Những vấn đề đặt ra trong thu gom rác thải bối cảnh “bình thường mới”: Nỗi niềm công nhân môi trường

Việt Hải| 22/02/2022 16:14

(TN&MT) - Lập đỉnh trong ngày 21/2 với 5.477 ca mắc mới, Hà Nội đang là địa phương đáng chú ý về diễn biến dịch Covid-19 với biểu đồ theo dõi trong những ngày qua liên tục tăng kéo theo rác thải liên quan đến Covid tăng cao. Nếu như rác thải tại các cơ sở điều trị tập trung đã và đang được giám sát, xử lý nghiêm, đúng quy trình thì tình trạng rác thải liên quan đến các ca F0 cách ly, điều trị tại nhà lại đang có dấu hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tại các con phố, ngõ, ngách, tập thể cũ, chung cư mới cho đến vùng ngoại ô, tấm biển “Điểm cách ly y tế liên quan đến dịch Covd-19”, hay “Khu vực cách ly y tế” do tổ Covid cộng đồng hoặc y tế xã, phường treo trước cửa đã dần thưa vắng mặc dù số ca cách ly, điều trị tại nhà ngày một tăng cao. Ở chiều hướng suy diễn mang tính “lạc quan” thì hiện một số nơi có thể đã chủ động bỏ treo biển kiểm soát và khích lệ sự tự giác của người dân là chủ yếu; đồng thời bày tỏ cảm thông trước thiếu sót do sự quá tải công việc của lực lượng chức năng xã, phường. Tuy nhiên, từ góc nhìn của công nhân môi trường, buông lỏng quản lý, giám sát F0 và rác thải liên quan đến F0 điều trị tại nhà đã và đang gây ra những hệ lụy đáng lo ngại.

cong-nhan-moi-truong-ha-noi-thu-gom-rac-thai.jpg

Công nhân môi trường Hà Nội thu gom rác thải. Ảnh: Hoàng Minh

Là những người trực tiếp thu gom, vận chuyển, xử lý rác, nhiều công nhân môi trường cho biết, họ thường xuyên quan tâm đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và sự an nguy của chính bản thân. Với thông tin hàng nghìn ca mỗi ngày, không khó để họ hình dung ra mật độ F0 điều trị tại nhà. Thế nhưng, những chiếc túi màu vàng chuyên dụng cho rác thải Covid-19 cùng dòng chữ cảnh báo chỉ rải rác xuất hiện ở một số khu dân cư. Hằng ngày, rác của một số hộ gia đình có F0 vẫn vô tư tập kết không phân loại, không cảnh báo; nhiều điểm tập kết rác tịnh không có một dấu hiệu nào cho thấy nơi đó đang có F0. Và những người công nhân vẫn phải tiếp xúc với rác nguy hại đó ở khoảng cách rất gần trong điều kiện không có tín hiệu nhận diện.

Đáng lo ngại hơn khi họ chứng kiến những người thu lượm phế liệu tự do vẫn thường xuyên bới rác tại đây để kiếm tìm phế liệu trong khi đa phần những người này chỉ mang găng tay, khẩu trang qua quýt sơ sài. Rồi rác tái chế sẽ theo về các cơ sở tái chế, rác còn lại sẽ theo xe về nơi xử lý, chôn lấp. Muôn nẻo đường đi của rác đều có nguy cơ âm thầm mang theo virus SARS-CoV-2. Hãy đặt địa vị của mình vào những người công nhân đã được trang bị đầy đủ kiến thức về dịch bệnh và an toàn lao động sẽ thấy, lòng người không khỏi day dứt lo ngại trước tình cảnh trên.

Mối băn khoăn này chắc chắn sẽ càng tăng lên khi Hà Nội đang vào tiết nồm ẩm mưa dầm, là môi trường thuận lợi cho virus tăng sinh... Chưa kể như những ngày qua, mưa lớn dai dẳng đã khiến rác ở điểm tập kết tại các khu dân cư ngấm no nước, nước từ rác chảy ra mang theo mầm bệnh phát tán ra chung quanh. Mặc dù, mỗi công nhân môi trường đều được cơ quan trang bị đầy đủ bảo hộ, nhưng đó không phải là bảo hộ đặc thù như với công nhân thu gom, xử lý rác ở khu vực điều trị tập trung, cơ sở y tế…

Chi phí cho trang phục bảo hộ chỉ là một khía cạnh và nếu lấy chi phí này làm thước đo cho sự quan tâm của đơn vị xử lý rác với công nhân thì rõ ràng là phiến diện, cực đoan bởi khi lực lượng phòng, chống Covid của chính quyền chưa phối kết hợp để thông báo các trường hợp F0 điều trị tại nhà cho đơn vị thu gom, xử lý rác; khi tấm biển cách ly không được (hoặc chậm) treo lên; cũng như mỗi hộ gia đình, cá nhân chưa tự giác treo tấm biển đó trong chính ý thức và hành vi của mình thì đâu là định vị xác định vị trí và đo đếm số lượng để trang bị bảo hộ chuyên dụng cho công nhân? Hay là để đề phòng “cao độ” thì đơn vị xử lý rác phải trang bị bảo hộ một cách tràn lan với phương châm “nhầm còn hơn bỏ sót”? Và sẽ ra sao nếu toàn thành phố đồng loạt xuất hiện những màu quần áo này, nhất là vào giờ cao điểm thu gom? Chắc chắn, những điều đó đang đi ngược với chủ trương thích ứng linh hoạt, an toàn trong điều kiện bình thường mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Công nhân môi trường là những người đồng hành thầm lặng trong cuộc chiến chống Covid bền bỉ này. Nếu cần, họ sẵn sàng tham gia vào tổ Covid cộng đồng của địa phương và đi tới từng nhà thu gom rác thải của F0 để chặn đứng nguồn lây ngay từ hộ gia đình. Nhưng sự sẵn sàng này, chỉ họ và đơn vị xử lý rác thải thôi là chưa đủ. Mong sao những vấn đề mang tính vĩ mô của thành phố và quận (huyện) như ban hành, triển khai phương án “Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm đối với người nhiễm Covid-19…”; duyệt phương án đơn giá thu gom; sự đồng nhất quan điểm và phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương… sớm được quyết đoán, hanh thông, phù hợp với thực tế và thỏa đáng với công sức công nhân để họ được làm việc và có động lực lao vào công việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những vấn đề đặt ra trong thu gom rác thải bối cảnh “bình thường mới”: Nỗi niềm công nhân môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO