Rừng Điện Biên Đông trở nên trơ trụi, loang lổ |
Chiều, cánh đồng Mường Thanh vừa cày xong, những lát đất nằm nghiêng màu nâu gụ, tựa vào nhau đợi nắng lên dầm mình trong cơn ải. Đất đã nuôi sống bao thế hệ người đồng bào dân tộc nơi đây. Bao đời nay đồng bào Tây Bắc đã lập làng, dựng bản hình thành nên bản quán. Họ sống nhờ vào đất, vào rừng… Nhưng chẳng biết từ khi nào con người đã biết bội bạc với đất, trở mặt với rừng. Và câu chuyện trả - vay cũng hình thành từ đó: “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.
Già làng Lò É, ngoài 90, mái tóc như cước chỉ tay về cuối dòng Nậm Rốm: Phà uôi...! Chỗ này ngày xưa người tây nhảy dù xuống như con nhện, mang theo súng ống các cái… đất chỗ mình đang đứng đây cầy xới liên tục. Chỗ này, chỗ kia… đâu đâu cũng thấy thùng vũng, khói thuốc bay mịt mùng. Cánh đồng Mường Thanh khi ấy bé tí, cỏ lác, cỏ lau mọc đầy. Mấy năm trở lại đây, người đông lên, đất trật lại, Nhà nước xây mương máng, cán bộ đưa giống má, kĩ thuật, cải tạo ruộng đất, canh tác tăng vụ; giờ thửa mới liền thửa, ruộng nọ nối ruộng kia. Trước chỗ nào thuận thì bà con làm, chỗ nào xấu bỏ cỏ mọc tràn.
Già làng É nhát gừng: Đất ở đây còn tốt, chưa bạc màu như đất ruộng miền xuôi.
Rồi Già É chỉ tay về những ngọn đồi tinh cây chó đẻ: Trước ngọn núi Pu Lau kia toàn cây gỗ to, mấy người ôm không suể, thời chiến bắn nhau bộ đội mình chạy dạt cả vào đấy núp, phục kích, mai phục... Dân bản giấu quân ta ở đấy bao nhiêu ngày tháng mà không bị phát hiện nhờ có rừng cây. Rồi chiến tranh kết thúc, người ta lấy gỗ làm nhà, lấy gỗ đi bán, lấy gỗ tặng nhau… lấy hết cây to, còn cây nhỏ thì dân bản phát rẫy làm nương… Cứ thế, cứ thế… chẳng cây nào mọc kịp. Thế là hết rừng.!
Tình trạng phá rừng làm nương rẫy tại Mường Nhé đang rơi vào “báo động đỏ” |
Già É, rót nước vào chiếc chén sứt quai, chua xót: Có khi đêm trước rừng còn xanh, sáng hôm sau cả cánh rừng đã ngã… Người ta phát rẫy làm nương, mỗi khoảnh nương chỉ canh tác được 3 vụ lúa là đất bạc màu, lại đi tìm chỗ khác,… Ngày xưa, Nhà nước có khoán rừng, chia đất gì đâu. Ai thích chỗ nào mang dao làm dấu vào thân cây. Tháng 11, 12 thì hạ cây, làm đất và đến khi nào nghe thấy tiếng con chim “bắt cô trói cột” hót thì vụ nương mới lại bắt đầu.
Tan ấm trà, quá Ngọ rồi mà câu chuyện của Già É dường như vẫn chưa chưa vơi.
Theo thống kê của Ban Kiểm kê rừng Điện Biên (giai đoạn 2014 -2016) tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh này chiếm 38,5%, thấp nhất toàn khu vực. Rõ ràng câu chuyện mất rừng của Điện Biên là yếu tố then chốt dẫn đến việc “sa mạc” và hoang hóa đất trồng ở Điện Biên.
Ngoài yếu tố địa hình có độ dốc cao, chia cắt phức tạp thì tỷ lệ che phủ rừng thấp... là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ hoang hóa đất trồng; mưa làm lượng mùn bị rửa trôi, cuốn theo phù sa màu mỡ, trơ lại đất rắn và đất sỏi ruồi. Nên việc canh tác của người dân vì thế mà ngày càng trở nên khốn khó và gây ra nhiều hệ lụy môi trường...
Những khoảnh nương lúa mọc lên khi những cánh rừng “ngã” xuống |
Tháng 6, Điện Biên bắt đầu đón những cơn mưa đầu hạ tầm tã. Nước từ trên cao dội xuống đục ngầu, đỏ lòm như mắt quỷ. Lũ kéo theo đất đồi “lôi tuột” thẳng xuống chân, vùi lấp tất thảy những gì con người dày công kiến tạo, những mương phai, hệ thống thoát nước tưới tiêu phá hủy hoàn toàn... Từ đó, hàng nghìn mét khối đất đổ xuống lòng đường, nhiều héc – ta nương rẫy bị sụt sạt, xói mòn, rửa trôi màu mỡ. Và câu chuyện hoang hóa đất trồng không còn là lời cảnh báo.
Đất nước đã nghèo lại thêm nghèo, Điện Biên đã nghèo lại thêm khốn khón khi ngân sách phân bổ hàng năm phải dành một khoản tiền không nhỏ dành cho công tác phòng chống thiên tai bão lũ, tìm kiếm cứu nạn. Thiên tai thì chẳng ai mong muốn, nhưng lỗi do con người gây ra, cộng hưởng với sự tàn phá của thiên nhiên thì đó chẳng phải là chúng ta đang sống bên cạnh lời nguyền của đất, của rừng của câu chuyện trả - vay (?!). Chẳng phải ngẫu nhiên mà rừng Điện Biên biến mất chỉ còn lại 38,5%.
Hiện, Điện Biên có trên 5.100ha cây cao su, nhưng chưa mang lại cho đồng bào đời sống no đủ và sung túc. Vẫn còn rất nhiều diện tích đất đồi của đồng bào hiện đang bị bỏ hoang vì đất đã bạc màu. Để thay đổi tư duy, đổi thay cách làm sáng vác dao lên rừng xả cây, chiều về lại xách can lên tận thung khe lấy nước của người dân vẫn còn là bài toán khó.
Nhưng khó không có nghĩa là không làm được, nếu những người ngồi trên chiếc ghế trách nhiệm gỡ khó thay vì kêu khó... coi công tác dân vận không chỉ dừng lại ở các Hội và các Ban Dân vận… mà xác định đó là công việc của từng cán bộ đảng viên. Khi ấy, mới hy vọng phần nào làm đổi thay tư duy, nhận thức của người dân. Và câu chuyện dân vận ở miền núi sẽ bằng không nếu không có người nêu gương, làm mẫu. Chẳng có cán bộ dân vận tài tình nào làm thay đổi được họ ngoài bài học thực tế: họ phải được trải nghiệm, được tham gia và vượt lên trên tất cả bản thân họ phải có khát khao làm giàu chính đáng trên chính những mảnh đất sỏi ruồi... Lẽ đó mà cần có những con người biết thắp sáng niềm tin.
Trần Hương – Hà Thuận