Những điều cần biết về sạt lở đất trên thế giới và Việt Nam
(TN&MT) - Sạt lở đất là một trong những loại hình thiên tai rất nguy hiểm, có thể xảy ra ở những nơi mà chúng ta không ngờ tới. Mỗi năm, sạt lở đất cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người trên thế giới và gây thiệt hại hàng tỷ đô la. Hiểu biết về thời gian, địa điểm và nguyên nhân xảy ra sạt lở đất có thể giúp chúng ta giảm nguy cơ “sống chung” với những hiểm họa tự nhiên này.
Sạt lở đất là gì? Dấu hiệu nhận biết như thế nào?
Theo định nghĩa của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) và Cơ quan Khảo sát địa chất Anh (BGS), sạt lở đất là sự dịch chuyển khối lượng lớn vật chất như đất, đá hoặc mảnh vụn, xuống một độ dốc. Khi trọng lực tác động lên một sườn dốc vượt quá lực cản của sườn dốc, sườn dốc sẽ bị trượt và xảy ra sạt lở. Hiện tượng này có thể xảy ra bất ngờ hoặc từ từ trong thời gian dài.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy. Một số dấu hiệu giúp sớm nhận biết nguy cơ xảy ra sạt lở đất gồm: mưa nhiều ngày/mưa lớn; có vết nứt trên tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, màu nước sông, suối từ trong chuyển thành đục...; mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, có âm thanh lạ trong lòng đất.
Sạt lở đất có những dạng nào?
Theo USGS, thuật ngữ sạt lở bao gồm 5 dạng dịch chuyển theo độ dốc: sụt lún, lật, trượt, lan rộng và chảy. Trong khi đó, BGS phân loại sạt lở thành 4 dạng: sụt, lật, trượt (quay tròn và tịnh tiến) và chảy.
Nguyên nhân gây sạt lở đất?
Có 3 nguyên nhân chính gây ra sạt lở đất gồm: Địa chất, hình thái và hoạt động của con người.
Địa chất ở đây là các đặc tính của vật chất. Đất hoặc đá có thể yếu hoặc nứt nẻ, hoặc các địa tầng khác nhau có thể có độ cứng và độ bền khác nhau.
Hình thái đề cập đến cấu trúc của đất. Chẳng hạn, các sườn dốc bị mất thảm thực vật do cháy hoặc hạn hán sẽ dễ bị sạt lở hơn. Thảm thực vật giữ cho đất không bị xô lệch; và nếu không có hệ thống rễ cây, bụi rậm và các loại thực vật khác, đất có nhiều khả năng bị trượt đi.
Các hoạt động của con người như nông nghiệp và xây dựng có khả năng làm tăng nguy cơ sạt lở đất. Tưới tiêu, phá rừng, đào xới và rò rỉ nước là một số hoạt động phổ biến có thể gây mất ổn định hoặc làm suy yếu độ dốc của đất.
Sạt lở đất thường xảy ra ở những địa điểm nào?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sạt lở đất có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới và nó có thể lan rộng hơn bất kỳ hiện tượng địa chất nào khác. Chúng xảy ra khi khối lượng lớn đất, đá hoặc mảnh vụn di chuyển xuống dốc do hiện tượng tự nhiên hoặc hoạt động của con người.
Một số khu vực dễ bị sạt lở nhất gồm: Nơi có địa hình dốc, bao gồm các khu vực thấp nhất của hẻm núi; vùng đất từng hứng chịu cháy rừng; vùng đất đã bị biến đổi do hoạt động của con người, chẳng hạn như phá rừng hoặc xây dựng; các con kênh dọc theo suối hoặc sông.
Sạt lở đất để lại những hậu quả gì?
Sạt lở đất có thể gây ra tỷ lệ tử vong và thương tích cao do nước và mảnh vụn chảy xiết. Mỗi năm, thế giới ghi nhận hàng nghìn người thiệt mạng do sạt lở đất. Tại Mỹ, con số này rơi vào khoảng 25-50 người/năm. Nguyên nhân tử vong phổ biến nhất trong các vụ lở đất là chấn thương hoặc ngạt thở do mắc kẹt.
Sạt lở đất cũng có thể ảnh hưởng lớn đến hệ thống y tế và các dịch vụ thiết yếu như nước, điện hoặc đường dây thông tin liên lạc.
Đường điện, nước, khí đốt hoặc nước thải bị hỏng có thể gây ra thương tích hoặc bệnh tật cho người dân chịu ảnh hưởng của sạt lở đất. Những người bị ảnh hưởng bởi sạt lở cũng có thể gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần trong thời gian ngắn hoặc kéo dài do bị mất gia đình, tài sản, gia súc hoặc mùa màng.
Những gì cần chuẩn bị khi sống trong khu vực có nguy cơ lở đất?
Lở đất thường xảy ra tại khu vực chúng từng xuất hiện. Hãy tìm hiểu nguy cơ sạt lở trong khu vực bạn đang sống.
Tìm hiểu kế hoạch ứng phó và sơ tán trong trường hợp khẩn cấp của địa phương.
Trao đổi với mọi thành viên trong hộ gia đình mình về những việc phải làm nếu xảy ra lở đất.
Xây dựng và diễn tập kế hoạch sơ tán cho gia đình và công ty của mình.
Tạo và duy trì một bộ dụng cụ chuẩn bị đối phó với trường hợp khẩn cấp.
Làm quen với vùng đất chung quanh nơi bạn sinh sống và làm việc để nắm được nguy cơ có thể xảy đến với bản thân trong các tình huống khác nhau.
Quan sát kiểu thoát nước mưa trên sườn dốc gần nhà, đặc biệt là khi nước nhập dòng.
Phải làm gì nếu xảy ra lở đất hoặc có khả năng xảy ra lở đất?
Nếu nghi ngờ có nguy hiểm sắp xảy ra, hãy sơ tán ngay lập tức. Nếu có thể, hãy thông báo cho những người hàng xóm cũng có thể chịu ảnh hưởng của sạt lở. Ngoài ra, bạn cần báo tin cho các nhà chức trách địa phương, cơ quan phòng chống thiên tai...
Lắng nghe xem có âm thanh bất thường cho thấy các mảnh vụn đang di chuyển hay không, chẳng hạn như tiếng gãy cây hoặc đất đá va vào nhau.
Nếu ở gần một dòng chảy hoặc kênh rạch, bạn cần cảnh giác trước sự tăng hoặc giảm đột ngột của dòng nước, đồng thời chú ý màu nước có đổi từ trong sang đục hay không. Những thay đổi như vậy có thể là dấu hiệu của tình trạng mảnh vụn trôi trên thượng nguồn. Trong tình huống này, hãy sẵn sàng di chuyển nhanh chóng.
Đặc biệt cảnh giác khi đang lái xe và quan sát các dấu hiệu như vỉa hè bị hư hại hay bùn, đá bất ngờ rơi xuống.
Nếu được yêu cầu hoặc quyết định sơ tán, hãy mang theo vật nuôi của bạn.
Phải làm gì sau khi xảy ra sạt lở đất?
Tránh xa khu vực lở cho đến khi các quan chức địa phương tuyên bố việc vào khu vực là an toàn.
Theo dõi tin tức khẩn cấp mới nhất trên các phương tiện truyền thông của địa phương.
Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ lụt sau sạt lở.
Kiểm tra xem có người và động vật bị thương và mắc kẹt gần khu vực sạt lở hay không, nhưng không được vào khu vực này. Hãy chỉ cho lực lượng cứu nạn vị trí của những nạn nhân.
Giúp những ai cần sự hỗ trợ đặc biệt.
Báo cáo cơ quan chức năng nếu dịch vụ điện, nước,... bị hỏng.
Kiểm tra nhà ở và khu đất chung quanh có bị hư hỏng gì không.
Nhanh chóng trồng lại cây trên khu đất bị thiệt hại bởi vụ sạt lở ngay khi có thể vì xói mòn do mất lớp đất phủ có thể gây ra lũ quét.
Ước tính từ năm 1998 đến năm 2017, sạt lở đất ảnh hưởng đến khoảng 4,8 triệu người và khiến hơn 18.000 người thiệt mạng. Theo WHO, biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng sẽ gây ra nhiều vụ lở đất hơn, đặc biệt là ở các khu vực miền núi có băng tuyết. Khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy, các sườn núi đá có thể trở nên không ổn định dẫn đến sạt lở đất.