Nhiều thách thức trong triển khai Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn
Chuỗi dự án Lô B đã chính thức đi vào triển khai, trở thành động lực để tập thể người lao động dầu khí tiếp tục đồng lòng quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao phó, mặc dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Đánh thức siêu dự án
Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV (hạ nguồn), với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD. Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800MW.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia, không những đem lại nguồn thu rất lớn cho Nhà nước với hơn 30 tỷ USD, các bên đầu tư là hơn 11 tỷ USD mà còn góp phần củng cố an ninh, quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển đảo. Đồng thời, các dự án thành phần thuộc Chuỗi dự án trong quá trình xây dựng sẽ tạo thêm cơ sở hạ tầng, tạo hàng nghìn việc làm, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương.
Những năm qua, vì nhiều lý do khách quan trong các thủ tục đầu tư các dự án nhà máy điện hạ nguồn, cũng như còn tồn tại, vướng mắc trong cơ chế chính sách về tiêu thụ khí điện, vận hành thị trường điện để các hộ tiêu thụ có thể ký kết hợp đồng thương mại đã ảnh hưởng đến nhiều mốc tiến độ quan trọng của Chuỗi dự án.
Dưới sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, đi sâu tập trung tháo gỡ các vấn đề liên quan tới cơ chế, khơi thông cho việc triển khai chuỗi giá trị khai thác và sử dụng khí Lô B - Ô Môn, nhiều vấn đề vướng mắc đã từng bước được giải quyết với phương châm “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Ngày 30/10/2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), thông qua chi nhánh là Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) đã ký kết trao thầu gói thầu EPCI#1 - gói thầu quan trọng nhất của Dự án Thượng nguồn, nằm trên đường găng gắn với mục tiêu khai thác dòng khí đầu tiên của Chuỗi dự án.
Ngay sau khi ký kết, PQPOC và liên danh tổng thầu McDermott-PTSC, với tinh thần “Một đội ngũ - Một mục tiêu”, đã bắt tay ngay vào triển khai công tác thiết kế chi tiết. Đến nay, sau 2 tháng ký Hợp đồng, tổng nhân sự tham gia trực tiếp vào dự án đã lên tới gần 350 người, công tác thiết kế đạt khoảng 15% theo đúng kế hoạch đề ra, hướng tới mục tiêu First Gas vào cuối năm 2026 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để đạt được những kết quả đột phá trong thời gian vừa qua, quan trọng nhất là nhờ sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của Hệ thống Chính trị từ cấp cao nhất, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ làm kim chỉ nam, lan tỏa xuống các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn có liên quan cũng như các đơn vị trực tiếp tham gia trong Chuỗi dự án. Sau đó là sự lãnh đạo khéo léo, bản lĩnh, quyết liệt nắm giữ mục tiêu, kiên trì dẫn dắt đàm phán và sáng tạo trong cách tiếp cận của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; cũng như sự đoàn kết, đồng lòng nhất trí, phát huy trí tuệ tập thể của hệ thống nội bộ Tập đoàn, tìm kiếm tận dụng mọi giải pháp để vượt qua khó khăn, thực hiện bằng được nhiệm vụ của Chính phủ giao phó, trên tâm thế hài hòa về lợi ích và rủi ro được chia sẻ công bằng.
Việc Chuỗi dự án Lô B chính thức đi vào triển khai đã trở thành động lực rất lớn để tập thể người lao động dầu khí tiếp tục đồng lòng quyết tâm thực hiện mục tiêu Chính phủ giao phó, mặc dù nhận diện rõ trước mắt còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Yếu tố thách thức đầu tiên là về giá cả, do nhu cầu gia tăng đột biến các dự án phát triển dầu khí trên thế giới, các siêu dự án liên quan tới chuyển dịch năng lượng. Thứ hai là thách thức về chuỗi cung ứng toàn cầu, đến từ những bất ổn địa chính trị trên thế giới kéo dài và nhân rộng gần đây tại nhiều khu vực trên thế giới. Thứ ba là sự cạnh tranh về nguồn lực với các dự án trong khu vực, bao gồm cả nguồn lực về tài chính, nguồn lao động chất lượng cao, nguồn cung ứng trang thiết bị vật tư quan trọng. Thứ tư là những thách thức liên quan tới đổi mới về công nghệ, tác động tới thiết kế và biện pháp thi công. Và cuối cùng là những thách thức trong quản trị dự án thượng nguồn nói riêng và sự đồng bộ giữa các nhóm công việc thành phần trong chuỗi nói chung.
Các giải pháp đảm bảo mục tiêu kỳ vọng
Nhận diện rõ những thách thức cũng như những bài học rút ra, ngay sau khi Lễ trao thầu được ký kết, Petrovietnam và Người điều hành Dự án thượng nguồn - PQPOC đã nhanh chóng xây dựng chi tiết những giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra.
Nhận định yếu tố con người là trọng tâm, nhóm giải pháp về con người và hệ thống được Petrovietnam/PQPOC đặt lên hàng đầu, thông qua việc xây dựng các cơ chế thu hút phù hợp nhằm kiện toàn đội ngũ nhân sự chất lượng về chuyên môn và sáng về đạo đức, tổ chức triển khai công việc, giám sát các nhà thầu thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ theo Hợp đồng, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và nằm trong chi phí ước tính. Tiếp đến là tập trung xây dựng hệ thống lấy chuyển đổi số làm phương thức căn bản, dữ liệu là tài nguyên, công nghệ số là phương tiện thường trực và trí tuệ để quản trị, sáng tạo nhằm tối ưu nguồn lực cho phép, đem lại hiệu quả cao nhất. Với quan điểm “tái tạo văn hóa tạo đà cho tái tạo kinh doanh”, Petrovietnam phát triển văn hóa lấy lợi ích của Nhà nước làm trung tâm, đạo đức nghề nghiệp để điều chỉnh, và tinh thần đổi mới - dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm làm động lực phát huy sức mạnh tổng thể, để đem lại kết quả vượt kỳ vọng.
Trong nhóm giải pháp quản trị, Petrovietnam/PQPOC đề ra 4 yếu tố chính. Quản trị tiến độ lấy đích đến làm trọng tâm, lập kế hoạch đồng bộ giữa các khâu của dự án, phân bổ nguồn lực phù hợp và giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai, chủ động quản trị các biến động trong quá trình thực hiện để không thay đổi mục tiêu cuối cùng. Quản trị chi phí thông qua việc bám sát tình hình thị trường để xây dựng chiến lược đấu thầu tối ưu và chọn điểm rơi phù hợp nhất; tạo tính cạnh tranh cho từng gói mua sắm, từng gói cung cấp dịch vụ cho thi công; tận dụng thời cơ khi có và quản trị các phát sinh trong phạm vi nguồn lực cho phép. Quản trị chất lượng, an toàn bằng cách hoàn thiện đầy đủ các quy trình cần thiết cho dự án để quản lý việc triển khai một cách hiệu quả, đạt hiệu suất cao đồng thời tuân thủ chặt chẽ các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn áp dụng cho từng khâu của dự án. Cuối cùng là nhận diện đầy đủ các vấn đề giao diện giữa các dự án thành phần trong chuỗi; chỉ định đầu mối quản lý và phân giao nhiệm vụ giám sát, quản trị thường xuyên đảm bảo công việc của toàn chuỗi được triển khai đồng bộ, thông tin được chia sẻ xuyên suốt, đầy đủ, rõ ràng và minh bạch.
Đối với nhóm giải pháp về đổi mới sáng tạo, Petrovietnam/PQPOC sẽ xây dựng cơ chế giao quyền tự chủ, ra quyết định; khuyến khích nghiên cứu, phát huy sáng kiến sáng chế tạo ra giá trị gia tăng tại từng khâu của dự án; đồng thời hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của dự án, lập kế hoạch tổng thể và chi tiết cho từng sáng kiến số, tổ chức triển khai hiệu quả đảm bảo hình thành các công cụ số kịp thời hỗ trợ quản lý điều hành công việc dự án một cách thông minh và hiệu suất nhất.
Là dự án dầu khí trọng điểm mang tầm vóc quốc gia, việc triển khai từng dự án thành phần cũng như tổng thể Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn đã và sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều thách thức. Với vai trò là Người điều hành Dự án thượng nguồn, PQPOC đã kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho Lô B, chỉ đạo xử lý rốt ráo 03 vấn đề ưu tiên, chủ yếu liên quan tới tháo gỡ khó khăn cho các dự án thành phần trong Chuỗi.
Theo đó, công việc quan trọng nhất hiện nay là giải quyết triệt để các vướng mắc liên quan đến thị trường điện, các thông tư hướng dẫn liên quan trong tháng 1/2024, để đảm bảo đầy đủ khung pháp lý cho các nhà máy điện tiêu thụ khí Lô B thực hiện được các cam kết trong hợp đồng mua bán khí, mua bán điện trong trong toàn bộ giai đoạn vận hành khai thác khí Lô B. PQPOC cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương và chỉ đạo ủy quyền cho Petrovietnam chủ trì thẩm định và phê duyệt đầu tư dự án NMNĐ Ô Môn IV nhằm tối ưu thời gian chuẩn bị dự án, rút ngắn tiến độ, đưa dự án vào vận hành phù hợp với tiến độ dự án thượng nguồn và trung nguồn; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn tất và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án đối với dự án NMNĐ Ô Môn III sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản, để phía JICA chính thức ghi nhận Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Chủ đầu tư của Dự án.
Để Chuỗi dự án Lô B đi đến thành công còn là một chặng đường dài khó khăn phía trước. Trong đó, sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, cơ quan thẩm quyền liên quan để giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc tồn tại là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho Petrovietnam, cùng các nhà đầu tư trong Chuỗi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đưa Chuỗi dự án đạt được những thành công như kỳ vọng, thúc đẩy sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam cũng như tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.