Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi thời hạn giấy phép thăm dò khoáng sản
(TN&MT) - Góp ý cho Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang lấy ý kiến nhân dân, nhiều nhà quản lý và doanh nghiệp đề nghị thay đổi quy định về thời hạn giấy phép thăm dò khoáng sản.
Tại Hội thảo lần thứ 2 lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản diễn ra vào ngày 29/9 tại Lâm Đồng, ông Phạm Thanh Tuấn - Trưởng ban tài nguyên TKV đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi quy định về thời hạn giấy phép thăm dò khoáng sản. Cụ thể, về công tác thăm dò, theo quy định Luật Khoáng sản hiện hành, thời gian tối đa đối với giấy phép thăm dò là 48 tháng, được gia hạn nhiều lần, tổng thời gian gia hạn tối đa là 48 tháng, như vậy tổng cộng thời gian GPTD (bao gồm cả thời gian gia hạn) tối đa là 96 tháng (8 năm).
Trong khi đó, theo Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, thời gian tối đa đối với giấy phép thăm dò (Khoản 4 Điều 59) là 48 tháng, được gia hạn nhiều lần, tổng thời gian gia hạn tối đa là 24 tháng, như vậy thời gian giấy phép thăm dò (bao gồm cả thời gian gia hạn) tối đa là 72 tháng (6 năm).
TKV đề nghị giữ nguyên thời gian gia hạn tối đa đối với giấy phép thăm dò như Luật hiện hành là 48 tháng, bởi sau khi giấy phép thăm dò hết hạn và kết quả báo cáo thăm dò được phê duyệt, thời gian để lập Dự án khai thác, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ theo quy định để đủ điều kiện đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản mất nhiều thời gian (lớn hơn 24 tháng). Do vậy với thời gian nêu trên, các doanh nghiệp không đủ thời gian để thực hiện các thủ tục hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác.
Đồng quan điểm với ông Phạm Thanh Tuấn, trước đó, tại Hội thảo lần thứ 1 lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản vào giữa tháng 9 tại Quảng Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đề nghị Ban soạn thảo xem xét giữ nguyên quy định về tổng thời gian gia hạn như Luật hiện hành là 48 tháng (khoản 2 Điều 41 Luật Khoáng sản năm 2010).
Ông Ngọc Thái Hoàng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh giải thích: “Thực tế, do các vướng mắc về chồng lấn ranh giới quy hoạch các Đề án thăm dò với ranh giới của địa phương (ranh giới quy hoạch các loại rừng), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vận dụng, cấp phép đối với khu vực không chồng lấn; đối với các khu vực còn lại, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện thủ tục để tháo gỡ vướng mắc, nhưng thực tiễn triển khai, hoàn thiện các thủ tục này thường mất rất nhiều thời gian. Do vậy, nếu trường hợp giấy phép thăm dò không được gia hạn nhiều lần với thời gian gia hạn ngắn thì đơn vị được cấp phép sẽ không đủ thời gian thực hiện toàn bộ khối lượng của Đề án”.
Cũng góp ý cho quy định về thời hạn giấy phép thăm dò khoáng sản, ông Nguyễn Ngọc Hải, Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc đề nghị tăng thời hạn giấy phép thăm dò lên 60 tháng và được gia hạn nhiều lần nhưng không quá 60 tháng. Ông lý giải Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, mùa mưa thường kéo dài trung bình 4-6 tháng, mưa và lũ hưởng lớn đến công tác thăm dò, đặc biệt tại những vùng núi; hơn nữa, các khoáng sản kim loại phức tạp và phân bố ẩn sâu cần có thêm thời gian và công nghệ để chính xác hóa đặc điểm thân quặng, do vậy cần tăng thời hạn giấy phép thăm dò cũng như tăng thời gian gia hạn giấy phép thăm dò như đề xuất trên.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu cũng góp ý sửa đổi quy định này thành: “Giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có thời hạn không quá 12 tháng và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 6 tháng. Giấy phép thăm dò khoáng sản đối với khoáng sản khác có thời hạn không quá 48 tháng và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 24 tháng”.
Theo ông Mai Văn Thạch, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu, cần phải quy định rõ thời gian cho từng công việc, như vậy khi hết thời gian ở công việc nào thì phải gia hạn thời gian tương ứng công việc đó. Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nếu thời gian thăm dò kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công, trượt giá,...