Nhiều tuyến đê trọng yếu kêu cứu vì xe quá tải

04/10/2014 00:00

(TN&MT) - Tình trạng xe quá tải trọng cho phép đi trên đê vẫn thường xuyên diễn ra gây hư hỏng nghiêm trọng mặt đê.

   
(TN&MT) - Theo báo cáo của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên các tuyến đê sông lớn đã được cắm các biển báo quy định cho phép tải trọng các loại xe được phép đi trên đê, song, tình trạng xe quá tải trọng cho phép đi trên đê (chủ yếu là các xe chở cát) vẫn thường xuyên diễn ra gây hư hỏng nghiêm trọng mặt đê.
   
   
Tuyến đê hữu sông Mã đoạn qua Thành phố Thanh Hóa bị hư hỏng xuống cấp nặng nề
   
  Đặc biệt là, những đoạn đã được gia cố bằng mặt bê tông, làm cho nhiều đoạn bê tông mặt đê bị lún, nứt gãy, vỡ nghiêm trọng như: Đoạn từ K19+760 – K25+700 tuyến đê hữu sông Chu, huyện Thọ Xuân; đoạn K0+700 – K3+900 tuyến đê hữu sông Mã, huyện Yên Định; đoạn K36 – K39+400 tuyến đê hữu sông Mã, thành phố Thanh Hóa… Đồng thời, nhiều tuyến đê đang có nguy cơ bị hư hỏng cao do xe vận chuyển cát ở các bãi đã được cấp phép như: Đoạn từ K39+500 – K44+703 tuyến đê hữu sông Chu và đoạn K29 – K31 tuyến đê tả sông Chu, huyện Thiệu Hóa; đoạn K3+900 – K8 tuyến đê hữu sông Mã, huyện Yên Định… Đối với những đoạn mặt đê chưa được gia cố thì xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà ảnh hưởng đến an toàn đê diều, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông, cũng như công tác hộ đê, PCLB khi có sự cố xảy ra. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần có văn bản đề nghị chính quyền UBND các huyện, UBND các xã, phường có đê có biện pháp ngăn chặn và xử phạt xe quá tải đi trên đê, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý nghiêm túc.
   
  Để phối hợp ngăn chặn và xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải phá nát đê cần sự vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành liên quan: Phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11/CT – UBND ngày 12/05/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, PCLB và TKCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2014. Cùng với đó, các huyện, thành phố, các ngành như công an, thanh tra giao thông có biện pháp ngăn chặn, xử phạt nghiêm tình trạng xe quá khổ quá tải chạy trên các truyến đê, đặc biệt là các xe chở cát quá tải trọng cho phép. Đồng thời, việc dựng khung khống chế tải trọng hình chữ U người trên mặt đê (khống chế tải trọng theo chiều cao) cũng đã được tính đến và đề xuất phê duyệt.
   
  Nhiều tuyến đê trọng yếu ở Thanh Hóa bị xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng là một thực trạng đã xảy ra nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Liệu rằng những tuyến đê xung yếu, hư hỏng nặng nề có được “hồi sinh” như vốn có của nó? Câu trả lời vẫn còn nhiều bỏ ngỏ?
   
Bài và ảnh: Thu Thủy – Anh Tú
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tuyến đê trọng yếu kêu cứu vì xe quá tải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO