Nhiều ý tưởng xanh ấn tượng sẽ tranh tài tại chung kết cuộc thi Tiếng nói Xanh
Những ý tưởng thú vị của 16 đội thi xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi Tiếng nói Xanh đã khẳng định dấu ấn về sự tận tâm và khát vọng thay đổi cộng đồng, là minh chứng cho tư duy và tầm nhìn đột phá của thế hệ trẻ.
Cùng điểm lại một số ý tưởng xanh ấn tượng trước thềm vòng Tranh hạng và Lễ trao giải cuộc thi hùng biện – tranh biện “Tiếng nói Xanh” sẽ diễn ra vào ngày 24/3 tới đây.
Muốn biến đô thị ngột ngạt thành ốc đảo xanh mát
Từ trăn trở về những cao ốc ngột ngạt tại những thành phố lớn do thiếu vắng mảng xanh, bạn Lê Đinh Bảo Ngọc và bạn Võ Thế Dũng, học sinh trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), thành viên đội Mầm Chồi Lá, bắt đầu tìm tòi về cách thực hiện những “mái nhà xanh” để góp phần làm xanh hóa các khu đô thị.
Nhóm tin rằng giải pháp đến từ chính ngôi nhà của mỗi người có thể lan tỏa rộng hơn đến cộng đồng xung quanh. Trong kế hoạch này, người dân sẽ ngay lập tức được hưởng lợi ích từ những mái nhà xanh. “Ý tưởng nếu quá vĩ mô, xa vời sẽ không tác động đến được ý thức người dân. Vì vậy, chúng em ưu tiên lựa chọn ý tưởng gần gũi và đem lại lợi ích thiết thực nhất để có thể lan tỏa rộng tới mọi người”, Bảo Ngọc chia sẻ.
Mô hình “mái nhà xanh” từng xuất hiện ở nhiều khu dân cư nhưng chỉ ở mức đơn giản. Các hộ gia đình ưa chuộng trồng cây trong thùng xốp hoặc trên sân thượng, tuy nhiên cách này chưa giúp tối đa hóa diện tích và mang lại hiệu quả cao nhất. Đây chính là động lực để nhóm tìm ra sáng kiến “mái nhà xanh” thực sự tối ưu, áp dụng được những công nghệ cao.
Ước mơ đưa y tế đến gần hơn với những vùng xa
Trong khi đó, đội LifeSphere của bạn Phạm Bằng An (THPT Chuyên Ngoại Ngữ, Hà Nội) và bạn Nguyễn Trần Minh Khuê (THPT Chu Văn An, Hà Nội) mang đến cuộc thi “Tiếng nói Xanh” với sáng kiến “Nano-Pods - Innovative Solution” – mô hình phòng khám di động xanh. Đây là sự kết hợp giữa mô hình các phòng khám di động với xe điện – phương tiện di chuyển xanh hứa hẹn sẽ “bùng nổ” trong tương lai gần.
Mô hình phòng khám di động đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, vậy nên ý tưởng cần phải đảm bảo tính mới, tính xanh và bền vững. Trong khi đó, các dòng xe điện có thể hạn chế tối đa lượng khí thải, giảm tải số người đến khám chữa bệnh cho các bệnh viện, chính là yếu tố quan trọng trong ý tưởng của đội LifeSphere.
Động lực lớn nhất thôi thúc nhóm thực hiện ý tưởng Nano-Pods xuất phát từ khát khao mang y tế đến gần hơn với mọi người. “Chúng em mong muốn mang dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến những nơi xa xôi, hẻo lánh để người dân ở đó có thể dễ dàng tiếp cận, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm bớt gánh nặng chi phí y tế”, Minh Khuê chia sẻ.
Đội LifeSphere mong muốn mô hình phòng khám di động Nano-Pods sẽ giúp người dân khám bệnh nhanh hơn, tiết kiệm thời gian di chuyển, đặc biệt là ở các vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh còn khó khăn. Với công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, cung cấp dịch vụ y tế miễn phí hoặc giá rẻ cho người dân, đội hy vọng Nano-Pods trở thành giải pháp được quan tâm, ủng hộ trong lĩnh vực chăm sóc y tế.
Lan tỏa lối sống xanh với giáo dục xanh toàn diện
Với bạn Phạm Ý Nhi và Nguyễn Thị Bảo Trâm (đội SHINE) đến từ trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng), chính những môn học trên lớp và các hoạt động ngoại khóa về môi trường đã truyền cảm hứng cho các em phát triển ý tưởng “Giáo dục xanh - Thế hệ trẻ vì tương lai”. Ý tưởng kết hợp giáo dục môi trường với lối sống tiêu dùng xanh, đồng thời mang đến những sản phẩm thiết thực, dễ dàng áp dụng trong đời sống.
Nhóm đề xuất phát triển thiết bị tưới cây tự động được chế tạo từ chai nhựa tái chế, không chỉ giải quyết vấn đề rác thải nhựa trong các trường học, mà còn giúp tiết kiệm nước tưới và chăm sóc cây xanh hiệu quả ngay cả khi học sinh vắng mặt. Đề xuất thứ hai của ý tưởng là tái chế giấy đã qua sử dụng thành giấy ghi chú, góp phần giảm thiểu rác thải giấy và khuyến khích thói quen sử dụng văn phòng phẩm thân thiện với môi trường.
Đội SHINE sẽ cũng phát động phong trào “Lớp học Xanh – Trường học Xanh” định kỳ hàng tháng giữa các lớp, các trường học tại Đà Nẵng để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống và xây dựng không gian học tập xanh - sạch - đẹp, an toàn và thân thiện với học sinh.
Bên cạnh đó, Ý Nhi và Bảo Trâm còn tham vọng sẽ phát triển một chương trình giáo dục lối sống xanh toàn diện, bắt đầu từ những đầu sách và website cung cấp các thông tin, kiến thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
“Chúng em hy vọng chương trình giáo dục này sẽ được đưa vào mọi trường học, dù là vùng cao hay thành phố, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Từ đó, các sản phẩm tái chế của chúng em sẽ được sử dụng rộng rãi hơn, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”, Ý Nhi nói.
“Chúng em tin tưởng sáng kiến của mình sẽ lan tỏa rộng rãi, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường và lan tỏa lối sống xanh bằng những hành động thiết thực cùng các sản phẩm thực tiễn. Đến với Vòng Tranh hạng, chúng em quyết tâm mang đến một ý tưởng chỉn chu nhất, hứa hẹn mở ra một xu thế giáo dục hoàn toàn mới cùng với lối sống xanh hiện đại cho cộng đồng”, Ý Nhi khẳng định.
Cuộc thi hùng biện – tranh biện “Tiếng nói Xanh” là một trong nhiều hoạt động cụ thể do Quỹ Vì tương lai xanh, thuộc Tập đoàn Vingroup, phát động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy xã hội chung tay hành động vì một tương lai tốt đẹp. 16 cá nhân/đội thi xuất sắc nhất đã vượt qua gần 1.700 thí sinh trên toàn quốc sẽ chính thức bước vào Vòng Tranh hạng được tổ chức cùng loạt hoạt động hấp dẫn của lễ hội “Ngày Hội Xanh” diễn ra ngày 24/3 tại Grand World – Ocean City Hà Nội.
Trong khuôn khổ vòng Tranh hạng, Ban tổ chức cũng phát động hoạt động “Ươm mầm kiến tạo tương lai xanh” (Green Seed for Green Future) để hỗ trợ 27 thí sinh của 16 đội thi xây dựng và triển khai hoạt động cho Câu lạc bộ Xanh tại chính ngôi trường mình đang theo học. Các dự án được lựa chọn sẽ nhận nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thuộc hệ sinh thái xanh của Tập đoàn Vingroup.