LEGO mới đây cho biết, hãng sẽ bắt đầu sử dụng các loại vật liệu có nguồn gốc thực vật trong việc chế tạo các mảnh ghép của mình, với lịch tung ra thị trường ngay trong năm 2018. Trước đây, nhựa plastic mà LEGO sử dụng thường được tổng hợp từ acrylonitrile butadiene styrene, có nguồn gốc dầu thô.
Trong khi đó, loại nhựa polyethylene mới sẽ được tổng hợp từ cồn ethanol có nguồn gốc mía đường, bền vững và thân thiện với môi trường hơn. Thay đổi này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người tiêu dùng, bởi lẽ hai loại vật liệu có cùng đặc tính vật lý.
Ban đầu LEGO sử dụng polyethylene gốc thực vật để chế tạo các chi tiết lá, cây bụi hoặc cây đứng trong các bộ ghép hình. Số chi tiết mới chỉ chiếm khoảng 1-2% tổng số mảnh ghép mà LEGO chế tạo. Tuy nhiên, hãng đồ chơi Đan Mạch đặt mục tiêu sẽ sản xuất và đóng gói toàn bộ sản phẩm bằng vật liệu mới kể từ năm 2030.
Song song với những lợi ích mang lại, cần lưu ý rằng, việc chế tạo các mảnh nhựa đồ chơi từ mía đường cũng có những nhược điểm của nó. Việc trồng mía sẽ cần khá nhiều đất nông nghiệp, và đặt ra nguy cơ ảnh hưởng tới diện tích trồng cây lương thực.
Trước đây, việc trồng mía một cách bừa bãi cũng đã gây suy thoái rừng nhiệt đới và vùng ngập nước bờ biển. Vì thế, khi nhu cầu mía tăng cao, hiện tượng diện tích rừng bị suy giảm là điều tất yếu.