Ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ có một Trạm Y tế (thuộc Phòng An toàn - Bảo vệ) gồm 6 thành viên. Công việc thường ngày của họ là chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho CBCNV Nhà máy và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn. Mỗi ca trực thường ngày, với một bác sĩ và một nhân viên y tế đã có thể đảm đương được công việc được phân công. Song, khi dịch bệnh ập đến, cụ thể là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát kéo dài vừa qua thì mọi chuyện lại khác hoàn toàn. Cả đội ngũ Trạm Y tế phải cáng đáng một khối lượng công việc khổng lồ, họ xông pha làm việc, làm cả ngày lẫn đêm để đảm bảo an toàn cho con người, cho hoạt động của Nhà máy.
Trạm trưởng Trạm Y tế Nhà máy, bác sĩ Vương Việt Bắc nói, anh không thể nào quên những ngày tháng cùng anh em CBCNV kỹ sư Nhà máy thực hiện “3 tại chỗ”. Có lẽ, đó là thời khoảng thời gian đặc biệt nhất trong đời, không chỉ riêng với anh mà là với cả đội. Đó là lần đầu tiên họ phải làm việc “3 tại chỗ”, có người đến 3 tháng sau vẫn chưa được về nhà. Cũng thời điểm đó, họ không có khái niệm giờ làm, giờ nghỉ mà chỉ có thể yên tâm nghỉ ngơi khi hết việc của ngày hôm đó.
Dịch bệnh lần thứ 4 bắt đầu bùng phát ngay trong giai đoạn bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Phú Mỹ, nhiệm vụ đặt ra lúc đó trở nên vô cùng thách thức, đó là vừa phải đảm bảo hoàn thành kế hoạch bảo dưỡng Nhà máy theo kế hoạch đề ra, đồng thời phải đảm bảo hoạt động sản xuất và xuất bán hàng diễn ra bình thường, thông suốt. Để thực hiện mục tiêu đó, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và sự đồng hành, chia sẻ của các cấp lãnh đạo Tổng công ty (TCT), lãnh đạo Nhà máy thì vai trò của đội ngũ nhân viên y tế là cực kỳ quan trọng, phải làm sao hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xâm nhập vào Nhà máy.
Bác sĩ Bắc kể, trong thời gian dịch bệnh, ngoài các công việc thường ngày, đội ngũ Trạm Y tế còn đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ khác như: thực hiện kiểm soát khai báo y tế đối với tất cả người ra vào nhà máy; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình sức khỏe của CBCNV để kịp thời ngăn chặn, kiểm soát dịch; thực hiện phun khử khuẩn toàn Nhà máy; hỗ trợ hoặc trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ CBCNV, nhà thầu làm việc tại Nhà máy; hỗ trợ công tác tiêm vắc-xin Covid-19 cho CBCNV;… Trong đó, vất vả nhất có lẽ là việc truy vết các trường hợp F1, F2 để cách ly bởi những quy định, khái niệm còn mới, mơ hồ khiến mọi người khá lúng túng khi thực hiện.
Không quản ngại khó khăn, vất vả, không nề hà công việc, không ngại xa gia đình, con nhỏ để làm việc “3 tại chỗ”, đó là tinh thần chung của CBCNV Nhà máy và đội ngũ nhân viên y tế nói riêng. Chị Nguyễn Thị Tú, nhân viên y tế Nhà máy là một gương điển hình như thế. Dù làm việc ở Nhà máy hay ngay cả khi đang trong khu vực cách ly tập trung vì bản thân là F1, chị vẫn luôn đồng hành cùng CBCNV đảm bảo an toàn cho hoạt động của Nhà máy. Chị cũng là người sát cánh cùng các đồng nghiệp làm việc “3 tại chỗ” trong Nhà máy suốt mấy tháng liền sau khi hoàn thành cách ly, dù con nhỏ còn chưa dứt sữa mẹ…!
Ở Văn phòng Tổng công ty tại TP HCM, địa phương vốn là tâm dịch phức tạp nhất cả nước thời điểm đó, đội công tác phòng chống dịch, các bác sĩ, nhân viên y tế càng đóng vai trò quan trọng. Họ tất bật với việc trang bị các thiết bị đo thân nhiệt, khử khuẩn, khẩu trang, gói thuốc điều trị F0; tìm nguồn vắc-xin cho CBCNV; tổ chức test nhanh cho người vào làm việc;… Trong đó, đặc biệt nhất là công tác tư vấn chăm sóc sức khỏe cho CBCNV và người nhà CBCNV.
Trường hợp CBNV hay người nhà là F0, đội ngũ nhân viên y tế (bác sĩ Liêu, chị Nguyễn Thị Hồng…) sẽ gọi điện, nhắn tin động viên, chia sẻ, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng thuốc, kết hợp lá xông thế nào, tư vấn về chế độ ăn uống, các bài tập thể dục ra sao để nâng cao sức khỏe, nhanh chóng vượt qua Covid-19. Hay sau khi tiêm vắc-xin, có những người bị tác dụng phụ như mệt, sốt, đau vết tiêm… đều được các nhân viên y tế tư vấn tận tình, chu đáo.
Các nhân viên y tế còn chủ động hỏi thăm sức khỏe và tư vấn cặn kẽ từng vấn đề nhỏ nhất qua tin nhắn điện thoại, zalo, facebook trong thời gian giãn cách. Qua đó mới thấy được rằng, sự tận tâm của đội ngũ nhân viên y tế có ý nghĩa đặc biệt với CBCNV, bởi họ không chỉ là người hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe trong đơn vị mà còn trở thành một chỗ dựa tinh thần giúp mọi người yên tâm hơn vượt qua đại dịch.
Chính nhờ sự nỗ lực và tận tâm vì mọi người của đội ngũ nhân viên y tế nên ngay trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất, Nhà máy vẫn được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có trường hợp F0 nào. Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc Nhà máy đánh giá, Trạm Y tế đã làm tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh, giúp Ban lãnh đạo Nhà máy chủ động điều hành SXKD linh hoạt, hiệu quả. Nhờ vậy, có rất ít trường hợp CBCNV ở Văn phòng TCT dương tính với SARS-CoV-2, công việc diễn ra liên tục, hiệu quả dù làm việc tập trung hay tại nhà…
Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo và sự tận tâm của đội ngũ nhân viên y tế, công tác phòng dịch của PVFCCo cơ bản được đảm bảo. Và cũng nhờ một phần từ những đóng góp quan trọng của đội ngũ nhân viên y tế, PVFCCo đã có một năm 2021 thắng lợi với kết quả SXKD, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng rất ấn tượng…
Hiện tại, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là mối đe dọa từ biến chủng Omicron và giai đoạn “bình thường mới” đang đặt ra những thách thức đối với đội ngũ y tế trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho hoạt động SXKD của TCT, của Nhà máy. Những kịch bản ứng phó mới đã được đặt ra, những biện pháp kiểm soát dịch bệnh, công tác chăm sóc sức khỏe cho CBCNV vẫn đang được duy trì hằng ngày.
Với tinh thần đoàn kết cùng sự nỗ lực của tất cả CBCNV, của đội ngũ nhân viên y tế - những “người hùng” của PVFCCo, có thể tự tin rằng Nhà máy sẽ tiếp tục giữ vững được thành trì chống dịch, tiến tới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.