Những tâm huyết từ cơ sở

Nhóm Phóng viên (thực hiện)| 13/02/2021 17:02

(TN&MT) - Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo ngành Tài nguyên và Môi trường các địa phương để có góc nhìn toàn cảnh về sự phát triển của ngành trong giai đoạn 2015 - 2020, định hướng phát triển trong năm 2021 và những năm tiếp theo để cùng chung tay phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường bền vững và hội nhập.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM:

Nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý Nhà nước

Trong năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề tới mọi hoạt động, Sở TN&MT TP.HCM đã nỗ lực hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ được UBND TP.HCM giao từ đầu năm, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.

Trong đó, tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước được quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả; chất lượng môi trường ngày càng được cải thiện; các thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu được nhận diện và có những giải pháp thích ứng... Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai đã góp phần giải quyết kịp thời các nhu cầu giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

Năm 2021, Sở TN&MT TP.HCM sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường. Mục tiêu là góp phần quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chú trọng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền đô thị. Trong đó, Sở TN&MT sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp với các Sở, ngành, địa phương hoàn thành mục tiêu đưa TP.HCM nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR - Index); tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 91%.

Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa:

Đổi mới thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân

Thực hiện Nghị quyết 58 NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; Kế hoạch chương trình hành động của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để triển khai thực hiện Nghị quyết; Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, bám sát Chương trình mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, toàn thể cấp ủy Lãnh đạo Sở đã bàn bạc thống nhất:

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thực hiện, giấy tờ và áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa

Khẩn trương xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo các chỉ tiêu sử dụng đất đến các đơn vị hành chính cấp huyện, để sớm trình duyệt Quy hoạch tỉnh theo quy định; sớm trình duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045 và Kế hoạch sử dất hàng năm cấp huyện, làm cơ sở giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất.

Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tê - xã hội trên địa bàn tỉnh...

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện Kết luận số 2073-KL/TU ngày 7/9/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 18/8/2016 của Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020 định hướng đến năm 2025 và các cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; tập trung giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh:

Giải quyết kịp thời, hiệu quả các thủ tục hành chính

Theo Chương trình số 20/CT-UBND ngày 20/1/2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ khung cần hoàn thành trong năm 2020. Kết quả thực hiện, đơn vị đã hoàn thành 5 nhiệm vụ. Điểm nhấn đáng chú ý, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính về đất đai, khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân và người dân (đạt 100%, không có hồ sơ xử lý chậm hạn); Hoàn thành thẩm định Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 cấp huyện và bổ sung Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2020.

Từ 2015 đến nay, Hà Tĩnh có 18 mỏ đã đấu giá thành công và 17 mỏ đang chuẩn bị đấu giá, được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác đấu giá khoáng sản trong cả nước (cả nước đến nay mới chỉ có 22/63 tỉnh thành triển khai đấu giá với 350 mỏ), cấp 33 Giấy phép thăm dò, khai thác, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ.

Ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh

Năm 2021 được dự báo sẽ là năm nhiều khó khăn, ngoài sự nỗ lực của cán bộ công chức, viên chức, ngành TN&MT Hà Tĩnh mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ của Bộ TN&MT trong việc tháo gỡ những tồn tại, nhất là những vấn đề nóng mà ngành phụ trách, cần phải tập trung giải quyết như đất đai, môi trường, khoáng sản…

Ông Chu Thanh Lương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Hải Phòng:

Cần có quy định điều kiện chia tách thửa chi tiết hơn phù hợp với từng đối tượng

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 105 Luật Đất đai 2013 và Khoản 1, Điều 37 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, thì cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở… thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tính đến nay, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND các quận, huyện đã tiếp nhận, chuyển Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện thụ lý 14.234 hồ sơ. Trong đó đã chuyển Văn phòng Đăng ký đất đai trình Sở Tài nguyên và Môi trường ký trả kết quả 13.210 hồ sơ, đang giải quyết 334 hồ sơ. Bên cạnh đó, có 690 hồ sơ phải trả về các chi nhánh tại các quận, huyện để bổ sung và 73 hồ sơ hình thành ngõ đi mới phải tham vấn ý kiến, làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Ông Chu Thanh Lương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Hải Phòng

Sở đã chỉ đạo rà soát, thống kê, phân loại, làm rõ nguyên nhân gây chậm trễ trong giải quyết hồ sơ. Trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do lỗi của cán bộ thụ lý tại Chi nhánh trong đối soát hồ sơ khi tiếp nhận, thụ lý còn để xảy ra việc không trùng khớp, thiếu đồng bộ giữa các giấy tờ có liên quan của người sử dụng đất, như: không trùng khớp về số chứng minh nhân dân và số thẻ căn cước công dân, chưa chuẩn xác về địa chỉ, thiếu tên đệm… phải trả về để bổ sung, chỉnh sửa.

Theo Quyết định 1394/2015/QĐ-UBND ngày 25/6/2015 của UBND TP. Hải Phòng thì diện tích tối thiểu tách thửa là 30 m2 tại đô thị; 50 m2 đối với nông thôn. Đối với khu vực đô thị phần diện tích được tách thửa đảm bảo chỉ giới xây dựng theo quy hoạch, cạnh nhỏ nhất của thửa đất phải 3 m. Đối với các trường hợp khi chia, tách thửa đất mà hình thành đường giao thông sử dụng chung thì đường giao thông sử dụng chung phải có mặt cắt ngang 1,5 m.

Như vậy, việc quy định diện tích tối thiểu tách thửa đang không phù hợp với quy định về diện tích tối thiểu giao đất ở tái định cư (khu vực đô thị từ 40 m2 trở lên, khu vực nông thôn từ 60 m2 trở lên). Việc này sẽ tạo lên chênh lệch về địa tô, dễ gây thất thoát ngân sách khi thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, nguy cơ trục lợi giải phóng mặt bằng cũng sẽ rất cao do làm tăng giá bồi thường.

Ông Nông Văn Chiêm, Giám đốc Sở TN&MT Cao Bằng:

Nâng cao năng lực cán bộ để phát triển ngành TN&MT

Năm 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song ngành TN&MT tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phát huy những kết quả đạt được, trước thềm Xuân Tân Sửu 2021, ngành TN&MT tỉnh Cao Bằng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Về lĩnh vực đất đai, tham mưu cho UBND tỉnh Cao Bằng thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án: Đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Chủ trì xây dựng Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021- 2025 tỉnh Cao Bằng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung bảng giá các loại đất giai đoạn 2020 - 2024 trên địa bàn tỉnh và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định. Chủ động tham mưu thực hiện công tác đấu giá đất năm 2021 ngay từ những tháng đầu năm 2021.

Ông Nông Văn Chiêm, Giám đốc Sở TN&MT Cao Bằng

Sở tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục thực hiện Quyết định số 520/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt Đề án về chính sách khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ sử dụng cho công trình, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; phê duyệt điều chỉnh, bổ sung các phương án, giải pháp xử lý đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, có ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường; phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2021 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Sở TN&MT Hậu Giang:

Xây dựng ngành TN&MT Hậu Giang chủ động - trách nhiệm - hiệu quả

Ngành TN&MT tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đưa công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, hiệu quả. Cụ thể, đã tham mưu cấp có thẩm quyền lập Quy hoạch sử dụng đất 3 cấp giai đoạn 2010 - 2020, Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Quy hoạch mạng lưới quan trắc đến năm 2020; Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước mặt đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh đã được rút ngắn hơn 30% so với thời gian quy định; tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 99,90%.

Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Sở TN&MT Hậu Giang

Sở TN&MT đã hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước giúp cho việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, khảo sát, thống kê các nguồn thải và đánh giá tình hình thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường của chủ các dự án; đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở thuộc đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khẩn trương hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để.

Trong thời gian tới, ngành TN&MT tỉnh Hậu Giang tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, giải quyết công việc đúng quy trình, quy chế; kịp thời tham mưu, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; chủ động rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực ngành; góp phần xây dựng ngành TN&MT ngày càng vững mạnh.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La:

Đổi mới công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Năm 2020, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ngành TN&MT Sơn La đã nỗ lực hoàn thành 18/18 nhiệm vụ UBND tỉnh giao theo Chương trình, Kế hoạch quý, năm; 2 chỉ tiêu trong số 27 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 (Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100% và tỷ lệ thu gom chất thải rắn khu vực nông thôn đạt 74%).

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Sở TN&MT đã thực hiện nghiêm công tác tham mưu cho UBND tỉnh lập Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất; chuyển mục đích hơn 830 ha đất cho hơn 2.500 trường hợp; thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng đất cho gần 2.000 trường hợp, với diện tích hơn 46 ha, thu nộp ngân sách hơn 1.400 tỷ đồng. Tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc các chương trình dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, gồm: Dự án Quảng trường Tây Bắc; Dự án sân vận động tỉnh; Kè suối Nậm La, Khu công nghiệp Mai Sơn…

Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm triển khai, 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để; 100% lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý; 90% tổng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường… Đặc biệt, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019 (SIPAS), Sở TN&MT đứng thứ 2/20 các Sở, ban, ngành, với chỉ số hài lòng đạt 97,52%.

Năm 2021 được dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Sở TN&MT Sơn La đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong toàn ngành để tập trung thực hiện. Trong đó, tiếp tục tham mưu việc lập Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm (2021 - 2026); triển khai xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia trên địa bàn tỉnh; dự án điều tra, đánh giá ô nhiễm đất…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tâm huyết từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO