Kinh tế

Nhiều ý tưởng đưa ra tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam 2023

Hoài Thu 06/12/2023 - 18:19

(TN&MT) - Ngày 6/12, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (CIEM, MPI) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam (VEP) với chủ đề “Khoa học công nghệ thúc đẩy thịnh vượng - Cơ hội cho Việt Nam”, nhằm phát triển tiềm năng biến đổi của công nghệ mới trong thời đại công nghiệp 4.0 và cách mạng kỹ thuật số.

Diễn đàn quy tụ các lãnh đạo doanh nghiệp, học giả, chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước.

anh-chup-man-hinh-2023-12-06-luc-16.12.41.png
Bà Ramla Khalidi – Trưởng Đại diện thường trú UNDP phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, bà Ramla Khalidi – Trưởng Đại diện thường trú UNDP nhấn mạnh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi năng lượng và các thay đổi trong chiến lược địa chính trị đã tạo ra những cơ hội lịch sử để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế, thâm nhập các thị trường mới cho hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn và tăng giá trị của hàng xuất khẩu. Khả năng tận dụng những cơ hội này của Việt Nam sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng duy trì tăng trưởng năng suất ở mức thu nhập cao hơn - nói cách khác là tránh bẫy thu nhập trung bình.

Vì vậy, Việt Nam và các quốc gia có thu nhập trung bình tương đương có thể khai thác được các khả năng và giải quyết các thách thức trong việc xây dựng năng lực công nghệ, dựa vào tầm quan trọng của khoa học và đổi mới sáng tạo, đồng thời xây dựng môi trường kinh doanh đổi mới và cạnh tranh.

anh-chup-man-hinh-2023-12-06-luc-16.12.07.png
Bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, từ các diễn đàn được phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị với chủ đề khoa học công nghệ mở đường cho phát triển tiềm năng kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có thêm thông tin tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho Chính phủ ban hành các chính sách phát triển kinh tế, trong đó có những chính sách mang tính nền tảng trong việc hình thành các mô hình kinh tế mới ở Việt Nam như Đề án phát triển kinh tế ban đêm, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, Đề án phát triển kinh tế chia sẻ,…

Được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNDP khởi xướng diễn đàn “Nhịp đập Kinh tế Việt Nam” từ năm 2021, đây được coi là sự kiện thường niên được thiết kế nhằm tạo ra một nền tảng mới và tình hình kinh tế, chính sách phát triển của Việt Nam. Bà Hồng Minh mong muốn, diễn đàn lần này sẽ nhận được nhiều thảo luận, đối thoại về các vấn đề kinh tế, khoa học công nghệ đến từ các đơn vị, các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách,….

anh-chup-man-hinh-2023-12-06-luc-16.13.04.png
TS. Nguyễn Hữu Thọ - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình bày tham luận

TS. Nguyễn Hữu Thọ - đại diện nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã trình bày Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023 và những động lực chính cho tăng trưởng và phát triển, trong đó, ông chỉ ra xu hướng kinh tế năm 2023 của Việt Nam đang tăng trưởng khá tích cực, với việc đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho phát triển và đầu tư công, cao hơn 6,7% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với năm cùng kỳ 2022. Phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài được cho là cao nhất trong 5 năm qua (tính theo vốn thực hiện),…

Tuy nhiên, đối với một số thị trường yếu tố sản xuất hoạt động vẫn còn vướng nhiều bất cập như thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn trầm lắng; thị trường bất động sản chưa có cơ cấu hàng phù hợp khi thừa ở phân khúc cao và thiếu ở phân khúc dưới; thị trường điện về căn bản là đủ nhưng vẫn thiếu nguồn cung cục bộ theo vùng vào mùa khô, việc phát triển nguồn điện “sạch” như điện gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thuỷ triều còn chậm…

Do đó, để phát huy tính chủ động cùng sự tăng trưởng kinh tế năm 2024 và các năm tiếp theo, TS. Hữu Thọ đề xuất một số giải pháp: Xây dựng các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cần tiếp tục hướng tới thúc đẩy lợi thế địa phương, tăng liên kết vùng trong việc phát triển khoa học công nghệ; tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn cho các động lực tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, thị trường hàng hoá dịch vụ và tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh.

anh-chup-man-hinh-2023-12-06-luc-16.13.19.png
PGS.TS Nguyễn Trường Thắng – Viện Công nghệ thông tin – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày tham luận

Đề xuất đòn bẩy quan trọng giúp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, PGS.TS Nguyễn Trường Thắng – Viện Công nghệ thông tin – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Việt Nam cần dựa trên bối cảnh và thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0 để từ đó, tìm cách xây dựng hoạt động cũng như năng lực quản lý khoa học công nghệ.

Đồng thời, nhằm phát triển hệ sinh thái khoa học công nghệ để tăng giá trị gia tăng chuỗi giá trị toàn cầu cần có tầm nhìn xa về công nghệ và phát triển các mô hình trung tâm dữ liệu, thiết bị số, điện toán đám mây, AI và chuẩn bị điều kiện (vốn, nhân lực, cơ chế khuyến khích) phù hợp với sự thay đổi của dòng đầu tư theo các xu hướng công nghệ như: Dữ liệu lớn, Robot, IoT, Công nghệ sinh học, năng lượng và môi trường, chuyển đổi số,…

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra tọa đàm trao đổi “Khoa học công nghệ thúc đẩy thịnh vượng”, trong đó, trình bày về bẫy thu nhập trung bình và chính sách công nghệ ở Đông Nam Á, ông Jonathan Pincus - Chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP cho biết, rất ít quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình: tăng trưởng năng suất có xu hướng chậm lại hoặc đảo chiều, trong đó có Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.

anh-chup-man-hinh-2023-12-06-luc-16.13.38.png
Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam (VEP) với chủ đề “Khoa học công nghệ thúc đẩy thịnh vượng - Cơ hội cho Việt Nam”

Việt Nam đã duy trì tăng trưởng từ năm 1990 và tiếp tục duy trì tính cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế theo quy mô và quần tụ kinh tế, thoát khỏi bẫy về thu nhập trung bình, Việt Nam và các nước cần rất nhiều vốn và hoạt động nghiên cứu cơ bản chính sách kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần bắt đầu đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và phát triển công nghệ được cấp phép cho mảng giáo dục như cho các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước,… Đi cùng với đó Việt Nam cần phối hợp mối quan hệ cùng các công ty sản xuất cuối chuỗi cung ứng để phát huy thế mạnh của cộng đồng khoa học Việt Nam, nâng cấp công nghệ trong ngành bán dẫn,… nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất xuất khẩu hàng hoá.

Trong Diễn đàn, các nhà giáo dục, nhà khoa học và lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ quan điểm về nắm bắt cơ hội, thu hút đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hướng đến tạo dựng môi trường kinh tế sôi động tại Việt Nam thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ý tưởng đưa ra tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO