Tỷ lệ phủ lấp sau đấu giá thấp
Theo thống kê của Sở TN&MT Ninh Bình, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thực hiện 112 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất với tổng số 27.216 lô đất được đưa ra đấu giá (tổng diện tích 402,71ha). Trong đó, tổng số lô đấu giá thành công là 24.139 lô, tổng số tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất là trên 15,1 nghìn tỷ đồng.
Việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất là nguồn lực lớn để Ninh Bình hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, tạo lập sự ổn định, minh bạch, công bằng trong hoạt động giao đất, cho thuê đất, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người sử dụng đất…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ phủ lấp sau đấu giá còn thấp, nhiều khu vực chỉ đạt từ 3% đến 7%. Điển hình như tại khu vực các xã Gia Thịnh, Gia Vượng và thị trấn Me (huyện Gia Viễn, Ninh Bình) hàng nghìn lô đất được đưa ra đấu giá từ năm 2019 nhưng đến nay, tỉ lệ phủ lấp của những khu này chưa tới 3%. Điều này cho thấy nhu cầu về đất ở thực tế là rất thấp.
Ông Trịnh Việt Hưng - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Gia Viễn cho biết, thời điểm đầu năm 2021, những khu vực này đã từng xảy ra tình trạng “sốt đất ảo”, mỗi một lô đất với diện tích 100m2 được mua đi bán lại, chỉ sau 1 đêm có thể tăng lên từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Tình trạng đất “sốt” như vậy nhưng tỉ lệ xây dựng nhà ở thì lại trái ngược hoàn toàn. Người tham gia đấu giá chủ yếu là người từ nơi khác đến, không phải người địa phương và mục đích đấu giá mang tính đầu cơ là chính, vì vậy, tỉ lệ phủ lấp ở những khu vực này còn thấp.
Tình trạng các khu đất sau đấu giá không có người ở cũng diễn ra khá phổ biến tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Nhiều địa phương vì áp lực thu ngân sách, trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản... đã ồ ạt cho đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không điều tra, xác định nhu cầu sử dụng đất để xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, dẫn đến tình trạng nhiều khu đất đấu giá xong thì bỏ hoang, cơ sở hạ tầng cũng theo đó mà xuống cấp.
Theo ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, việc đấu giá quyền sử dụng đất trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như việc điều tra đất đai, rà soát các khu đất, xác định nhu cầu sử dụng để xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất của UBND các huyện, thành phố chưa mang tính khoa học, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, dẫn đến tình trạng số lượng các dự án đấu giá đất nhiều, tỷ lệ thực hiện kế hoạch sử dụng đất còn thấp, người tham gia đấu giá mang tính đầu cơ đất đai, nhu cầu về đất ở thực sự rất ít.
Đặc biệt, nhiều dự án chưa thực hiện xong cơ sở hạ tầng nhưng đã triển khai cho đấu giá quyền sử dụng đất dẫn đến tình trạng khi người trúng đấu giá xây dựng nhà ở thì chưa có hệ thống điện, nước và hạ tầng giao thông gây bức xúc trong người dân.
6 tháng đầu năm 2022, Sở TN&MT Ninh Bình đã trình UBND tỉnh cho chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất đối với 8 khu đất trên địa bàn.
Giai đoạn 2022 - 2025, các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích 231ha, thực hiện theo cơ chế đặc thù ngân sách tỉnh hưởng 100%, nhằm tạo nguồn lực thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và để đầu tư các công trình, dự án, tạo động lực, không gian phát triển kinh tế - xã hội.
Kiên quyết “chỉ đấu giá khi đủ hạ tầng”
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ, đảm bảo sử dụng hiệu quả, bảo vệ và phát huy tốt nguồn lực đất đai theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển bền vững.
Đồng thời, quán triệt việc đấu giá quyền sử dụng đất phải được xem xét kỹ lưỡng trên tinh thần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Đối với khu đất xen kẹt trong khu dân cư có diện tích nhỏ, không đủ điều kiện lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở, khu dân cư, sẽ thực hiện đấu giá cho các hộ gia đình và cá nhân xây dựng nhà ở.
Cùng với đó, tiến hành rà soát, đánh giá lại tỷ lệ lấp đầy các khu đất được đấu giá trên địa bàn từng huyện; kiên quyết chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư hoàn thiện sớm các dự án đã đấu giá đất, chỉ được tổ chức đấu giá đất khi các dự án đã hoàn thành kết cấu hạ tầng.
Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất, coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác quản lý Nhà nước về đất đai của chính quyền các cấp ở địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm trong tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tránh gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và nhân dân.