Thế giới

Những rủi ro lớn từ mùa hè "rực lửa"

Mai Đan 25/06/2024 - 22:49

(TN&MT) - Mùa hè năm nay, nhiều nơi trên thế giới đang trải qua nắng nóng nguy hiểm, từ châu Á đến châu Mỹ - phía bên kia đại dương, hàng triệu người Mỹ, Brazil, Mexico... đang trải qua hàng loạt mối đe dọa từ nắng nóng đỉnh điểm. Điều này làm dấy lên lo ngại tình trạng căng thẳng nhiệt liệu sẽ cướp đi sinh mạng của hàng trăm lao động ở Mỹ và khiến hàng chục nghìn người bị thương như đã từng xảy ra trong giai đoạn từ năm 1992 - 2017.

Nắng nóng khắc nghiệt bao trùm khắp châu Mỹ

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), tại hầu hết các bang New Mexico và Utah cùng với nhiều khu vực của 3 bang Arizona, Texas và Colorado, người dân đang sống trong một mùa hè có nhiệt độ cao hơn mức trung bình.

Toàn bộ vùng Đông Bắc nước Mỹ - từ bang Maine đến bang Pennsylvania và New Jersey cũng như một vùng rộng lớn từ bang Louisiana đến các bang Arizona, Washington và Idaho cũng phải trải những ngày nắng nóng kéo dài đến hết tháng 8.

Cũng theo NOAA, mùa hè năm 2024 là giai đoạn cuối của El Nino. Sự chuyển đổi từ El Nino sang La Nina sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên hơn mức trung bình ở hầu hết nước Mỹ.

Chung cảnh ngộ, nước láng giềng Mexico cũng khốn khổ vì nắng nóng. Tính đến giữa tháng 6 vừa qua, có tới 10 thành phố ở Mexico đã trải qua nhiệt độ cao kỷ lục, bao gồm cả thủ đô Mexico City, trong khi đây vốn là thành phố thường có khí hậu ôn hòa.

Ngày 15/6, Mexico City ghi nhận nhiệt độ lên đến 34,1 độ C và vùng lân cận - Puebla có nhiệt độ 35,2 độ C, vượt qua kỷ lục trước đó là 34,3 độ C ghi nhận vào năm 1947. Tại San Luis Potosi, cơ quan y tế địa phương này cho biết, ít nhất 10 người đã thiệt mạng do say nắng.

Tuy nhiên, những khu vực này vẫn chưa bằng vùng Ciudad Victoria thuộc bang biên giới Tamaulipas (đối diện bang Texas của Mỹ) khi nhiệt độ lên tới 47,4 độ C hôm 9/5, phá vỡ nền nhiệt cao nhất trước đó vào năm 1998. Tuy nhiên, kỷ lục phải là bang San Luis Potosi, miền Trung Mexico khi có ngày nhiệt độ tăng vọt lên gần 50 độ C.

Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia Mexico cảnh báo, gần một nửa trong tổng số 32 bang trên toàn Mexico sẽ đối mặt với tình trạng nắng nóng với nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C vào những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới. Riêng trong tháng 7, dự báo sẽ có khoảng 5 đợt nắng nóng gay gắt.

Nắng nóng kéo theo hạn hán cũng càn quét Brazil. Bộ Môi trường Brazil liên tục phát đi những cảnh báo quốc gia này sẽ hứng chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng. Hạn hán đã gây ảnh hưởng nặng nề tới bang Amazonas, miền Bắc Brazil - bang có diện tích lớn nhất đất nước này.

Khu vực này hiện có hơn 4 triệu người sinh sống, trong đó 50 vạn người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán. Đáng chú ý là bang Amazonas cũng chính là một trong những vùng đất ngập nước nhiệt đới và vùng rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới.

Hạn hán kéo dài buộc chính quyền bang Amazonas phải ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường và triển khai một lực lượng đặc nhiệm để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.

jvhc-jumbo.jpg
Tại nhiều bang ở Mỹ, người dân đang sống trong một mùa hè có nhiệt độ cao hơn mức trung bình

Tương tự Brazil, nắng nóng kéo dài cũng khiến các dòng sông ở Costa Rica cạn nước, gây hạn hán trên diện rộng. Chính quyền Costa Rica cho biết, đợt nắng nóng và hạn hán này dữ dội nhất được ghi nhận trong 50 năm, khiến cho việc cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Lần cuối quốc gia này thực hiện chế độ phân phối điện là vào năm 2007.

Ông Roberto Quiros - Giám đốc cơ quan Điện lực nhà nước Costa Rica (ICE) cho biết, mực nước tại các hồ chứa chính đã xuống mức thấp nghiêm trọng, trong khi lại xảy ra sự chậm trễ trong việc giao điện theo hợp đồng từ các nhà máy điện tư nhân. Ban lãnh đạo ICE lưu ý rằng việc thiếu mưa đi kèm với gió thổi bất thường khó lường cũng đã ảnh hưởng đến nguồn cung điện từ các trang trại điện gió.

Costa Rica vốn nổi tiếng với những bãi biển và cảnh quan xanh tươi. Mùa hè năm 1981, nước này ghi nhận nhiệt độ nóng nhất, với nền nhiệt dao động trên dưới 32 độ C. Tuy vậy, kể từ tháng 5/2024, nhiệt độ nhiều vùng ở Costa Rica đã lên 34 độ C. Thậm chí, đến ngày 15/6, nhiệt độ đã lên đến hơn 35 độ C tại thủ đô San Jose.

Nắng nóng bao trùm nhiều quốc gia ở châu Mỹ trong mùa hè này một lần nữa cho thấy sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, khiến các dòng sông cạn nước, nhiều khu vực trở thành hoang mạc lan rộng khi lượng mưa ít và hạn hán kéo dài.

Sóng nhiệt gây tổn thất lớn về lao động

Trong một diễn biến liên quan đến nắng nóng, Trung tâm Vì sự Tiến bộ của Mỹ vừa công bố báo cáo về mối đe dọa của điều kiện nhiệt độ cực đoan đối với người lao động tại Mỹ. Bà Jill Rosenthal, Giám đốc Chính sách Y tế Công cộng tại Trung tâm Vì sự Tiến bộ của Mỹ nhận định: “Chúng ta từng nghĩ mọi người bị nóng, họ đổ mồ hôi và vẫn ổn. Nhưng giờ đây, điều đó chắc chắn không phải như vậy”.

Việc định lượng mối đe dọa đó có thể khó khăn, khi bao gồm tất cả mọi thứ, từ sự gián đoạn đi lại liên quan đến thời tiết đến hiệu suất nhận thức giảm sút, giấc ngủ kém... Tuy nhiên, có một số con số cụ thể. Vào đợt sóng nhiệt mùa hè năm 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, nắng nóng cực đoan đang khiến nước này thiệt hại 100 tỷ USD mỗi năm, đồng thời trích dẫn một báo cáo từ Hội đồng Đại Tây Dương cảnh báo những tổn thất đó có thể tăng gấp đôi vào năm 2030.

Ngoài ra, theo Cục Thống kê lao động Mỹ, trong giai đoạn 1992 - 2017, tình trạng căng thẳng nhiệt đã cướp đi sinh mạng của hơn 800 lao động ở Mỹ và khiến hơn 70.000 người bị thương.

Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ liên bang San Francisco cho hay, tổn thất lao động liên quan đến nhiệt lớn nhất là từ các ngành công nghiệp ngoài trời như xây dựng, khai thác mỏ và nông nghiệp. Đến năm 2200, các nhà nghiên cứu ước tính tổn thất lao động do nhiệt gây ra sẽ làm giảm 5,4% trữ lượng vốn của Mỹ và tiêu dùng giảm 1,8%.

b92f80ee-6320-4515-b2fbd43a61cfe5dd_source.jpg
Công nhân nghỉ ngơi bên ngoài một quán cà phê trong một đợt nắng nóng ở London, Anh

Bên cạnh đó, những lao động làm việc trong phòng máy lạnh cũng không hoàn toàn tránh khỏi ảnh hưởng của nhiệt độ cực đoan; một phần là do nhiệt độ ảnh hưởng đến hiệu suất nhận thức. Theo nhà thần kinh học Clayton Page Aldern, quá trình làm mát của cơ thể làm tiêu hao năng lượng thường được sử dụng cho các chức năng phức tạp của não.

Thời tiết nóng cũng làm suy giảm khả năng nhận thức do gây viêm mô não, làm suy yếu sự kết nối của mạng lưới thần kinh và làm gián đoạn giấc ngủ. Việc tiếp xúc với nhiệt vào ban đêm và trên đường đi làm vẫn có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến nhận thức.

Tại một số nơi, điều hòa không khí ít phổ biến hơn. Trên khắp châu Âu, nhiều doanh nghiệp, trường học và nhà ở hoàn toàn thiếu điều hòa. Ngay cả ở Mỹ, nơi được biết đến với mức độ sử dụng điều hòa không khí cao, hơn 40% trường học vẫn cần các hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí mới hoặc cần cập nhật.

Theo ông Mansoor Soomro, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Đại học Teesside (Anh) cho biết, ngay cả những doanh nghiệp có phòng máy lạnh cũng đang nỗ lực nâng cao nhận thức của người lao động về nhiệt. Một số doanh nghiệp quảng bá về các trạm cấp nước, trong khi một số khác yêu cầu đánh giá rủi ro, tập trung vào những người lao động dễ bị tổn thương nhất trước nhiệt độ cao.

Theo Tổng hợp từ Bloomberg & Guardian
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những rủi ro lớn từ mùa hè "rực lửa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO