Nhớ thời khắc thiêng liêng...

02/09/2019 09:00

(TN&MT) - Dù 74 năm trôi qua, nhưng hình ảnh ngày 2/9/1945 tại Sài Gòn không bao giờ có thể phai mờ trong ký ức của người chiến sỹ thiếu niên tiền phong Nguyễn Trọng Xuất (bí danh Sáu Nhân), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP.HCM, nguyên là Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM.

img70
Ông Nguyễn Trọng Xuất (bí danh Sáu Nhân)

“Độc lập hay là chết”!

“Ngày 2/9/1945, dù chỉ là cậu thiếu niên 14 tuổi, đi theo các anh đoàn viên thanh niên tham gia vào cuộc mít tinh, diễu hành. Tuy vậy, khung cảnh ngày độc lập tại Sài Gòn đã khắc sâu vào tâm trí tôi vì thời khắc đó quá đỗi thiêng liêng và có ý nghĩa vô cùng lớn lao” - ông Nguyễn Trọng Xuất bồi hồi kể.

Chiều 2/9 tại Hà Nội, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra mắt quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập. Còn tại Sài Gòn, Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ quyết định tổ chức một cuộc mit-tinh và diễu hành thật lớn nhằm biểu dương lực lượng toàn dân đoàn kết xung quanh chính quyền cách mạng. Lễ đài lễ độc lập tại Sài Gòn đặt trên đường Nodorom (nay là đường Lê Duẩn), ngay phía sau nhà thờ Đức Bà.

Mặc dù, theo kế hoạch, 14 giờ mới chính thức diễn ra lễ mít tinh, nhưng ngay từ 12 giờ, hàng triệu đồng bào Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ như Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ… đã đổ dồn về gần khu vực lễ đài tập hợp đội hình, mang theo khẩu hiệu “Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm!”, “Đả đảo thực dân Pháp!", “Độc lập hay là chết!”… bằng năm thứ tiếng: Việt, Hoa, Anh, Pháp, Nga.

Đúng 14 giờ, hàng triệu người dân cùng nín thở chờ giây phút được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập phát sóng trên Đài phát thanh Bạch Mai (Đài Tiếng nói Việt Nam). Tuy vậy, do máy móc thiết bị lúc đó còn lạc hậu nên không thể bắt được làn sóng Đài Bạch Mai. Khoảng nửa giờ trôi qua, nhưng vẫn không thể bắt được sóng phát thanh, nhiều người bắt đầu xôn xao, lo lắng…

Lúc đó, ông Trần Văn Giàu, giữ chức Bí thư xứ ủy Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ đã đứng lên đọc lời phát biểu trước hàng triệu đồng bào Nam Bộ. Nội dung bài phát biểu của ông Trần Văn Giàu có 2 nội dung lớn. 

Thứ nhất, nước Việt Nam đã giành độc lập, không còn là nước thuộc địa nữa. Nước Việt Nam đã trở thành nước dân chủ cộng hòa, khác với chế độ quân chủ trước đây. Thứ hai, chúng ta phải cảnh giác, bởi thực dân Pháp đang có âm mưu trở lại, chống lại ách nô lệ lên dân tộc ta. Chúng tìm nhiều cách lật đổ chính phủ dân chủ cộng hòa lâm thời, đặt lại ách thống trị với một tên quan toàn quyền như trước đây.

Sau bài phát biểu của ông Trần Văn Giàu, ông Nguyễn Lưu, Chủ tịch Tổng Công đoàn Nam Bộ đứng lên đọc lời thề “độc lập hay chết”. Nội dung lời thề là: “Nếu Pháp đến xâm lược Việt Nam lần nữa, chúng tôi quyết không tiếp tay cho Pháp, không đi lính cho Pháp, không cung cấp lương thực cho Pháp”. Lời thề hùng hồn đó đã gây xúc động rất lớn trong nhân dân, tạo một khí thế sục sôi. Cả triệu người hô vang xin thề, xin thề, đả đảo thực dân Pháp, ủng hộ chính phủ lâm thời vang dội cả một góc trời, thể hiện ý chí của nhân dân Nam Bộ sẵn sàng đứng lên chống lại quân Pháp.

Phá tan âm mưu tái chiếm trong ngày độc lập

Sau khi tập trung tại khu vực lễ đài, khoảng 15 giờ ngày 2/9/1945, lực lượng cả triệu người dân đã tham gia diễu hành, biểu dương lực lượng trên các tuyến đường trung tâm Sài Gòn. Tôi còn nhớ rất rõ, đội hình diễu hành rất ngay ngắn, được chia ra thành từng lực lượng riêng: thanh thiếu niên, công đoàn viên, giáo viên, bộ đội… Tôi tham gia đoàn thanh thiếu niên, trong tốp đầu tiên của đoàn diễu hành.

Khi một tốp diễu hành vừa qua khỏi khúc quanh Nhà thờ Đức Bà, ở trên lầu của hãng xe Jean Comte (tòa nhà Diamond ngày nay), lính Pháp đã dùng súng bắn xuống khiến hơn 40 người chết và bị thương. Lúc đó, dù tiếng súng chát chúa, nhiều người ngã xuống, nhưng lực lượng cả triệu người vẫn không xáo trộn hàng ngũ, một số anh em được giao nhiệm vụ xông lên bắt sống được gần chục tên lính Pháp.

img66
Đường Lê Duẩn (trước kia là đại lộ Nodorom) là nơi tổ chức sự kiện ngày 2/9/1945 tại Sài Gòn

Việc hàng triệu người không hoảng loạn, đội ngũ diễu hành được giữ vững đã phá tan mưu đồ gây rối của Pháp để tạo cớ cho đồng minh là thực dân Anh đánh chiếm Sài Gòn ngay trong ngày 2/9/1945. Nếu lúc đó, các lực lượng của ta bị xáo trộn, chúng ta nổ súng bắn trả đã bị “dính bẫy” của kẻ địch. Vì vậy, chúng ta có thêm thời gian để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến gian nan, khốc liệt phía trước.

Ngày 2/9/1945 tại Sài Gòn thiêng liêng là thế, đó là ngày, lời thề độc lập của nhân dân Nam Bộ được cất lên, “độc lập hay là chết”, mỗi người phải có ý thức đứng lên chiến đấu bất cứ kẻ thù nào xâm lược để bảo vệ nền độc lập. Đồng thời, chúng ta đã khôn khéo chống lại khiêu khích của Pháp, giữ vững được đội ngũ để tỏ cho thế giới thấy rằng, mình giành được độc lập một cách chính đáng. Khẳng định ý chí yêu hòa bình nhưng kiên quyết không làm nô lệ một lần nữa của nhân dân Nam Bộ nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung…

Khoảng 1 tuần sau ngày 2/9, Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng tải trên các tờ báo yêu nước đã được chuyển tới nhân dân Nam bộ. Một lần nữa, nhân dân Nam Bộ tìm thấy được khát vọng độc lập, tự chủ “không có gì quý hơn độc lập tự do” trong bản Tuyên ngôn độc lập.

Chính khát vọng độc lập ấy là sức mạnh để 21 ngày, sau ngày 2/9, vào đêm ngày 23/9/1945, nhân dân Nam Bộ  đã chính thức bước vào cuộc kháng chiến 9 năm đánh đuổi thực dân Pháp, 21 năm đánh đuổi đế quốc Mỹ và lật đổ chế độ tay sai Ngụy quyền…

Tình yêu, niềm tin và trách nhiệm

Sau ngày 2/9/1945 tại Sài Gòn, ông Nguyễn Trọng Xuất được tổ chức chuyển về Mỹ Tho để theo học Trường Collège Le Myre de Vilers (Trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu ngày nay), là thành viên tích cực của lực lượng học sinh cứu quốc, hoạt động ngay trong ngôi trường của kẻ địch. Đến năm 1950, ông được kết nạp Đảng cộng sản Việt Nam khi vừa tròn 19 tuổi, với bí danh Sáu Nhân.

Ngày 12 tháng Giêng năm 1950, người chiến sỹ Sáu Nhân và 3.000 học sinh Mỹ Tho đã lên Sài Gòn để dự đám tang của Trần Văn Ơn, biến đám tang trở thành một cuộc biểu thị lòng yêu nước của giới trẻ Nam Bộ, gây tiếng vang lớn, có tác động rộng khắp trong phong trào đấu tranh của dân chúng Sài Gòn sau đó. Chỉ mấy tháng sau, Sáu Nhân bị địch bắt và bỏ tù 3 năm. Năm 1953, ông được ra tù, tiếp tục hoạt động cách mạng ở Mỹ Tho, Sài Gòn.

Cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập, ông  Nguyễn Trọng Xuất được cấp trên giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Tiền Giang. Năm 1962, ông được chuyển công tác lên Trung ương cục miền Nam hoạt động tại Tây Ninh. Năm 1965, ông Nguyễn Trọng Xuất được phân công làm Phó ban Tuyên huấn của Khu Sài Gòn - Gia Định. Sau ngày 30/4/1975, ông tham gia nhiều vị trí lãnh đạo của chính quyền TP.HCM, như Phó ban Tuyên huấn, Phó Bí thư Quận 1, Chánh Văn phòng Thành ủy, Giám đốc Khu văn hóa lịch sử TP.HCM. Năm 1999, ông Nguyễn Trọng Xuất được nghỉ hưu, chính thức tham gia Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến TP.HCM. Câu lạc bộ với 40.000 hội viên, lấy công tác giáo dục truyền thống làm trọng tâm, hướng tới mục tiêu là giới trẻ.

Trong nhiều năm qua, với vai trò là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP.HCM, ông Sáu Nhân đã dành nhiều sự quan tâm cho thế hệ trẻ của thành phố, nhất là việc giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc và nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của thanh niên hiện nay.

Chia tay ông Sáu Nhân, tôi vẫn thấy đau đáu trong tâm can người cán bộ lão thành Cách mạng bao điều muốn truyền lại cho thế hệ trẻ. Ông bảo, ở tuổi 88, dù mắt đã mờ, chân đã yếu, nhưng là người từng trải qua một thời thanh niên sục sôi, tràn đầy lý tưởng cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, không ngại hy sinh để bảo vệ nền độc lập, ông chỉ mong muốn thế hệ thanh niên hiện nay cần có đủ tình yêu, đủ niềm tin và đủ trách nhiệm với đất nước.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ thời khắc thiêng liêng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO