Theo đó, so sánh với QCVN 51:2013/BTNMT và QCVN 52:2013/BTNMT hiện nay, dự thảo QCVN về khí thải và nước thải công nghiệp sản xuất thép đã quy định theo hướng cụ thể hơn, đã phân chia cơ sở sản xuất thép thành hai loại hình là: Khu liên hợp sản xuất thép và cơ sở luyện cán thép.
Việc phân tách khái niệm này giúp đưa ra các quy định được cụ thể hơn đối với từng loại hình; tuy nhiên cần rà soát để đảm bảo tính đồng bộ nhằm kiểm soát được các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với các dự án công nghiệp sản xuất thép hiện nay.
Ảnh minh họa |
Tại Bảng 1 của 02 dự thảo Quy chuẩn có nhiều thay đổi về thông số và giới hạn tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm.
Chẳng hạn như: đối với quy chuẩn khí thải trong sản xuất thép, giá trị C của các thông số làm cơ sở để tính nồng độ tối đa cho phép trong khí thải công đoạn thêu kết và sản xuất gang, công đoạn sản xuất cốc có nhiều thay đổi so với QCVN 51:2013/BTNMT. Đặc biệt, có thông số giá trị được điều chỉnh giảm một nửa so với trước như thông số bụi tổng (A: 200-400mg/Nm3; B: 100-200mg/Nm3; M: 100-50mg/Nm3); thông số Cadmi giảm xuống 5 lần (A: 5-20mg/Nm3; B: 1-5mg/Nm3; M: 0,2-1mg/Nm3).
Các quy định thay đổi trong dự thảo quy chuẩn theo chiều hướng chặt chẽ hơn chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất thép. Do đó, cần nghiên cứu kỹ hơn và thận trọng về các thay đổi này, đặc biệt là phải làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn để quyết định áp dụng những giá trị điều chỉnh trên, từ đó đề ra lộ trình áp dụng đối với những cơ sở sản xuất thép đã và đang hoạt động cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội của các cơ sở.
PV