Những hạt "giống đỏ" trên miền đất khát: Lặng thầm... cao nguyên

12/10/2017 00:00

(TN&MT) – Câu chuyện dân vận ở miền núi sẽ bằng không nếu không có ai nêu gương, làm mẫu đi đầu trong việc đưa khoa học kĩ thuật vào áp dụng sản xuất nông, lâm. Trên chặng đường đi tìm “cây con” đó phải có những con người biết ước mơ, dám nghĩ, dám làm… Và những con người tiên phong ấy chính là những “hạt giống đỏ” trên miền đất khát Điện Biên.

Tận dụng diện tích bãi bồi ven sông Nậm Rốm, ông phát triển cây ăn quả đem về thu nhập cho gia đình ông Quàng Văn Phích trên 300 triệu đồng/năm.
Tận dụng diện tích bãi bồi ven sông Nậm Rốm, ông phát triển cây ăn quả đem về thu nhập cho gia đình ông Quàng Văn Phích trên 300 triệu đồng/năm.

Về “bản” Hà Nội tìm giống cây

Xuôi dòng Nậm Rốm, ngôi nhà sàn mái lợp đá đen là nhà của ông Quàng Văn Phích, hội viên Người cao tuổi đội 13, xã Noong Luống, huyện Điện Biên lọt thỏm giữa tán cây có nét gì đó thâm u, tĩnh mịch hệt như cảnh trong phim tàu của một hảo hán nào đó đi ở ẩn.

Ông cụ sức vóc rắn giỏi đang vác đám lau, sậy chống cho cây bưởi, thấy chó sủa ông lên tiếng: Xệ… vào nhà đi, chó không cắn đâu.

Mặt trời con sào, ông cụ người Thái tên Phích, kể về đời mình cho tôi nghe: Trước tôi làm công tác tuyên huấn, năm 1997 thì nghỉ…ở nhà chăn trâu và nuôi gia đình. Chẳng hiểu sao, trâu đang to khỏe, sức vóc, đùng cái lăn ra chết. Tôi lại chuyển sang nuôi dê. Dê nuôi nhốt thì không được, nuôi thả thì phá mùa mang cây cối của người ta… Tôi lại chuyển sang trồng rừng, nhưng lại không có đất. Bao nhiêu năm cứ quẩn quanh với mớ bòng bong ấy không tìm ra lối thoát, người tôi lúc nào cũng như lên cơn sốt.

Mãi đến năm 2005, tôi làm đơn xin xã, huyện thì được giao cho 60ha đất rừng tại đội 13, xã Noong Luống để khoanh nuôi bảo vệ. Có đất rồi thì dựng một túp lều lấy chỗ nghĩ chân khi làm nương mệt nhọc…

Năm 2007, tôi bạo gan vay 50 triệu đồng từ ngân hàng để mua 1.000 gốc bưởi, vải, nhãn, xoài về trồng. Cả tháng trời cùng vợ con lăn lóc trên nương đào hố trồng cây. Ngày trồng được bao nhiêu cây thì ghi lên vách gỗ để vợ con thấy để mà cố gắng và cho phẩn khởi. Trồng xong, vợ chồng con cái lại khuân chở phân trâu, phân bò lên nương bón cho cây... Mùa mưa phân rại ra cỏ lên nhanh như lúa bón thúc. Các cháu nhà tôi lại thay phiên nhau phát.

3 năm sau, vườn cây cho ra bói. Con lớn, con bé đòi may sắm khi vụ đầu thu hoạch. Tôi cũng định bụng tiền thu bán quả của các năm sau tích cóp lại để cất lại ngôi nhà. Ai dè… Bao công sức đổ công đổ bể. Cây ra trái nhưng toàn trái chua, hạt to lô lố, quả thì bé tí, bán không ai mua, mang về ăn mà thấy xót lòng.

Buông chén nước, ông Phích bực bội: Tôi mua giống của mấy thằng chuyên đi bán cây giống dạo ở các bản. Tôi hỏi giống thế nào nó nói chắc nịch: “quả to và ngọt lắm, ông cứ mua đi”.

- Cuối cùng thì sao ông? - tôi hỏi – Còn sao nữa. Chặt đi mà trồng cây khác chứ làm sao.

Ông Phích ngừng giây lát rồi kể tiếp: Tôi bàn với vợ bán con trâu to nhất lấy tiền về xuôi. Mà xuôi ở đâu tôi cũng chưa hình dung ra được chỉ biết lên xe đêm xuôi về Tuần Giáo, qua đèo Phạ Đin rồi đi tiếp…

Rồi ông Phích đột nhiên phá lên cười thành tiếng: “Hôm xuống bản Hà Nội, Phà ôi… Người ở đâu về nhiều như con mối. Người lái xe ôm chở tôi đi, cứ đi, cứ đi… mà không biết Trường Nông nghiệp bán giống cây ở chỗ nào, phải gần một tiếng từ bến xe Mỹ Đình mới tới.

Sau khi ở “bản” Hà Nội về, tôi mang theo 20 gốc bưởi Diễn mà tôi buồn vui lẫn lộn. Đến nơi tôi chặt bỏ một số gốc cây trồng trước kia để trồng giống bưởi mới. Tôi tin báo, đài nên cứ mạnh dạn. Sau 5 năm bưởi ra quả, tôi hái quả to nhất về ăn… Ngon thật.! Vừa ăn tôi vừa khóc…

Sau tôi quyết tâm chặt hết gần 1.000 gốc cây ăn quả đang ra vụ 2 mà trướ kia mua phải giống bưởi chua, nhìn chúng đang lớn mơn mởn mà phải chặt. Tiếc! Tiếc thật..! Giờ thì vườn của tôi đã có trên 400 gốc bưởi Diễn, vụ vừa rồi thu hơn 1 vạn quả, mỗi quả bán 30 nghìn đồng. Ai ăn quả thấy thích lại hỏi giống về trồng nên mình cũng chiết cành để bán, kiếm thêm thu nhập, cũng là để giống bưởi này có nhiều cơ hội phát triển hơn trên mảnh đất Điện Biên. Đấy tôi làm kinh tế chỉ có thế thôi... – Ông Phích giãn chân mày kể.

Cắt ngang câu chuyện của chúng tôi, người đàn ông có khuôn mặt chữ điền đưa cho ông Phích giấy mời của UBND huyện Điện Biên tham dự hội  nghị gương hội viên làm kinh tế giỏi năm 2017.

Hỏi ra mới biết người đàn ông vừa đến tên Lò Văn Vương, Chủ tịch Hội người cao tuổi, xã Noong Luống. Ông Vương kể: Ông Phích là người đầu tiên của xã đưa giống bưởi miền xuôi về trồng ở đây. Ăn ngon, bán có tiền, nên dân bản đua nhau về mua giống.

Nghe qua câu chuyện làm giàu của ông Quàng Văn Phích đúng là chỉ có thế. Nhưng tôi hiểu rằng để có được thành công như ngày hôm nay, ông Phích và vợ con ông đã phải trải qua rất nhiều khó khăn vất vả. Hoa thơm, quả ngọt nào không phải đổ mồ hôi.

Thời gian tới, ông Phích sẽ phát triển các loại giống cây ăn quả lên khu vực đất đồi.
Thời gian tới, ông Phích sẽ phát triển các loại giống cây ăn quả lên khu vực đất đồi.

Chắp cánh cho "hạt vàng xứ Mường Trời"       

“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Cánh đồng Mường Thanh cho hai vựa lúa xứ “Mường Trời” thành danh với thương hiệu gạo tám Điện Biên. Thế nhưng, hầu hết nông dân vẫn sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, tự tìm thị trường cho sản phẩm, tiêu thụ dựa vào thương lái, thương hiệu gạo Điện Biên nhiều lúc cũng bị “lung lay” và giảm dần uy tín.

Ôm ấp trong mình ý tưởng sản xuất lúa gạo sạch Điện Biên từ lâu, nhằm đưa nông sản Điện Biên có giá trị cao hơn về chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng hoá cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước. Nhưng đến năm 2010, chị Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm sinh thái Điện Biên, mới lấy quyết tâm và dồn hết tâm huyết để thực hiện trồng cấy lúa “sạch” bằng phân hữu cơ vi sinh, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm để sản xuất ra các dòng sản phẩm chất lượng cao, an toàn, dòng sản phẩm sứa bột gạo lứt Điện Biên. Nâng giá trị hạt gạo Điện Biên lên gấp 10 lần. Nếu mỗi ki lô gam gạo Điện Biên bán trên thị trường dao động từ 12 – 14 nghìn đồng thì sản phẩm bột gạo lứt Điện Biên nguyên chất có giá bán 120 nghìn đồng/kg; giá trị hạt gạo đã được nâng lên gấp nhiều lần.

Nhớ lại những ngày đầu gian nan lập nghiệp, chị Lộc chia sẻ: "Năm đầu tiên, mình vận động được một số hộ của các xã Sam Mứn, Thanh Trường, Thanh Yên, Thanh Minh... huyện Điện Biên tham gia trồng thử nghiệm khoảng 3ha giống lúa DT39 Quế Lâm, sử dụng hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ vi sinh. Do mới thử nghiệm nên sản lượng chưa đạt được như mong muốn, nhưng bù lại chất lượng hạt gạo thì tương đối tốt, đạt tiêu chuẩn sạch và an toàn."

Người chắp cánh cho thương hiệu gạo lứt Điện Biên
Người chắp cánh cho thương hiệu gạo lứt Điện Biên

Bà Trần Thị Tâm, một người dân phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ sau khi dùng thử sản phẩm của Chị Lộc liền “liều mình” vay tiền góp vốn để gây dựng thương hiệu sản phẩm. Toàn bộ diện tích ruộng của gia đình cũng chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh.

“Chẳng biết vì sao tôi lại liều như thế, chỉ biết là mình rất thích sản phẩm và mong muốn nó được mở rộng. Thời điểm đó, chúng tôi đâu biết gì về phân hữu cơ vi sinh, nên chị Lộc phải mất rất nhiều thời gian và công sức đi vận động các hộ tham gia sử dụng phân bón vi sinh và giống do mình cung cấp. Có những lúc chị Lộc đã phải trực tiếp đi đến từng khoảnh ruộng, đến từng nhà dân để vận động, thuyết phục, bà con tham gia.” – bà Tâm, chia sẻ.

Giai đoạn 2010 – 2013 là quãng thời gian khó khăn nhất trong quá trình khởi nghiệp, chị Lộc đã phải bươn trải xoay sở đủ cách để trụ bám được với đam mê. Có lúc bị tư thương ép giá, chị phải mua thóc của người dân cao hơn thị trường 10%...

 “Mình không nhớ nổi đã đi bao nhiêu chuyến xe từ Bắc vào Nam để học hỏi công nghệ chế biến các sản phẩm từ hạt gạo lứt Điện Biên. Rồi sau đó, nhiều chuyến hàng phải gửi từ Điện Biên vào tận T.P Hồ Chí Minh để tạo sản phẩm. Chỉ tính riêng chi phí nguyên liệu cho những lần thử nghiệm làm sản phẩm và khấu trừ sản phẩm chưa được như mong muốn, tính ra lỗ cả tỷ đồng. Điều đó làm mình thấy run sợ.” - Chị Lộc kể.

Giai đoạn đầu nghiên cứu chị Lộc đã phải bỏ ra 20 tấn thóc để làm thử nghiệm. Gần 10 năm cùng các nhà khoa học nghiên cứu và thử nghiệm, đến nay bộ sản phẩm bột sữa gạo lứt Điện Biên mới đảm bảo về chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế  ISO 22000: 2007  cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể người ở mọi lứa tuổi; từ trẻ sơ sinh cho đến người béo phì giảm cân, người già, người có chế độ ăn kiêng.

Thực tế, giá trị dinh dưỡng lớp cùi của gạo lứt có trên 120 chất chống ô xy hoá tự nhiên, chúng có thể bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi bị xâm hại bởi các gốc tự do; điều chỉnh được hàm lượng glucose trong máu ở những người bị bệnh đái tháo đường; làm giảm cholesterol và phòng ngừa bệnh tim mạch; Tăng hệ miễn dịch của cơ thể nhằm phòng chống các bệnh thoái hoá và chặn đứng hiện tượng lão hoá sớm... Sản phẩm sữa bột gạo lứt Điện Biên đã có chỗ đứng ở thị trường tại một số tỉnh thành trong nước, như: Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh… hệ thống chuỗi siêu thị, tập Đoàn khách sạn Mường Thanh và là sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu đầu tiên của tỉnh Điện Biên xuất khẩu ra nước ngoài: Lào, Trung Quốc và Nhật Bản,…

Trước mắt, với chị Lộc và tập thể Công ty vẫn chưa hết khó khăn về vốn để đầu tư sở sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Thời gian tới Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy với công suất 600 đến 800 tấn sản phẩm/năm; xây dựng chu trình khép kín từ cung cấp giống, phân bón kỹ thuật canh tác đến thu hoạch lúa sinh học. Dự kiến sẽ liên kết với 80 hộ gia đình tại xã Thanh Minh (thành phố Điện Biên Phủ) với tổng diện tích khoảng 50ha để sản xuất các giống lúa sạch, chất lượng cao và tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương. Mục tiêu của chị Lộc không chỉ dừng lại ở việc liên kết chuỗi sản xuất sản phẩn “sạch” từ hạt gạo, bao tiêu nông sản, bảo vệ quyền lợi cho người nông dân mà hướng tới bảo vệ được môi trường, bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm do người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, chia sẻ: Điện Biên luôn mong muốn sữa bột gạo lứt Điện Biên sẽ là một sản phẩm mang thương hiệu Điện Biên giống như sữa Mộc Châu; thương hiệu gắn liền với tên tỉnh. Tỉnh cũng đồng ý chủ trương cho đơn vị này mở rộng quy mô sản xuất, cấp cho 4ha đất tại bản Púng Tôm, xã Thanh Minh để đơn vị này xây dựng nhà máy.

Có lẽ, câu chuyện về thế hệ trẻ và người cao tuổi phát triển kinh tế gắn bó với mảnh đất Điện Biên xưa nay không hiếm. Nhưng có một điểm chung, họ đều là những con người có nghị lực, khát khao làm giàu từ mảnh đất được sinh ra. Chúng tôi đi nhiều nơi, đặt chân lên nhiều vùng... Nhưng có lẽ, những gương làm giàu trên mảnh đất viễn biên xa sôi diệu vợi này luôn lay động nhất. Mỗi lần kể về họ là tôi lại biết thêm một “hạt giống” đang cố gắng nảy mầm trên vùng đất sỏi, ba zan... Trong thực tế, có nhiều bài học kinh nghiệm về dân vận; có người được dân vận, nhưng cũng có người lại tự mình “vận dân”... Đó là cái đích cho công cuộc dân vận Đảng mà Điện Biên cần cổ súy, nhân rộng trong tương lai.

Trần Hương - Hà Thuận

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hạt "giống đỏ" trên miền đất khát: Lặng thầm... cao nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO