Xã hội

Những “cột mốc sống” nơi biên cương

Thanh Tâm 29/04/2023 - 11:36

(TN&MT) - Chẳng vì mưu cầu lợi ích, những người con đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Mường Lát nối tiếp truyền thống cha ông, đã dành cả tuổi xuân trông coi, bảo vệ cột mốc. Họ thể hiện tình yêu đất nước bằng cách góp một phần công sức nhỏ bé bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trách nhiệm không của riêng ai…

Trong câu chuyện với lãnh đạo Đồn Biên phòng Quang Chiểu, cán bộ Đồn Biên phòng nhắc nhiều về những tấm gương bảo vệ cột mốc, đường biên, những thế hệ đi trước, tình nguyện bảo vệ cột mốc như cụ Lâu Văn Hự ở bản Pù Đứa, cụ Phan Định Xiết ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu đã dành gần như cả cuộc đời để trông coi, bảo vệ cột mốc 304 và 287. Đây là hai cột mốc xa nhất, đường hiểm trở nhất do Đồn Biên phòng Quang Chiểu quản lý. Hai cụ chẳng quản nhọc nhằn, tháng hai lần băng rừng lội suối hàng chục km lên kiểm tra, quét dọn, phát quang xung quanh cột mốc, báo cáo lại tình hình với đồn biên phòng. Hai cụ trở thành tấm gương điển hình của người công dân yêu nước không bằng những lời nói hoa mỹ mà bằng hành động cụ thể. Theo lời kể của con trai hai cụ, cho tới trước khi mất, hai cụ vẫn đau đáu nỗi lo, đôi mắt vẫn không thôi hướng về rừng - nơi đã gắn bó với cả cuộc đời và là một phần máu thịt không thể tách rời. Hai cụ không quên dặn con trai phải tiếp tục truyền thống của gia đình.

10-2.jpg
Cột mốc 304 là cột mốc xa, đường hiểm trở nhất mà Đồn Biên phòng Quang Chiểu quản lý.

Những thế hệ nối tiếp cụ Hự, cụ Xiết còn có cụ Chẹo Văn Sụ - người dân tộc Dao ở bản Con Dao, xã Quang Chiểu. Ông Sụ là già làng, trưởng bản tình nguyện bảo vệ cột mốc 288, 289, 290.

Dẫn chúng tôi tới thăm nhà cụ Chẹo Văn Sụ là Trung tá Nguyễn Văn Lương, Đội phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Quang Chiểu. Trung tá Lương đã công tác ở Đồn Biên phòng Quang Chiểu 34 năm, trải qua nhiều gian truân cùng với các cụ để bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Anh nắm rõ địa bàn, nhớ cung đường lên từng cột mốc. Ngày ấy, từ trung tâm Đồn vào bản Con Dao mất cả nửa ngày đường đi bộ, anh thường vào bản từ chiều tối, ngủ lại nhà cụ Sụ. Gà vừa gáy canh ba, vợ cụ Sụ đã dậy thổi cơm, nắm thành từng nắm để anh và cụ vượt đường rừng lên kiểm tra cột mốc. Cung đường quen thuộc dài gần 7km ấy, không có dấu chân người qua, anh và cụ với con dao gắm trên tay phát quang lấy lối đi.

Trong ký ức của anh, khó khăn nhất là quá trình xây dựng cột mốc năm 2015, thời điểm đó chưa có đường bê tông vào bản, việc vận chuyển nguyên vật liệu vào bản rất khó khăn. Nhưng cực khổ nhất là việc chuyển vật liệu từ bản vào các vị trí xây dựng cột mốc. Đường rừng trơn trượt, phải tự mở đường để lên. Từng người dân trong bản góp công, góp sức hỗ trợ với lực lượng biên phòng cõng từng bao xi măng, từng gùi đá, gùi cát.

Cụ Sụ kể lại, thời điểm xây dựng cột mốc khổ lắm, phụ nữ trong bản thì xuống suối lấy cát với nấu cơm cho các tổ thợ thi công ăn. Còn đàn ông trong bản được huy động để giúp bộ đội vận chuyển vật liệu vào trong rừng. Không có đường, phải tự phát cây rừng tạo thành lối đi, từng người cõng trên lưng bao xi măng hoặc gùi cát, gùi đá, lấy cây rừng làm gậy. Phải cả ngày mới từ bản vào tới nơi, dù rất mệt nhưng với động lực sớm hoàn thành mốc giới chủ quyền của đất nước, cán bộ Biên phòng và dân cùng động viên nhau cố gắng. Mỗi cột mốc nặng cả tấn, làm từ đá nguyên khối chuyển từ Bình Định ra, lại không có đường mòn nên người dân cùng với bộ đội biên phòng phải làm ròng rọc, hò nhau kéo lên từng đoạn một.

Theo cụ Sụ, quãng đường hơn 7km để tới ba cột mốc phải lội qua suối Xén, suối Nọng Khằm và nhiều quả núi tai mèo. Nhưng khó nhất là lúc trở về, quãng đường dốc đứng khiến đầu gối chùn xuống, trượt ngã là chuyện bình thường. Tháng hai lần đều đặn, cụ một mình lên đường, đùm cơm nắm đi từ tờ mờ sương, tới khi mặt trời xuống núi mới trở về…

Còn đó những khó khăn

Thượng tá Lê Văn Toản - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quang Chiểu cho biết: Đồn Biên phòng Quang Chiểu quản lý 45,2km đường biên giới giáp với nước Lào. Do có nhiều lối mở vì vậy việc đảm bảo an ninh biên giới nhiều khó khăn. Cùng với lực lượng Biên phòng, 19 hộ gia đình, già làng, người có uy tín trong bản tình nguyện trông coi bảo vệ cột mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những năm qua, cả hệ thống chính trị thường xuyên tuyên truyền nên ý thức của người dân về chủ quyền quốc gia, bảo vệ đường biên, cột mốc được nâng cao. Chỉ cần tại bản hay trong quá trình vào rừng mưu sinh có diễn biến bất thường, người dân lập tức báo cáo lại với Đồn. Thế hệ như cụ Xiết, cụ Hự đã mất, những người tiếp nối như cụ Chẹo Văn Sụ và cụ Hà Văn Chiềng là những tấm gương điển hình, nguyện góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

10-3-.jpg
Cụ Chẹo Văn Sụ được Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh khen nhân ngày Biên phòng toàn dân 3/3 vừa qua.

Rời Đồn Biên phòng Quang Chiểu, chúng tôi lại ngược lên Đồn Biên phòng Tam Chung, đến với bản Ón, xã Tam Chung nơi xa và có địa hình hiểm trở nhất mà Đồn đang quản lý. Con đường từ Đồn Biên phòng Tam Chung vào bản dài 19km, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, tuyến đường dẫn vào bản đang trong quá trình thi công nên khúc khuỷu, gập ghềnh. Bản Ón có bốn cột mốc từ 270 đến 274, là bản nghèo nhất của huyện Mường Lát với 110/113 hộ nghèo còn lại là cận nghèo, 100% dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc về sinh sống. Nơi đây từng được biết tới là trọng điểm về buôn bán ma túy qua biên giới, nhiều hủ tục lạc hậu tồn tại. Vì vậy, việc bảo vệ ổn định cột mốc, giữ vững an ninh biên giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Năm 1991, bản Ón chỉ có cột mốc G3 (giờ là 270). Năm 2012, tôn tạo, tăng dày thêm ba cột mốc. 32 năm qua, gia đình anh Giàng A Chìa - người dân tộc Mông thay nhau trông coi, bảo vệ cột mốc. Trước đó là bố anh - ông Giàng A Sềnh. Từ nhỏ, mỗi lần bố đi, anh Chìa thường theo bố lên rừng. Năm 2016, khi bố anh đã ngoài 70 tuổi, anh được giao trọng trách cao cả này. Anh cũng là đảng viên tiêu biểu trong bản, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, tình nguyện bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Anh Giàng A Chìa chia sẻ: “Bố tôi đã 25 năm trông coi bảo vệ cột mốc G3 (nay là 270) mỗi lần bố lên kiểm tra phải đi cả ngày rừng. Khi lớn lên chừng hơn 10 tuổi, tôi thường theo bố. Cũng chẳng hiểu vì sao, cảm giác mỗi lần được chạm tay vào cột mốc nó thiêng liêng lắm. Năm 2012, tăng dày thêm ba cột mốc gồm: 271, 272, 274. Năm 2016, bố cũng già đi, sức khỏe yếu dần, tôi được bố giao trọng trách tiếp tục trông coi, bảo vệ cột mốc. Trong bốn cột mốc thì 271 là đường khó đi nhất, phải vừa đi vừa phát cây rừng. Bản Ón giáp với nước Lào và tỉnh Sơn La, vì vậy, tình hình an ninh rất phức tạp. Mỗi lần vào rừng kiểm tra, tôi thường chủ động quan sát nắm bắt tình hình, nếu có bất thường sẽ lập tức báo cáo với Bộ đội Biên phòng”.

Truyền thống cha truyền con nối bảo vệ cột mốc được gìn giữ từ hàng chục năm nay ở huyện Mường Lát. Những người con đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa thể hiện cách yêu nước bằng hành động thiết thực và ý nghĩa. Cột mốc được coi như là một thành viên trong gia đình, được chăm sóc, bảo vệ như một phần máu thịt thiêng liêng.

Đồn Biên phòng Quang Chiểu, huyện Mường Lát là một trong những đồn có đường biên giới quản lý dài nhất cả nước, với 45,2km đường biên giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Xốp Bâu của nước bạn Lào, 22 vị trí tổng 23 cột mốc từ 283 đến 304. Những năm qua, công tác quản lý cột mốc, bảo vệ đường biên giới ở Đồn Biên phòng Quang Chiểu luôn được đảm bảo, góp phần giữ vững an ninh biên giới quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “cột mốc sống” nơi biên cương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO