“Là quốc gia nằm ở cuối nguồn, Việt Nam đang cùng với cộng đồng quốc tế và khu vực rất quan ngại về những tác động bất lợi của các hoạt động phát triển này đến môi trường, kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, một địa bàn trọng điểm quốc gia cả về chính trị, kinh tế và an ninh - quốc phòng. Cũng với những dấu hiệu ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu, các tác động bất lợi này ngày càng gia tăng thông qua các hiện tượng xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún từng ngày từng giờ đe dọa đời sống và hoạt động sản xuất của người dân ĐBSCL" - Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Lê Công Thành cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Công Thành, thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công năm 1995 và Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thoả thuận của Ủy hội sông Mê Công quốc tế; Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã phối hợp với các quốc gia thành viên tiến hành tham vấn cho các dự án sử dụng tài nguyên nước trên dòng chính Mê Công. Cụ thể là 03 Dự án thủy điện dòng chính Xay-nhabu-ly, Đôn Sa-hông, và Pắc Beng của Lào nhằm hỗ trợ cho các quốc gia trong sử dụng công bằng và hợp lý nguồn tài nguyên nước sông Mê Công, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia mình một cách bền vững.
Trên cơ sở thông báo của Chính phủ Lào gửi Ủy hội sông Mê Công quốc tế về Dự án thủy điện Pắc Lay, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thống nhất tiến hành tham vấn cho Dự án thủy điện này bắt đầu từ tháng 8/2018 và kéo dài ít nhất là 06 tháng, nhằm cung cấp thông tin cho các bên liên quan xem xét đánh giá đề xuất của Lào, tập hợp ý kiến góp ý về tác động và các biện pháp giảm thiểu tác động. Đối với Việt Nam, là quốc gia thành viên tích cực và xây dựng nhất, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Bộ TN&MT cũng đã lập Kế hoạch tham vấn quốc gia nhằm giúp Ban Thư ký hoàn thiện đánh giá kỹ thuật, góp ý cho Chính phủ Lào về đánh giá tác động và các giải pháp giảm thiểu và quan trọng nhất là giúp xây dựng ý kiến của Việt Nam cho quá trình tham vấn Dự án thủy điện Pắc Lay.
Sau Hội thảo tham vấn dành cho các Bộ, ngành Trung ương tuần trước tại Hà Nội, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia ngày hôm nay cho các địa phương và cộng đồng khu vực ĐBSCL nhằm mục tiêu góp ý cho đánh giá kỹ thuật của Ban Thư ký đối với các tài liệu của Lào giao nộp và tiến hành đánh giá thêm các tác động xuyên biên giới của công trình Pắc Lay và tổ hợp các công trình thủy điện khác trên dòng chính sông Mê Công đối với ĐBSCL cho các lĩnh vực: thuỷ văn thuỷ lực, phù sa bùn cát, chất lượng nước sinh thái, thủy sản, giao thông thuỷ, an toàn đập, và kinh tế - xã hội.
Là quốc gia luôn đóng vai trò là thành viên tích cực nhất của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, trong các đợt tham vấn trước đây cho các Dự án thủy điện Xay-nha-bu-ly, Đôn Sa-hông, và Pắc Beng, Việt Nam luôn thể hiện sự chủ động và xây dựng trong tham gia đóng góp cho thành công tham vấn của Ủy hội, đặc biệt trong đợt tham vấn cho Dự án thủy điện Pắc Beng đã thống nhất được một Tuyên bố chung là đề nghị Chính phủ Lào thực hiện đầy đủ đánh giá tác động của công trình, thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động, các hoạt động quan trắc, và chia sẻ và cập nhật thông tin kịp thời cho các quốc gia thành viên khác theo quy định của Ủy hội.
Dự án thủy điện Pắc Lay là công trình thủy điện thứ 4 của Lào trên dòng chính sông Mê Công nằm ở tỉnh Xay-nha-bu-ly, vùng Bắc lào và cách ĐBSCL của Việt Nam 1.615km. Công xuất lắp đặt 770MW, sản lượng điện 4.125GWh, dung tích hồ chứa 58 triệu m3, với 14 tổ máy. Lượng điện do Pắc Lay sản xuất dự kiến bán cho Thái lan (85%), còn lại Lào sử dụng. Để xây dựng báo cáo đánh giá kỹ thuật, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công Quốc tế đã thực hiện đánh giá các tài liệu do Lào cung cấp, bao gồm các lĩnh lực chế độ dòng chảy, phù sa, bùn cát, giao thông, chất lượng nước, an toàn đập, kinh tế - xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo đánh giá về Dự án Thủy điện dòng sông Pắc Lay của Lào. Trong đó, các đại biểu đặc biệt tỏ ra quan ngại về những tác động làm giảm lượng phù sa, bùn cát, giảm số lượng các loại cá di cư trên dòng Mê Công. Một số nhà khoa học cho rằng, phía Việt Nam và Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam cần gửi thông điệp đến Lào để họ có biện pháp giảm thiểu tác động. Phía Việt Nam cần có kế hoạch trung và dài hạn ứng phó với lũ, hạn và tình trạng giảm phù sa…
Đặc biệt là phải đấu tranh để các nước đang xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính Mê Công chia sẻ thông tin kịp thời về vận hành đập, để phía hạ lưu Việt Nam mà cụ thể là người dân vùng hạ lưu ĐBSCL chủ động ứng phó với mọi tình huống. Đáng lưu ý, PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ kiến nghị: “Phía Việt Nam cần đánh giá lại những góp ý trước đây khi phía Lào xây dựng đập thủy điện, các góp ý này được tiếp thu ra sao. Nếu chúng ta đánh giá không đạt thì nên mạnh dạn đề xuất phía Lào hủy bỏ dự án…".
Phát biểu kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Lê Công Thành cho rằng, đối với các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công, mối quan tâm của Việt Nam không chỉ tập trung vào tác động tại chỗ của một công trình thủy điện riêng lẻ mà còn cả tác động tổng thể của toàn bộ bậc thang thủy điện dòng chính của phát triển thủy điện thượng nguồn sông Mê Công và dòng nhánh kết hợp với ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL...
"Những ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các nhà khoa học đối với dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay của Lào tại hội thảo này sẽ giúp rất nhiều cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Bộ TN&MT trong tổng hợp và chuẩn bị ý kiến của Việt Nam về Dự án thủy điện Pắc Lay trong các diễn đàn tham vấn vùng của Ủy hội, và góp phần đảm bảo mục tiêu sử dụng bền vững, công bằng và hợp lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công nói chung và vùng ĐBSCL của Việt Nam nói riêng" - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.