Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng |
Kỳ làm việc đầu tiên với nhiều thuận lợi
Quốc hội khóa XV bước vào kỳ làm việc với thuận lợi bước đầu là sự thành công của cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với nhiều cái “nhất” dù diễn ra trong hoàn cảnh chưa từng có tiền lệ là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Quy mô lớn nhất từ trước đến nay với gần 70 triệu lá phiếu tại 84.767 khu vực bỏ phiếu, cử tri đã lựa chọn để bầu chọn những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng cả về phẩm chất đạo đức và năng lực, trí tuệ đại diện cho mình tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Riêng với Quốc hội khóa XV, trong 499 người trúng cử được xác nhận tư cách đại biểu có 194 người do các cơ quan, tổ chức ở trung ương giới thiệu; 301 người do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu và 4 người tự ứng cử.
Lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội. Đây là tín hiệu tích cực trong quá trình đổi mới hoạt động và xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp, để Đại biểu dân cử chuyên tâm, tránh phát sinh những vấn đề bất cập, thậm chí mâu thuẫn như vừa là người quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, lại vừa là người chấp hành, thi hành; vừa là người có quyền giám sát, lại vừa là người chịu sự giám sát; vừa xây dựng chính sách, lại vừa thực thi chính sách...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia từng khẳng định, chúng ta có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được trong cuộc bầu cử vừa qua. Đặc biệt, trong khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thành công của cuộc bầu cử càng cho thấy sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam, hội tụ ở niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với với Đảng và Nhà nước. Cuộc bầu cử cũng để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong dư luận trong và ngoài nước, được truyền thông quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài đánh giá cao. Hơn thế nữa, cuộc bầu cử lần này để lại nhiều kinh nghiệm, bài học quý cho các kỳ bầu cử tiếp theo.
Niềm tin vào sự đổi mới, phát triển
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV sẽ họp tập trung tại phòng họp Diên Hồng với tinh thần tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao nhất, an toàn nhất, chương trình rút ngắn 5 ngày, làm việc vào cả ngày nghỉ cuối tuần, dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 31/7, thay vì bế mạc vào ngày 5/8 như dự kiến trước đây.
Quốc hội sẽ thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội |
Kỳ họp có vai trò rất quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV, trong đó Quốc hội tiến hành bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước; xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Quốc hội sẽ dành khoảng 3 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự với 50 chức danh được bầu hoặc phê chuẩn. Cụ thể Quốc hội quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Các đại biểu Quốc hội cũng bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh; phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong đó, điểm đáng chú ý lần này cơ cấu Chính phủ được quyết định tại kỳ họp sẽ gồm 27 thành viên, giảm 1 Phó Thủ tướng so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao sẽ làm Lễ tuyên thệ trước Quốc hội.
Cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn sau 35 năm đổi mới, triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, nhất là những kỳ tích đáng tự hào trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19… song, bối cảnh trong nước và quốc tế cũng đặt lên vai đội ngũ lãnh đạo rất nhiều thách thức.
Trên chuyến hải trình sắp tới, con tàu Việt Nam sẽ còn gặp phải nhiều ngọn gió lớn. Thế nhưng, khó khăn không phải là thứ sinh ra để làm chùn bước chân của chúng ta, nó là bài kiểm tra tinh thần nhẫn nại và ý chí vươn lên của chúng ta, làm cho kết quả đạt được của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn và ý nghĩa sâu sắc hơn, xứng đáng là món quà truyền thừa cho con cháu chúng ta trong tương lai.
Quyết sách luôn vì nhân dân
Năm 2021 là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nghị quyết đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm tới đây là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XV, do đó, cũng tác động trực tiếp và đánh dấu mức độ chuyển biến về chất trong đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta.
Những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc |
Thự tiễn, những năm qua, những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước; tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kế thừa, phát huy các thành tựu, bài học kinh nghiệm của hơn 70 năm Quốc hội Việt Nam, Quốc hội tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động.
Quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, thân dân; lắng nghe nhân dân, phục vụ nhân dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà nhân dân ủy thác; chú trọng việc nghiên cứu tiếp thu ý kiến đóng góp quý báu của cử tri và nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình...
Đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm, là nhân tố then chốt quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đại biểu đã góp phần quan trọng, thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Coi trọng, phát huy thế mạnh đặc thù hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong tổng thể hoạt động đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, cùng hướng tới thúc đẩy tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao uy tín của Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế...
Mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan, tổ chức hữu quan được coi trọng, tăng cường, tạo sự chủ động, thống nhất, kịp thời trong triển khai công việc, đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần giúp Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Đất nước ta đứng nhiều thời cơ, thuận lợi, song không ít khó khăn, thách thức, do đó, cử tri mong mỏi và tin tưởng các các chức danh lãnh đạo được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này sẽ luôn nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước. Sớm chỉ đạo, cụ thể hóa các nội dung, chương trình đề ra; biến lời hứa trước cử tri, Nhân dân thành hành động, kết quả rõ ràng.
Và mục tiêu cao nhất là hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển toàn diện vào năm 2045, đánh dấu 100 năm giành được độc lập.
Chiều 19/7, Quốc hội họp phiên trù bị để thông qua chương trình kỳ họp cũng như hướng dẫn cho các đại biểu mới.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có bài phát biểu. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp. Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội được hướng dẫn sử dụng hệ thống kỹ thuật tại hội trường và một số thiết bị, phần mềm khác… Các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng sẽ họp để bầu Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn.