Nhìn lại cơ chế hỗ trợ thuế và các khoản thu ngân sách trong phòng, chống dịch COVID-19

Thanh Tùng| 26/01/2022 16:58

Trong 2 năm 2020 và 2021, nền kinh tế gặp muôn vàn khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Cùng với đó, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, hệ lụy của biến đổi khí hậu liên tiếp xảy ra. Trong bối cảnh này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế và tài chính giúp doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua khó khăn.

1.jpeg
Trong năm 2020, gần 130.000 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn. Ảnh minh họa

Hỗ trợ gần 130.000 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất năm 2020

Trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, việc giảm thuế, phí đã thực hiện trong năm 2020 gồm: Giảm 30% thuế TNDN phát sinh phải nộp áp dụng đối với các DN, tổ chức kinh tế, kể cả các đơn vị sự nghiệp, cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo đáp ứng tiêu chí doanh thu năm 2020 không vượt quá 200 tỷ đồng; Giảm 50% lệ phí trước bạ, gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước nhằm hỗ trợ thị trường, kích cầu tiêu dùng; giảm các loại phí, lệ phí liên quan đến sản xuất kinh doanh, vận tải nhằm giúp cho việc hạ thấp chi phí đầu vào của DN.

Kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất năm 2020, theo số liệu của Bộ Tài chính báo cáo trước Quốc hội là khoảng 129.000 tỷ đồng, trong đó, gia hạn khoảng 97.500 tỷ, trực tiếp giảm thuế khoảng trên 31.500 tỷ đồng (chưa kể số giảm phí, lệ phí có tác động đến việc giảm chi phí đầu vào cho DN).

Sang năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các gói hỗ trợ, ưu đãi về thuế và tài chính cũng được Chính phủ và Quốc hội ban hành kịp thời. Nhờ có kinh nghiệm năm trước, các gói giải pháp được đề xuất và triển khai kịp thời và thiết thực, sát với thực tế với phạm vi thụ hưởng rộng hơn.

Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Theo đó, DN thuộc phạm vi áp dụng gia hạn rộng hơn so với năm 2020, có thể nói hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đều được áp dụng gia hạn. Với thời gian gia hạn 5 tháng tương tự như năm 2020 (2 quý đối với doanh nghiệp nộp thuế theo quý), số tiền thuế đã được thực hiện gia hạn năm 2021 đạt khoảng 121.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm 31/12/2021, phần lớn DN được gia hạn đã thanh toán xong tiền thuế đang được gia hạn. Trong những ngày đầu năm 2022, nhiều DN thuộc diện được giảm thuế 30% và các hộ kinh doanh được miễn thuế 6 tháng cuối năm 2021 đã làm xong thủ tục kê khai để đƣợc thụ hưởng chính sách này.

Cùng với việc gia hạn, Bộ Tài chính đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, đẩy mạnh cải cách hành chính để hỗ trợ người nộp thuế và người dân, có thể kể đến các chương trình lớn như: Rà soát lại các khoản phí, lệ phí liên quan đến chi phí đầu vào của DN để cắt giảm mức thu trên 30 loại phí và lệ phí, ước tính mức giảm khoảng trên 1.000 tỷ đồng có tác động giúp DN giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam thông qua việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới, từ đó, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo thuận lợi cho DN trong cạnh tranh.

Thực hiện chương trình chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các ứng dụng quản lý, thực hiện kết nối liên thông, tích hợp cơ sở dữ liệu quản lý, trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro, giảm thiểu việc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở DN, mở rộng việc kiểm tra DN trên hệ thống dữ liệu, coi việc phục vụ, trợ giúp DN, cung cấp thông tin cảnh báo rủi ro để DN tuân thủ tự nguyện làm mục tiêu của công tác kiểm tra, thanh tra.

Đồng thời, triển khai thí điểm hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ) từ tháng 11/2021 chuẩn bị cho việc áp dụng thống nhất trong cả nước từ 1/7/2022 theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019.

2(2).jpg
Nghị định số 103 thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với các loại xe ô tô được sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Ảnh minh họa

Miễn, giảm nhiều loại thuế

Trong năm 2021, thực hiện Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 2/10/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành việc miễn, giảm thuế năm 2021.

Cụ thể, thực hiện giảm 30% thuế TNDN năm 2021. Chính sách được áp dụng đối với DN, Hợp tác xã (HTX), đơn vị sự nghiệp và Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập. Tổ chức được giảm thuế 30% phải đáp ứng tiêu chí có doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019. Tuy nhiên, đối với trường hợp DN, HTX mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong năm 2020 và năm 2021 thì không phải áp dụng việc so sánh với năm 2019.

Doanh thu để tính thuế và miễn giảm thuế sẽ không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác. DN mới thành lập, DN chuyển đổi loại hình DN, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế TNDN mà hoạt động không đủ 12 tháng thì doanh thu của kỳ tính thuế đó được xác định bằng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế chia (:) cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế nhân (x) với 12 tháng. Trường hợp DN có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN bao gồm doanh thu của đơn vị phụ thuộc thể hiện trên báo cáo tài chính tổng hợp năm.

Cùng với đó, nhằm thúc đẩy việc khôi phục sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, thực hiện việc miễn các loại thuế phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ, cá nhân kinh doanh trong quý III và quý IV/2021. Các loại thuế được miễn 2 quý gồm: Thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được miễn thuế là cá nhân cư trú hoạt động trong mọi ngành nghề, hình thức khai thuế, nộp thuế, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa bàn huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (theo địa bàn cấp huyện) chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Thông báo trong năm 2021 của cơ quan có thẩm quyền tại địa phƣơng liên quan đến dịch COVID-19, trong đó có nội dung dừng hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh đối với một hoặc nhiều hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn (bao gồm cả việc phong tỏa, cách ly xã hội một hoặc nhiều khu vực trên địa bàn) để ban hành Danh sách các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19.

Theo Nghị định số 92, nhằm góp phần giúp DN và người dân bớt khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh, đồng thời, góp phần giảm bớt chi phí đầu vào cho DN, ngay từ khi cân nhắc thông qua Nghị quyết số 406/2021/UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải tổ chức thực hiện nhanh chóng, thực chất. Trong đó, nội dung giảm thuế GTGT phải bảo đảm yêu cầu người tiêu dùng phải được giảm giá mua hàng hóa, dịch vụ, không để xảy ra việc lợi dụng chính sách này để trục lợi. Ngay từ khi ban hành, Nghị định 92/2021 đã quy định danh mục chi tiết theo ngành nghề, dịch vụ theo phân ngành kinh tế quốc dân để DN và người dân đối chiếu, thực hiện được ngay và các cơ quan chức năng thuận tiện trong kiểm tra, giám sát thực hiện.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 406/2021 của UBTVQH và Nghị định của Chính phủ số 92/2021/NĐ-CP, Tổng cục thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Văn bản số 12373/BTC-TCT ngày 28/10/2021 gửi các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo thực hiện các công việc trọng tâm để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế và bảo đảm cho người tiêu dùng được hưởng mức giá giảm thấp hơn trước do được giảm thuế GTGT trong thời gian từ 1/11 đến hết ngày 31/12/2021.

Nghị định số 92 cũng gia hạn thời gian nộp thuế TTĐB 2 tháng cuối năm 2021. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2021/NĐ-CP ngày 4/12/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Theo đó, thời gian nộp thuế phát sinh của tháng 10/2021 được gia hạn đến hết ngày 20/12/2021; thời hạn hết ngày 30/12/2021 được áp dụng đối với số thuế phát sinh của tháng 11/2021. Trong thời gian được gia hạn, DN không phải nộp tiền chậm nộp thuế, do vậy, thực chất của việc gia hạn là DN được Nhà nước cho mượn tiền thuế mà không phải trả lãi.

Ngoài các chính sách hỗ trợ trên, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giảm các khoản thu khác của NSNN. Cụ thể, ngày 25/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2021. Theo đó, các đối tượng thụ hưởng gồm các tổ chức, đơn vị, DN, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp (theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.

Cùng với đó, triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/2021/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ DN, HTX, Hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 theo trình tự thủ tục rút gọn về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với các loại xe ô tô được sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian giảm lệ phí trước bạ là 6 tháng áp dụng đối với các loại xe ô tô, kể cả xe đầu kéo có rơ-moóc được kê khai đăng ký nộp lệ phí trước bạ kể từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Khắc phục khó khăn do dịch bệnh, Chính phủ, Quốc hội hết sức quan tâm và trong phạm vi quyền hạn theo quy định của pháp luật cho phép, các gói giải pháp chính sách thuế nêu trên đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Quá trình triển khai thực hiện được Bộ Tài chính chỉ đạo kịp thời, cơ quan Thuế các cấp tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện thống nhất và sớm ngay từ khi dự thảo văn bản đang được xây dựng, trình ban hành. Các giải pháp thuế bước đầu đã có tác động đến sản xuất kinh doanh, được cộng đồng doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành nghề đánh giá cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại cơ chế hỗ trợ thuế và các khoản thu ngân sách trong phòng, chống dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO