Thế giới

Những "kỷ lục" về nhiệt độ, băng biển... tháng 7: Hối thúc giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu

Mai Đan 09/08/2023 - 13:48

(TN&MT) - Tháng 7 vừa qua, nhiệt độ không khí và bề mặt đại dương toàn cầu đã lập kỷ lục mới mọi thời đại. Không những thế, đây cũng là tháng chứng kiến nhiều con số kỷ lục về băng biển và thủy văn. Mặc dù đây chỉ là những dữ liệu tạm thời nhưng nó cho thấy thế giới cần đẩy nhanh nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu.

hot.jpg
Copernicus vừa tuyên bố tháng 7 năm 2023 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất

Nhiệt độ không khí và mặt biển đạt mức kỷ lục trong tháng 7

Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus vừa tuyên bố tháng 7 năm 2023 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất. Cụ thể trong tháng 7, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 16,95 độ C, nóng hơn 0,72°C so với mức trung bình của tháng 7 từ năm 1991 đến năm 2020 và ấm hơn 0,33°C so với tháng 7/2019 - một mốc nhiệt độ kỷ lục trước đó theo Copernicus. Tháng 7 vừa qua cũng nóng hơn khoảng 1,5°C so với mức trung bình trong giai đoạn 1850-1900.

Sóng nhiệt đã trải qua ở nhiều khu vực ở Bắc bán cầu, bao gồm cả miền Nam châu Âu. Nhiệt độ cao hơn mức trung bình đã xảy ra ở một số quốc gia Nam Mỹ và xung quanh phần lớn Nam Cực.

Bên cạnh đó, trong tháng 7, nhiệt độ bề mặt nước biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng, đạt mức cao kỷ lục, sau một thời gian dài nhiệt độ cao bất thường kể từ tháng 4/2023. Tính chung cả tháng 7, nhiệt độ bề mặt nước biển trung bình toàn cầu cao hơn 0,51°C so với mức trung bình của giai đoạn 1991-2020.

Bắc Đại Tây Dương cao hơn trung bình 1,05°C trong tháng 7, do nhiệt độ ở phần đông bắc của lưu vực vẫn duy trì trên mức trung bình và nhiệt độ cao bất thường phát triển ở Tây Bắc Đại Tây Dương.

Sóng nhiệt trên biển phát triển ở phía Nam Greenland và ở Biển Labrador, ở lưu vực Caribe và trên Biển Địa Trung Hải. Trong khi đó, hiện tượng El Nino tiếp tục phát triển trên vùng xích đạo phía Đông Thái Bình Dương.

Bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết: “Chúng ta vừa chứng kiến nhiệt độ không khí toàn cầu và nhiệt độ bề mặt đại dương toàn cầu lập kỷ lục mới mọi thời đại vào tháng 7. Những kỷ lục này gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả con người và hành tinh khi phải trải qua những hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên và dữ dội hơn bao giờ hết”.

Theo bà Samantha Burgess, năm 2023 hiện là năm nóng thứ ba cho đến nay ở mức cao hơn 0,43 độ C so với mức trung bình gần đây, với nhiệt độ trung bình toàn cầu vào tháng 7 cao hơn 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Ngay cả khi những hiện tượng này chỉ là tạm thời, song nó cũng cho thấy sự cấp bách của những nỗ lực đầy tham vọng nhằm giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, vốn là nguyên nhân chính đằng sau những kỷ lục này.

Tháng 7 năm 2023 - Những điểm nổi bật về băng biển và thủy văn

Lớp băng bề mặt ở Nam Cực đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy vào thời điểm tháng 7 trong năm, với giá trị hàng tháng thấp hơn 15% so với mức trung bình, cho đến nay là mức thấp nhất trong tháng 7 kể từ khi bắt đầu quan sát vệ tinh.

Mức độ băng biển dưới mức trung bình nhiều nhất ở phía Bắc Weddell, phía Đông Bellingshausen và phía Bắc Biển Ross trong khi mức độ băng biển trên mức trung bình vẫn tồn tại ở khu vực Biển Amundsen rộng lớn.

Phạm vi băng ở biển Bắc Cực thấp hơn một chút so với mức trung bình, nhưng cao hơn nhiều so với mức tối thiểu từ tháng 7/2020. Trong khi hầu hết Bắc Băng Dương có mức độ băng biển dưới mức trung bình, thì mức độ băng biển trên trung bình chiếm ưu thế ở phía bắc bờ biển phía bắc Siberia.

Về diễn biến thủy văn, tháng 7 năm 2023 ẩm ướt hơn mức trung bình ở hầu hết Bắc Âu và ở khu vực từ Biển Đen và Ukraine đến Tây Bắc nước Nga. Các điều kiện khô hơn mức trung bình đã xảy ra trên khắp lưu vực Địa Trung Hải, trong đó Itlay và Đông Nam châu Âu có sự bất thường lớn nhất.

Ngoài châu Âu, tháng 7 năm 2023 ẩm ướt hơn mức trung bình ở Đông Bắc Bắc Mỹ, Afghanistan, Pakistan, Đông Bắc Trung Quốc, phía Bắc và Đông Australia và Chile. Các vùng ngoài nhiệt đới khô hơn mức trung bình bao gồm Mexico và Tây Nam nước Mỹ, trung tâm và Đông Nam châu Á, Tây Nam Australia, và một phần phía Nam Brazil và Paraguay.

“Đó không phải là điều bất ngờ”

Giám đốc Dịch vụ Khí hậu Quốc tế của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Chris Hewitt cho biết: “Tin tức về tháng nóng nhất được ghi nhận có lẽ không gây ngạc nhiên. Báo cáo Tình trạng Khí hậu hàng năm mới nhất của WMO cho biết từ năm 2015 đến năm 2022 là tám năm nóng nhất được ghi nhận và đây là hậu quả của một thập kỷ nóng lên rõ rệt. Khi chúng ta tiếp tục chứng kiến nồng độ khí nhà kính trong khí quyển gia tăng liên tục, sự nóng lên trong thời gian dài này sẽ tiếp tục và các kỷ lục nhiệt độ sẽ còn bị phá vỡ”.

Copernicus cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu cho năm 2023 là mức cao thứ ba được ghi nhận, ở mức 0,43 độ C so với giai đoạn 1991 - 2020, so với 0,49 độ C của năm 2016 và 0,48 độ C của năm 2020.

Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu của EU dự báo khoảng cách nhiệt độ giữa năm 2023 và 2016 dự kiến sẽ thu hẹp trong những tháng tới, vì những tháng cuối năm 2016 tương đối mát mẻ... trong khi thời gian còn lại của năm 2023 dự kiến sẽ tương đối ấm áp khi hiện tượng El Nino mạnh hơn.

Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus do Trung tâm Dự báo Thời tiết hạn vừa châu Âu (ECMWF) điều hành, thay mặt cho Ủy ban Châu Âu với sự tài trợ của Liên minh châu Âu (EU), thường xuyên xuất bản các bản tin khí hậu hàng tháng báo cáo về những thay đổi được quan sát ở nhiệt độ không khí bề mặt toàn cầu, băng biển và những biến đổi về thủy văn. Trong tháng này, những điểm nổi bật về nhiệt độ mặt nước biển cũng được công bố. Những phát hiện này dựa trên các phân tích do máy tính tạo ra bằng cách sử dụng hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu, máy bay và trạm thời tiết trên khắp thế giới.

Theo Tổng hợp từ WMO
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những "kỷ lục" về nhiệt độ, băng biển... tháng 7: Hối thúc giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO