Xã hội

Những người đi tìm đồng đội

Đức Cảnh 25/04/2023 - 12:30

(TN&MT) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng người cựu chiến binh may mắn sống sót trở về vẫn luôn canh cánh nỗi lòng, ước nguyện đi tìm đồng đội, những người đã gửi xương máu lại chiến trường.

Bởi lẽ, trong số những đồng đội đang nằm lại chiến trường, có những trường hợp sau khi cha mẹ qua đời không biết nương tựa vào đâu để được trở về quê.

Ký ức về những trận chiến năm xưa

Người cựu chiến binh mà chúng tôi muốn nhắc tới là ông Hồ Văn Toán - ở phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh, nay đã ngoài 70 tuổi. Nhìn bề ngoài đẹp lão, cách nói chuyện cuốn hút, thi thoảng pha chút vui nhộn, ít ai biết rằng, sau phút giây ấy là những ngày dài trầm tư, với ông, tâm trí vẫn luôn dành cho đồng đội chung chiến hào năm ấy, đặc biệt với những người đang nằm lại chiến trường, trong đó có anh trai mình.

Sinh ra khi đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh, chứng kiến những hành động tội ác của giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước, chàng thanh niên Hồ Văn Toán năm ấy quyết tâm theo cha và anh trai ra chiến trường, cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Năm 1968, khi mới 17 tuổi, để đủ tuổi đăng ký tham gia bộ đội, ông Toán đã lên xã làm đơn xin khai lại năm sinh tăng thêm tuổi để được nhập ngũ.

anh-3.-ong-toan.jpg
Ông Hồ Văn Toán thắp hương cho đồng đội tại nghĩa trang Vĩnh Linh (Quảng Trị)

Sau khoảng hai tháng huấn luyện, ông Toán được biên chế vào K19, Đại đội trinh sát của Trung đoàn quân khối Bắc trực thuộc Bộ Tư lệnh mặt trận phía Nam, bắt đầu những tháng năm vất vả, gian nan; đơn vị đi thẳng vào chiến trường B5, đường 9 Khe Sanh - Quảng Trị. Vào chiến trường, ông cùng đồng đội của mình có nhiệm vụ thộc sâu nắm chắc tình hình địch và các mặt trận liên quan, làm cơ sở để xác định, điều chỉnh quyết tâm tác chiến phòng thủ và kịp thời xử lý các tình huống…

Trải qua những ngày tháng dài chiến đấu, với ông, trận chiến nào cũng ác liệt, có chiến thắng nhưng cũng đầy mất mát và đau thương. Đặc biệt, những trận đánh tại Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, động Ông Gio, 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị đã để lại ký ức sâu đậm trong cuộc đời ông.

Trong những trận đánh đó, lực lượng của ta đã chiến đấu rất dũng cảm, tiêu diệt sinh lực địch góp phần toàn thắng sau này. Chỉ tiếc, quân ta cũng hy sinh nhiều và rất đau xót là tiểu đội của ông thiệt hại nặng, có những trận đánh chỉ còn sống sót 2 - 3 người và nhiều lần phải bổ sung lực lượng.

anh-6.-ong-toan.jpg
Ông trở lại chiến trường, lần theo trí nhớ để tìm đến địa điểm mình từng an táng đồng đội hy sinh

Đi qua những trận chiến, là người luôn xông pha nhưng ông may mắn sống sót. Có lần bị thương, ông được đưa ra khu vực điều trị nhưng rồi sau đó, ông quay lại tiếp tục chiến đấu. Có lẽ không bao giờ ông quên cơn sốt rét hành hạ, bên cạnh ông lúc đó là 5 đồng đội đã hy sinh. Cho đến bây giờ, nghĩ về ký ức chiến trường xưa, về những trận đánh vô cùng khốc liệt năm nào vẫn để lại sự day dứt, không thể nào quên trong tâm khảm của ông Toán, ở chảo lửa khốc liệt đó, đồng đội nằm lại quá nhiều, trong đó có cả anh trai mình.

Chiến tranh đã hết mà răng…?

Xuất phát là người lính trinh sát, trí nhớ tốt, tư duy nhạy bén nên trên mặt trận chiến đấu, ông Hồ Văn Toán là người rất thông thạo. Qua lời kể của những người lính cùng đơn vị còn sống, họ thừa nhận phục ông điều này. Những năm đầu, sau khi giải ngũ, dù bận công việc gia đình nhưng ông Toán luôn cẩn thận dành thời gian ghi chép lại qua trí nhớ những ngày tháng ở chiến trường, đặc biệt là thông tin liên quan đến đồng đội, người sống sót, người hy sinh.

Đau đáu, ấp ủ tâm nguyện một ngày nào đó sẽ giúp ích cho việc tìm kiếm hài cốt, ước nguyện đưa được hết các đồng đội đã ngã xuống trong chiến trường trở về quê hương, ông Hồ Văn Toán chia sẻ: “Giống như một sự linh thiêng nào đó, sau này, khi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, những thông tin ghi chép trước đây của tôi giúp ích được rất nhiều. Gần như trên 80% đồng đội tôi nhớ hết tên, địa chỉ quê quán, ngày tháng hy sinh”.

Chiến tranh đã lùi xa, vào những ngày tháng Tư lịch sử, người đàn ông tóc điểm bạc lại khăn gói trở lại chiến trường xưa như thực hiện một lời hẹn với đồng đội. Ông muốn gặp lại anh em chung chiến hào năm ấy vẫn còn sống để thăm hỏi, ôn lại kỷ niệm, một phần nữa để nắm thông tin những đồng đội đang nằm lại chiến trường.

Cứ như vậy, gần 15 năm qua, ông Hồ Văn Toán không quản ngại vất vả, nhiều lần cùng đồng đội trở lại chiến trường, tìm đến cơ quan, ban, ngành và thân nhân liệt sĩ để tìm mộ đồng đội. Đến nay, một số hài cốt liệt sĩ được tìm thấy, thông tin cho gia đình đưa về an táng tại quê nhà như liệt sỹ Dương Văn Tân ở Hà Bắc.

Đứng bên phần mộ của liệt sỹ Bùi Xuân Thảo - quê ở Vĩnh Phúc, hiện đang được an táng tại nghĩa trang Hải Lăng (Quảng Trị), ông Toán trầm lại. Trong ít phút, câu chuyện của ông mới được tiếp tục, trước đây cùng đơn vị, mặc dù thông tin đội quy tập đưa vào nghĩa trang cung cấp bị lệch, nhưng bằng thông tin có được nên ông vẫn nhận ra người đồng đội của mình.

Trường hợp liệt sỹ Bùi Xuân Thảo - một trong bốn người hy sinh được đồng đội làm lễ an táng cạnh nhau. Khi phát hiện một ngôi mộ đồng đội được quy tập tại nghĩa trang, ông Toán hy vọng sẽ tìm thấy những cái tên còn lại nhưng rồi không đạt được kỳ vọng.
Ông Hồ Văn Toán cho biết: “Sau lần ấy, tôi đã được con trai đưa ra tận nơi ở của thân nhân liệt sỹ Thảo để thông báo với gia đình ở Vĩnh Phúc, mong muốn đưa anh về. Vậy nhưng, khi đến, cha mẹ anh Thảo đã qua đời, các cháu vì điều kiện khó khăn nên hiện nay phần mộ vẫn đang nằm lại chiến trường”.

Theo chân người cựu chiến binh Hồ Văn Toán trở lại chiến trường xưa, được biết, rất nhiều đồng đội của ông hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, có những trường hợp sau mỗi lần quy tập, di chuyển bị mất dấu, có trường hợp mộ liệt sĩ được chôn hiện ở trên đất thổ cư của người dân. Cũng có những liệt sĩ đã tìm được hài cốt nhưng chưa được gia đình nhận về, đa phần hoàn cảnh khó khăn, có những trường hợp sau khi cha mẹ qua đời không biết nương tựa vào đâu để được trở về quê.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Văn Toán không muốn nói nhiều về mình, ông sợ những lời không phù hợp làm tổn thương đến đồng đội, những người đã ngã xuống và cả những người đang sống. Gần năm mươi năm sau chiến tranh, trong ánh mắt người lính can trường, chân đất, mũ tai bèo bước ra từ đống đổ nát hoang tàn sau những trận mưa bom, bão đạn của kẻ thù trút xuống Quảng Trị năm ấy vẫn mang theo bao hoài niệm. Kẻ còn người mất, nhưng mỗi lần nhắc đến chiến tranh là hình ảnh những trận chiến lại hiện về giày xéo tâm trí ông.

“Được sống trở về sau trận chiến là một điều quá may mắn, những người hy sinh mãi là Anh hùng - Những thiên thần bất tử sống mãi trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Chiến tranh đã lùi xa, nhiều anh em vẫn còn nằm lại, tôi có ước nguyện sẽ làm được điều gì đó ở phần đời còn lại khi còn có thể để đưa họ về bên gia đình”, ông Hồ Văn Toán nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người đi tìm đồng đội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO