Thế giới

Những kỳ vọng từ quỹ tổn thất và thiệt hại

Mai Đan 03/04/2024 - 20:49

(TN&MT) - Nhu cầu tài chính để chi trả cho hậu quả của các tác động của khí hậu đang tăng vọt, nhưng tiến độ vận hành quỹ tổn thất và thiệt hại của Liên hợp quốc còn chậm.

Nhiều quốc gia mong muốn nhận được hỗ trợ

Ngân hàng Thế giới - "chủ nhà" dự kiến của quỹ vừa cho biết trên trang web của mình rằng hội đồng quản trị dự kiến sẽ phê duyệt kế hoạch chính thức để trở thành “trung gian tài chính” của quỹ vào giữa tháng 4, với một thỏa thuận điều hành cuối cùng sẽ được ký kết với quỹ vào cuối tháng 7.

Tuy nhiên, những nước có thể nhận được nguồn từ quỹ tổn thất và thiệt hại đang phải “đấu tranh” để giành được vị trí trong danh sách ngày càng nhiều các quốc gia đang hy vọng được giúp đỡ. Điều này đồng nghĩa với việc hội đồng quản trị của quỹ này phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn: phân chia khoản tài chính ít ỏi một cách công bằng cho quá nhiều người đang cần nó, trong bối cảnh tác động của khí hậu ngày càng lớn trong khi nhiệt độ toàn cầu đang gia tăng.

pk-floods-field-scaled-e1711368922638.jpg
Người dân rút nước khỏi đồng ruộng ở ngôi làng Gozo bị lũ lụt tại Pakistan

Ví dụ, Pakistan vẫn đang tìm kiếm khoảng 16 tỷ USD để xây dựng lại đường, cầu, trường học… sau khi lũ lụt năm 2022 làm ngập 1/3 đất nước. Ở miền Nam châu Phi, Zambia - quốc gia bị ảnh hưởng bởi một đợt hạn hán nghiêm trọng, làm giảm năng suất một nửa vụ ngô chủ lực trong mùa này - mong muốn được hỗ trợ để tăng cường nguồn cung cấp nước đang cạn kiệt.

Tương tự, các quốc gia dễ bị tổn thương - từ các quốc đảo Thái Bình Dương và Caribe đến Bangladesh - đang tìm kiếm khoản tiền để bù đắp những tổn thất ngày càng tăng khi nước biển ấm hơn gây ra các cơn bão và lốc xoáy mạnh hơn. Hay ở Senegal, nơi mực nước biển dâng cao đang đẩy nhanh quá trình xói mòn bờ biển, các gia đình đang mong muốn nhận được khoản hỗ trợ để xây dựng lại các cộng đồng ven biển đang đổ nát.

Bà Ritu Bharadwaj, nhà nghiên cứu quản trị và tài chính khí hậu tại Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (Vương quốc Anh), người theo dõi sự phát triển của quỹ cho biết: “Nhu cầu nhận được hỗ trợ là hàng nghìn tỷ đô la, trong khi chỉ có hàng triệu đô la”.

Theo ước tính năm 2018, với chi phí mất mát và thiệt hại đối với các nước đang phát triển dự kiến ​​sẽ lên tới 290 - 580 tỷ USD vào năm 2030, quỹ tổn thất và thiệt hại nhằm mục đích tăng cường đáng kể các nguồn lực, chủ yếu bằng cách thuyết phục các chính phủ tài trợ có thể sử dụng nguồn tiền một cách hiệu quả.

Tập trung vào sứ mệnh cốt lõi

Hợp tác với một lực lượng đặc nhiệm mới về thuế quốc tế, quỹ này cũng đang tìm cách khai thác các nguồn tài trợ sáng tạo như thuế đánh vào nhiên liệu hóa thạch, hàng không, vận chuyển và giao dịch tài chính.

Để tiếp tục mở rộng nguồn lực hạn chế, các nhà giám sát quỹ như bà Bharadwaj đã kêu gọi hội đồng xem xét các cách để tiếp cận trực tiếp những người dễ bị tổn thương. Cách tiếp cận đó sẽ loại bỏ các cơ quan phân phối trung gian mà các nhà phê bình cho rằng hiện đang yêu cầu quá nhiều dòng tài chính khí hậu và giảm số tiền đến tuyến đầu.

Bà Bharadwaj và một số người khác cũng cho rằng quỹ nên xem xét hỗ trợ những nỗ lực còn thiếu cho đến nay nhằm xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc khí hậu ngày càng tồi tệ, thay vì chỉ ứng phó khi chúng xảy ra, nhằm hạn chế nhu cầu hỗ trợ trong tương lai.

Điều đó có thể bao gồm việc giúp nông dân Zambia xây dựng hệ thống tưới tiêu cộng đồng để tránh việc họ phải liên tục cần đến quỹ để bù đắp thiệt hại mùa màng do hạn hán.

Bà Bharadwaj cho biết: “Chúng ta cần phản ứng nhanh hơn trước những rủi ro tổng thể mà cộng đồng đang phải đối mặt”.

Tuy nhiên, ông Avinash Persaud, thành viên hội đồng quản trị quỹ tổn thất và thiệt hại từ Barbados, đại diện cho các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe cho rằng quỹ nên tập trung vào sứ mệnh cốt lõi của mình - giúp đỡ các cộng đồng và quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất phục hồi và tái thiết sau tác động của khí hậu. “Quỹ này không thay thế các cơ quan cứu trợ. Đây không phải là quỹ xây dựng khả năng phục hồi”, ông Persaud nhấn mạnh.

Theo ông Persaud, quỹ này có thể hỗ trợ tái thiết các thị trấn bị tàn phá ở một vị trí an toàn hơn, sửa chữa đường sá, cầu cống và trường học, hoặc bất kỳ hoạt động nào khác nhằm xây dựng lại cộng đồng.

Với hội đồng quản trị gồm 26 thành viên của quỹ tổn thất và thiệt hại, dự kiến quỹ này sẽ bắt đầu làm việc trong tháng này để thiết lập cơ chế hoạt động của mình. Hội đồng quản trị sẽ phải đối mặt với một loạt các cuộc thảo luận gây tranh cãi, bao gồm cả việc liệu có nên cấp một phần hỗ trợ dưới dạng các khoản vay ưu đãi thay vì các khoản trợ cấp đơn giản hay không.

Ngoài ra, các cuộc thảo luận có thể đề cập đến nội dung liệu tiền có nên chuyển thẳng đến chính phủ và các tổ chức địa phương hay thông qua các đối tác quốc tế - bao gồm các ngân hàng phát triển và các cơ quan của Liên hợp quốc, cũng như mức độ tiếp cận trực tiếp với quỹ mà các cộng đồng dễ bị tổn thương nên có.

Bà Bharadwaj hy vọng quỹ tổn thất và thiệt hại có thể hoạt động theo cách mang tính xúc tác, giúp các quốc gia lấp đầy khoảng trống trong các nguồn tài trợ khác - từ thích ứng và phục hồi khí hậu, đến phát triển và viện trợ nhân đạo.

Theo Tổng hợp từ Climate Home News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những kỳ vọng từ quỹ tổn thất và thiệt hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO