Những người “bắt” đất ô nhiễm “đẻ” ra... vàng

01/02/2018 23:54

(TN&MT)- Rộng gần 5ha, khu đất dự án bệnh viện Bưu điện 3 cũ, thuộc phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, (Đà Nẵng) là một trong những dự án tai tiếng về ô nhiễm môi trường khi nơi này trở thành bãi tập kết rác thải, xà bần, tập kết kinh doanh cát trái phép. Tuy nhiên, một phần khu đất sau khi được giao cho những hội viên Hội nông dân phường mượn để canh tác hoa, đất ô nhiễm đã trở nên xanh- sạch- đẹp và đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Nhọc nhằn nghề “trồng hoa dạo”

Ngồi trầm ngâm bên ly trà nóng còn bốc khói nghi ngút, lão nông Lê Văn Trí, năm nay vừa tròn 70 chậm rãi kể: Khi sinh ra, ông đã gắn bó với đất đai, ruộng đồng, bờ cây, ngọn cỏ. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tại thành phố diễn ra quá nhanh, đất nông nghiệp dần biến thành đất các dự án du lịch, phân lô bán nền. HTX nông nghiệp Thanh Khê 6, nơi ông gắn bó bao nhiêu năm cũng đã giải tán. Nghề trồng hoa mà gia đình ông gắn bó mấy chục năm này cũng không còn đất để “dụng võ”.
 

Lão nông Lê Văn Trí cần mẫn bên những cây hoa khoe sắc
Lão nông Lê Văn Trí cần mẫn bên những cây hoa khoe sắc


Tuy vậy, những cây hoa lung linh khoe sắc, tỏa hương vẫn hằng đêm theo ông vào những giấc ngủ chập chờn. Quyết tâm gắn bó với nghề, ông bỏ thời gian đi tìm những lô đất dự án hiện đang bỏ không để thuê, để mượn, tiếp tục theo đuổi nghề trồng hoa. Theo ông Trí, mặc dù những lô đất dự án bỏ trống thường rất ô nhiễm, chi phí cải tạo lại khá lớn, tính ổn định lại không cao, chỉ canh tác được một vài vụ là chủ đất đòi lại. Nhiều khi hoa trồng mới lên xanh, chủ đất đòi lại, bao chi phí đầu tư, công sức bỏ ra đều bỏ sông bỏ bể, nhưng vì đam mê ông vẫn tiếp tục theo đuổi cái nghề mà ông gọi vui là “trồng hoa dạo”.
 

Chị Lê Thị Gái bên giàn hoa dạ yến thảo
Chị Lê Thị Gái bên giàn hoa dạ yến thảo

Giữa năm 2017, đang khi loay hoay không biết theo đuổi nghề ra sao khi các lô đất trống đang trồng hoa đều đã bị đòi lại, ông Trí cùng với một số gia đình khác nghe được tin ở phường Thanh Khê Tây còn lô đất dự ánchậm triển khai rất lớn, cỡ 4- 5 ha. Lô đất này rất ô nhiễm với đủ các loại rác, chủ yếu là rác thải cứng xây dựng, xà bần chất thành từng đống. Với suy nghĩ “ người không phụ đất sao đất phục người”, ông cùng các gia đình nọ đã lên xin với UBND phường Thanh Khê Tây cho mượn tạm để trồng hoa. Lúc này, nhiều người nghĩ ông khùng vì khu đất chỗ lõm sâu cả mét, chỗ lại dồn đống cao 1- 2m, cỏ dại mọc tràn lan. Sau khi cùng nhau bàn bạc, đã có 7 gia đình cùng chung niềm đam mê nghề trồng hoa góp tiền san ủi, mua cát san lấp tạo được mặt bằng rộng hơn 6.000m2 với tổng chi phí khoảng 50 triệu đồng.

Bắt đất ô nhiễm đẻ ra... vàng

Với kinh nghiệm nhiều năm “trồng hoa dạo”, trải qua bao lô đất xung quanh thành phố, lần nào lâu nhất cũng chỉ đôi ba năm. Khi tạo được mặt bằng, ông Trí lựa chọn rất kỹ các loài hoa, chỉ trồng những loại hoa ngắn ngày, và ít kén đất, sống được trong không gian hẹp như: hoa cúc, mãn đình hồng, thược dược, hướng dương, hoa bướm... tất cả các loại hoa nói trên ông đều trồng trong chậu, từ các loại chậu nhựa cho đến chậu sứ, chậu đúc bằng bê tông... với đủ kích cỡ phù hợp với từng loại cây.
 

Chị Lê Thị Gái chăm sóc hơn 1000 chậu cúc mâm xôi
Nhãn

Với tổng chi phí khoảng 8 triệu đồng, trong đó tính cả tiền san đất, tiền giống, phân tro...cùng công sức chăm trong khoảng 4 tháng. Đến nay vườn hoa của ông có loại đã bắt đầu khoe sắc chuẩn bị đón xuân như thược dược, hướng dương. Nhiều loại đang trong trong giai đoạn cắt tỉa bón thúc như: hoa cúc, hoa bướm, mãn đình hồng. Theo đánh giá của “ lão nông tri điền” Lê Văn Trí: năm nay thời tiết khá thuận, các loại hoa sẽ nở đúng trong dịp tết nên ước tính thu nhập từ khoảng 800 chậu hoa các loại của gia đình sẽ đạt khoảng 50- 60 triệu đồng.

Ở khu vườn bên cạnh, 3 chị em nhà chị Lê Thị Gái cũng đang cần mẫn tỉa lá, nụ cho những chậu cúc. Chị Gái cho biết: gia đình chị là một trong những hội viên Hội nông dân phường Thanh Khê Tây, có truyền thống trồng hoa. Trước đây, 3 chị em trong gia đình thuê lại những lô đất trống trên đường Nguyễn Hữu Thọ, đường 30/4 và những lô đất nhỏ quanh khu vực phường để trồng hoa. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, các lô đất đã bị chủ đầu tư thu hồi để xây dựng công trình nên gia đình chị về đây mượn tạm đất để tiếp tục theo đuổi nghề.
 

Dù chưa đến tết, đã có rất nhiều người đến mua, đặt hoa
Dù chưa đến tết, đã có rất nhiều người đến mua, đặt hoa


Theo chị Gái, các cây chị đều trồng trong chậu, dưới các hàng hoa lại trải bạt nilon ngăn cỏ mọc, tránh lầy lội khi  thời tiết bất lợi nên rất đảm bảo vệ sinh môi trường, lại dễ di chuyển. Chị Gái ước tính: 3 chị em trồng khoảng 3.000 chậu hoa, với khoảng 20 loại hoa, chủ yếu là giống ngắn ngày phục vụ cho dịp tết như: hoa ly, dạ yến thảo, dừa cạn rủ, đồng tiền, phúc lộc thọ...Gặp năm mưa thuận gió hòa nên năm nay hoa được mùa, được giá. Mặc dù còn gần nửa tháng nữa mới đến tết, nhưng đã có rất nhiều khách hàng đến mua, đặt hoa. Dự tính tổng thu nhập của 3 chị em trong dịp này cũng lên đến cả trăm triệu đồng.

 Trao đổi với phóng viên Báo TNMT, ông Đinh Quang Tưởng, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây trăn trở: Hiện nay trên địa bàn phường hầu như đã không còn đất sản xuất nông nghiệp, trong khi đó lại có khá nhiều các khu đất trống của các dự án chậm triển khai đang gây ô nhiễm môi trường. Nắm bắt được nhu cầu của một số hộ dân vẫn còn thiết tha với nghề trồng hoa, một phần muốn giữ gìn vệ sinh môi trường tại những khu đất trống, phường đã mạnh dạn cho một số hộ dân sử dụng tạm thời một phần các khu đất này và không thu phí để họ trồng hoa, cây cảnh, giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh- sạch- đẹp.

Dù hiệu quả về môi trường và kinh tế là rất rõ ràng, nhưng với đất mượn tạm, tính ổn định là không cao trong khi chi phí để cải tạo môi trường của người dân khá lớn. Vì vậy, rất mong các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ và có cơ chế, chính sách cũng như định hướng cho những người nông dân được gắn bó với nghề.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người “bắt” đất ô nhiễm “đẻ” ra... vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO