Những chính sách mới được nhiều người quan tâm có hiệu lực từ tháng 6/2019

30/05/2019 16:18

(TN&MT) - Trong tháng 6/2019, có rất nhiều chính sách mới có hiệu lực pháp luật được nhiều người quan tâm. Trong đó phải kể đến Nghị định 34/2019/NĐ-CP về cán bộ, công chức cấp xã, Thông tư 41/2018/TT-BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho sinh hoạt mới chính thức có hiệu lực.

Giảm số lượng của cán bộ, công chức cấp xã

Từ ngày 25/6/2019, Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố sẽ chính thức có hiệu lực.

cong chuc xa
Tới đây, số lượng cán bộ, công chức cấp xã sẽ được giảm xuống

Theo Nghị định mới này, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được giảm xuống chỉ còn: Loại 1: Tối đa 23 người (trước đây là 25 người); Loại 2: Tối đa 21 người (trước đây là 23 người); Loại 3: Tối đa 19 người (trước đây là 21 người).

Đối với xã, thị trấn bố trí Trưởng công an xã là công an chính quy thì số lượng cán bộ, công chức nêu trên giảm 01 người.

Số lượng cán bộ, công chức cấp xã bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã…

Ngưỡng giới hạn của clo, sắt, chì trong nước sinh hoạt

Được ban hành từ cuối năm 2018, nhưng từ ngày 15/6/2019, Thông tư 41/2018/TT-BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho sinh hoạt mới chính thức có hiệu lực.

nuoc sach
Chất lượng nước sinh hoạt của người dân sẽ được cán bộ y tế giám sát định kỳ 

Thông tư này đặt ra ngưỡng giới hạn cho phép của một số chất vô cơ có trong nước sạch sử dụng cho sinh hoạt như sau: Clo dư tự do: trong khoảng 0,2 - 1 mg/l; Chì: 0,01mg/l; Đồng: 1mg/l; Nhôm: 0,2mg/l; Sắt: 0,03mg/l; Thủy ngân: 0,001mg/l…

Thông tư này cũng yêu cầu mỗi đơn vị cấp nước phải được ngoại kiểm định kỳ 01 lần/năm và được kiểm tra đột xuất trong các trường hợp như: Khi có nghi ngờ về chất lượng nước; Xảy ra sự cố môi trường; Khi có phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về chất lượng nước…

Say rượu có thể không được lên máy bay

Tại Thông tư 13/2019/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/6/2019, Bộ Giao thông Vận tải cho phép các hãng hàng không có thể từ chối chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác.

Với các trường hợp hành khách bị bệnh tâm thần, việc chấp nhận chở hay không do đại diện hãng hàng không đánh giá và quyết định.

Nếu chấp nhận chở hành khách bị bệnh tâm thần, phải đáp ứng các yêu cầu như có bác sĩ hoặc thân nhân đi kèm có khả năng kiềm chế được hành vi bất thường của khách…

Cũng theo Thông tư này, hành khách được mang tối đa 01 lít chất lỏng lên các chuyến bay quốc tế; dung tích mỗi bình chứa 100ml và phải được đóng kín hoàn toàn.

Săn bắn, giết động vật rừng trái phép bị phạt đến 400 triệu đồng

Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp sẽ được áp dụng từ ngày 10/6/2019.

Nghị định nêu rõ, hành vi săn bắn, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định bị phạt tiền từ 05 - 400 triệu đồng; ngoài ra còn bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung.

Hành vi đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh có thể bị phạt từ 1,5 - 03 triệu đồng.

Các hành vi chặt, đốt, phát cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc… gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép sẽ bị xử phạt đến 200 triệu đồng.

Theo Nghị định này, mức phạt tiền cao nhất đối với cá nhân có các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp là 500 triệu đồng và với tổ chức có cùng hành vi vi phạm là 01 tỷ đồng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chính sách mới được nhiều người quan tâm có hiệu lực từ tháng 6/2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO