn mét rừng phòng hộ.

Vi phạm liên tục, thế nhưng doanh nghiệp này vẫn được UBND tỉnh Ninh Bình “ưu ái” đề nghị để chuyển mục đích sử dụng 38,17 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng?. Liệu đây có phải là “giải pháp” muốn “xóa dấu vết” những sai phạm trong quản lý?. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Doanh nghiệp vi phạm vẫn được tỉnh xin chuyển mục đích hàng chục hécta rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO