Biển đảo

Những “cánh én đưa tin” ra đảo xa

Khương Trung 20/06/2023 - 06:31

(TN&MT) - “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Trong mỗi người Việt Nam, có lẽ ai cũng mơ ước được một lần đặt chân đến nơi đây. Với những nhà báo, phóng viên, niềm khao khát ấy càng mãnh liệt hơn. Họ ra Trường Sa không chỉ để biết thêm một vùng đất của quê hương, một địa danh lịch sử hào hùng mà họ còn làm nhiệm vụ gửi đến độc giả những cảm nhận về nơi ấy bằng những tác phẩm báo chí của mình.

Tháng 4/2023, tôi may mắn được tham gia Đoàn công tác số 3 gồm đại diện nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa. Lần đầu tiên đến với Trường Sa, dù có tìm hiểu qua những đồng nghiệp đi trước nhưng tôi vẫn không khỏi lo lắng, băn khoăn trước hải trình của sóng và gió. Nhưng rồi với sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị em đồng nghiệp, của các cán bộ, chiến sĩ hải quân trên hải trình KN491, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, tự hào được là “cánh én đưa tin” ra Trường Sa.

“Điểm tựa” nơi biển xanh

Đoàn công tác số 3 chúng tôi được sắp xếp đến thăm các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Đông A, Trường Sa và Nhà giàn DK1/12 (Tư Chính) với tổng thời gian đi và về chỉ có 6 ngày, lịch làm việc dày đặc. Với thời tiết khắc nghiệt, các nhà báo vừa phải giữ sức khỏe chống chọi với việc say sóng, vừa phải lo bảo quản máy móc, thiết bị vì hơi nước biển mặn dễ làm hư hỏng thiết bị tác nghiệp, chưa kể dễ bị va đập. Tuy nhiên, với người làm báo thì ai cũng tận dụng từng khoảng thời gian ít ỏi trên đảo để ai cũng có được những khoảnh khắc đẹp về những hoạt động của cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo, nhà giàn, từ đó có thể truyền tải được những tác phẩm sâu sắc, trung thực nhất tới nhân dân cả nước, tới những đồng nghiệp chưa có dịp được đến Trường Sa.

pv-chien-si.jpg
Phóng viên Báo TN&MT tác nghiệp trên đảo Sinh Tồn - Quần đảo Trường Sa

Đến với Trường Sa, thách thức lớn nhất đặt ra đối với các phóng viên là phải tìm ra đề tài mới. Cuộc sống, luyện tập bảo vệ hải đảo của quân dân trên quần đảo Trường Sa dường như đã được các đồng nghiệp đi trước khai thác kỹ, nếu không có sự chuẩn bị thì quá trình tác nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước khi khởi hành, Đại tá Lê Văn Tuấn - Trưởng phòng Chính sách Cục chính trị Quân chủng Hải quân liên tục họp và phổ biến nội quy với nhóm phóng viên, nhà báo trong chuyến hải trình. Mỗi thành viên đều được tạo điều kiện bằng cách gửi nội dung cần tác nghiệp để các cán bộ chiến sĩ trên đảo hỗ trợ.

Sau khi nghe mong muốn của tôi - phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, tôi được hỗ trợ đưa đến khu vực làm việc để ghi lại quá trình rèn luyện chiến đấu của các chiến sĩ con em dân tộc thiểu số, đặc biệt là đời sống sinh hoạt hàng ngày của các cán bộ ngành khí tượng thủy văn ở trên các đảo để làm nổi bật sự nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, vất vả của những cán bộ ngành khí tượng nơi đảo xa. Nhà báo Lại Bá Hà - Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới (người đã từng đi Trường Sa) cho biết anh sẽ đi cùng tôi để hỗ trợ tôi tác nghiệp. Theo anh, với sức sáng tạo của những người làm báo, các nhà báo sẽ có góc nhìn khác nhau, đề tài về Trường Sa chưa bao giờ dứt mạch cảm xúc với mỗi người làm báo, và sẽ tốt hơn khi mỗi nhà báo sẽ khai thác được chủ đề phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí nơi mình đang công tác.

Chuyến công tác tại Trường Sa đã giúp chúng tôi hiểu hơn cuộc sống của những công dân Việt Nam trên các điểm đảo, nhà giàn giữa biển khơi, đó là những chiến sĩ ngày đêm luyện tập trên thao trường, ôm súng canh giữ biển trời quê hương; đó là những thầy giáo, những y bác sĩ, những ngư dân bám biển, những cán bộ “đếm nắng, đo mưa” của ngành khí tượng thủy văn… Chính họ đã tạo động lực, là “điểm tựa” cho tất cả chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm, làm tốt công việc của mình để thấy trân trọng và yêu quý hơn nghề đã chọn và cũng cảm ơn nghề báo đã cho chúng tôi có được những chuyến công tác nhiều ý nghĩa.

Thổn thức giữa khơi xa

Tác nghiệp ở Trường Sa có lẽ là kỷ niệm nhớ nhất trong mỗi phóng viên, nhà báo khi lần đầu đặt chân lên các điểm đảo. Nhiều người, lúc trên tàu vẫn nằm “lử đử” trên boong vì say sóng, tuy nhiên, khi nghe thông báo sắp đến đảo là ai nấy đều bật dậy, ôm máy quay, máy ảnh, mặc áo phao chuẩn bị khí thế xuống xuồng, gương mặt rạng ngời như trước đó chưa từng bị say sóng, ai nấy đều háo hức và mong muốn được đặt chân lên đảo càng nhanh càng tốt.

Tuy nhiên, ấn tượng nhất, xúc động nhất vẫn là lúc cả đoàn làm Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tại Quần đảo Trường Sa (tại vùng biển, đảo Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma).

11111.jpg
Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma được tổ chức trang trọng. Các thành viên trong đoàn đều xúc động và tưởng nhớ hương hồn các liệt sỹ. Ảnh Đăng Khoa

Với kinh nghiệm của mình, nhà báo Lại Bá Hà nói với tôi “Nếu muốn có được trải nghiệm mới và có được những hình ảnh đẹp, em nên xuống xuồng dự Lễ tưởng niệm giữa ngoài khơi, từ biển khơi nhìn vào tàu KN 491 của mình và chứng kiến các thành viên của Đoàn thả hoa đăng xuống biển, khi đó em sẽ có được những hình ảnh ấn tượng và có những cảm xúc thật nhất…”

Và rồi ở đó, tôi đã vinh dự có được trải nghiệm xúc động trong cuộc đời làm báo của mình, ghi lại được những hình ảnh đầy xúc động trong buổi Lễ tưởng niệm; chứng kiến những giọt nước mắt của những đồng nghiệp đang đứng trên xuồng giữa biển khơi. Trong giờ phút thiêng liêng, xúc động đó, với lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn, tất cả các thành viên của Đoàn công tác xin được tri ân tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ - những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã anh dũng chiến đấu và hiến trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

“Hương trầm quyện gió tỏa quanh

Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương

Sống không mưu lợi tầm thường

Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng.”

Anh Lương Hồng Khoa - Phó Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, dù nhiều lần dự các lễ tưởng niệm nhưng trong giờ phút thiêng liêng giữa biển trời quê hương, đứng trước anh linh các hương hồn liệt sĩ, ở nơi các anh đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, trong anh luôn trào lên những cảm xúc khó tả. Vòng tròn Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao sẽ mãi là biểu tượng bất tử trong trái tim mỗi con người Việt Nam.

“Nơi đây, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988. Sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã thấm đẫm, hòa quyện với từng tấc đảo, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc, tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang của dân tộc, làm sáng lên hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”, làm rạng rỡ trang sử truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Các anh đã đi xa nhưng tên tuổi và khí phách kiên cường vẫn sống mãi với thời gian, mãi mãi đi vào lịch sử, trở thành bản hùng ca bất tử cho chúng ta hôm nay và lớp lớp đời sau ngưỡng mộ, trân trọng, biết ơn, tự hào, học tập và phấn đấu noi theo. Mãi mãi là cội nguồn của sức mạnh tinh thần, nâng bước chúng ta trên chặng đường mới.” - diễn văn tưởng niệm của Chuẩn Đô đốc Trần Ngọc Quyết - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân cũng là tấm lòng của các thành viên trong Đoàn công tác số 3/2023 trên con tàu KN 491 tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Trong suốt hành trình đến với Quần đảo Trường Sa, hành trang theo các nhà báo về là những câu chuyện, bài báo, những tâm tư của các cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên các đảo và nhà giàn gửi tới đất liền. Với các nhà báo, phóng viên, chúng tôi thật vinh dự và hạnh phúc khi là những cánh én đưa tin “mang ra tình cảm, mang về niềm tin” giữa đất liền và với những người đang kiên cường nơi đầu sóng, ngọn gió… Để từ đó, trong mỗi người Việt Nam lại thêm tự hào về quê hương, biển đảo, chúng ta sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “cánh én đưa tin” ra đảo xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO