Những kết quả ấn tượng trong thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế

Thùy Linh| 04/01/2021 11:25

(TN&MT) - Tính đến cuối năm 2020, cả nước đã có 1,068 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bằng khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, số người tham gia BHXH tự nguyện không chỉ tăng gần gấp đôi năm 2019 và tăng gấp gần năm lần so với con số 218 nghìn người tham gia tại thời điểm này 5 năm trước, kết quả mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện hiện đã về đích trước, thậm chí cao hơn gấp hai lần so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH (theo Nghị quyết, đến hết năm 2021 có 1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện).

Cả nước đã có 1,068 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện

Đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn không nhỏ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện các nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trong đó lĩnh vực BHXH cũng không ngoại lệ, có thể nói, đây là thành quả vượt bậc mà ngành BHXH Việt Nam đã đạt được trong năm qua.

Tất nhiên, khi đề cập kết quả, chúng ta cũng không thể không nói tới những “điểm tựa” quan trọng như: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho những người tham gia; là sự quan tâm, trách nhiệm ngày càng cao của cấp ủy, chính quyền các địa phương; là sự phối hợp ngày càng chặt chẽ của các ngành, tổ chức, cơ quan liên quan trong triển khai công tác này…

Đây là những yếu tố có tính nền tảng để việc mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện có sự bứt phá từ năm 2019, sau hơn 10 năm thực hiện đầy khó khăn và tiếp tục thành công trong năm 2020 vừa qua. 

Thực tế cho thấy, mặc dù để hiện thực hóa mục tiêu giúp người lao động ở khu vực phi chính thức, nhất là lao động nông nghiệp có lương hưu khi hết tuổi lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, chính sách BHXH tự nguyện đã được thực hiện từ năm 2008 nhưng đến trước năm 2019 vẫn chưa thu được nhiều kết quả. Ngoài những lý do khách quan như thu nhập của phần lớn lao động phi chính thức, nhất là người làm nông còn thấp và chưa ổn định, cuộc sống chưa dư dả thì nguyên nhân chính khiến chính sách này chưa đi vào cuộc sống là nhận thức của một bộ phận lớn người dân về BHXH tự nguyện còn hạn chế; nhiều người chưa có thói quen tham gia BHXH để bảo đảm cho cuộc sống tương lai mà thường thực hiện những hình thức tích lũy, tiết kiệm khác.

Riêng năm 2020, do những ảnh hưởng nghiêm trọng từ diễn biến của dịch Covid-19, thậm chí có thời gian cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội cho nên công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều trở ngại. Đến những tháng cuối năm, nhiều tỉnh miền trung, Tây Nguyên phải hứng chịu sự tàn phá của thiên tai bão, lũ…

Trong bối cảnh đó, để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ mở rộng BHXH tự nguyện, với tinh thần “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”, ngành BHXH đã phối hợp củng cố, mở rộng, nâng cao chất lượng hệ thống đại lý thu; thực hiện các hình thức truyền thông, vận động phù hợp xu hướng phát triển như thông qua mạng xã hội. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH còn phối hợp chính quyền cơ sở và hệ thống đại lý tổ chức rà soát thông tin những trường hợp có khả năng, có nhu cầu để tiếp cận tư vấn qua các hội nghị diện hẹp hoặc tư vấn trực tiếp.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” cũng đã được xem là phương thức vận động phổ biến tại nhiều địa phương… Những cách làm phù hợp, sự nỗ lực không mệt mỏi đó đã cộng hưởng để tạo ra kết quả hôm nay, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT trong cả nước, để ngày càng nhiều người dân được thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những kết quả ấn tượng trong thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO